Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 17/12/2014
Ngày cập nhật:
18/12/2014
Từ vùng đất chiêm trũng, đầm lầy cấy lúa không ăn chắc, vợ chồng anh Lưu Quang Chín, thôn An Trụ, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh mạnh dạn “khai hoang”, đầu tư phát triển kinh tế trang trại, biến tấc đất thành tấc vàng để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Với sự cần cù, chăm chỉ, sáng tạo trong cách làm ăn mới, gia đình anh Chín trở thành “vua cá” của cả vùng, được mọi người đến học tập, noi theo.
Chúng tôi “mục sở thị” mô hình làm kinh tế giỏi của vợ chồng anh Lưu Quang Chín đúng vào dịp gia đình anh thu hoạch lứa cá của năm nay. Mặc dù chỉ thu hoạch một ao nuôi cá trên diện tích 1,7 mẫu, nhưng vợ chồng anh Chín phải thuê mướn tới gần 40 người hỗ trợ kéo lưới, bán cá cho thương lái. Theo tính toán, lứa cá này gia đình anh Chín thu hoạch được hơn 6 tấn cá, chủ yếu là cá trắm 3,5 tấn, còn lại là cá trôi, cá mè, mang lại thu nhập được khoảng 240 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 110 triệu đồng.
Phấn khởi “được mùa” lớn vụ cá này, anh Chín nói: Chúng tôi đầu tư lấy ngắn nuôi dài, thu nhập được bao nhiêu lại đầu tư mở rộng để phát triển trang trại quy mô lớn hơn. Ví dụ như một ao nuôi này, gia đình tôi đầu tư 65 - 70 triệu tiền giống, khoảng 55 - 60 triệu đồng tiền thức ăn, tuy nhiên thu lãi được khoảng 40% tổng số tiền thu hoạch.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đồng chiêm trũng, vợ chồng anh Chín nhận thấy tiềm năng trong việc đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản. Bởi vậy, năm 2008 khi xã An Thịnh có chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp sang phát triển kinh tế trang trại, gia đình anh Chín nhận khoán hơn 14 mẫu đất tại khu Cát Khê của thôn An Trụ; đầu tư khoảng 200 triệu đồng đào ao, đắp bờ chuyên nuôi thả cá. Tuy nhiên, để “chinh phục” được vùng đất chiêm trũng, hoang hóa, vợ chồng anh Chín trải qua nhiều khó khăn, sóng gió, thậm chí thất bại do chưa am hiểu về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá.
Gia đình anh Chín được mùa cá lớn.
Không cam chịu, khuất phục sau mỗi lần thua lỗ; đổi lại bằng sự ham học hỏi, sáng tạo trong cách làm ăn mới, gia đình anh Chín đã thành công khi lấy con cá trắm là hướng nuôi chính. Trong hơn 14 mẫu đất, gia đình anh quy hoạch thành 5 ao, ao nhỏ nhất có diện tích 7 sào, ao lớn nhất lên đến 2 mẫu, với tổng diện tích các ao là 7 mẫu; còn lại hơn 7 mẫu gia đình anh Chín đắp bờ quanh ao để nuôi cỏ làm thức ăn cho cá. Năm 2014, gia đình anh đầu tư 450 triệu đồng; trong đó có 300 triệu đồng mua giống cá để nuôi thả ở 4 ao, 150 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Sau thời gian từ 9 - 10 tháng nuôi thả, gia đình anh Chín thu hoạch được khoảng 15 tấn cá; trong đó có 10 tấn cá trắm, 5 tấn cá mè, trôi, cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng; trừ chi phí gia đình anh Chín lãi từ 350 - 370 triệu đồng.
Theo như anh Chín cho biết: Khi nuôi cá quan trọng nhất là môi trường nuôi phải được bảo đảm nguồn nước sạch; tính được cơ cấu, mật độ đàn cá phù hợp; tích cực phòng bệnh ở cá và thức ăn đầy đủ. Chính vì vậy, trước khi nuôi thả cá, gia đình chủ động vệ sinh ao nuôi khử bằng vôi bột. Khi nuôi, định kỳ hàng tháng từ 1 - 2 lần khử vôi bột; từ tháng Giêng cho đến tháng 4 do thời tiết có mưa nhiều dễ phát sinh bệnh trên cá, nên thường xuyên khử thuốc không để vi rút thâm nhập vào con cá. Bên cạnh đó, hàng ngày cắt cỏ, kết hợp với cho cá ăn cám, ngô đầy đủ, với lượng thức ăn được điều chỉnh theo các giai đoạn phát triển của cá.
Anh Chín cũng cho biết hướng phát triển trong những năm tới: Gia đình anh sẽ cải tạo, đào đắp nốt một ao còn lại trên diện tích 2 mẫu để nuôi ba ba, còn 4 ao nuôi cũ vẫn được gia đình nuôi thả chủ yếu là cá trắm và một số giống cá truyền thống khác.
Ở huyện Lương Tài, nhiều người ví anh Chín là “vua cá” khi mô hình trang trại nuôi cá xa khu dân cư của anh có doanh thu gần tỷ đồng mỗi năm. Đây là hướng đi đúng trở thành phương thức canh tác rộng rãi để áp dụng cho các địa phương vùng trũng. Từ kết quả này mở ra triển vọng mới cho vùng trũng giải quyết được hai tiêu chí khó nhất trong xây dựng nông thôn mới đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa canh và tăng thu nhập cho người dân.
Đức Phương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151
Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Các tin năm 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.