Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi, 24/12/2014
Ngày cập nhật:
25/12/2014
Giữa sóng nước bao la, những ngư dân lão luyện của làng chài Châu Thuận Biển, Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) chỉ cần dăm con tôm gỗ, vài bao nilon đựng bông gòn… là đánh bắt được những con mực lá, mực nang trắng phau, nặng trịch. Kỹ thuật dùng mồi giả để “dụ” cá, mực... là sự đúc kết kinh nghiệm đi biển từ bao đời của ngư dân làng chài trù phú nhất nhì tỉnh.
Dùng tôm gỗ đi câu
Không cần tốn chi phí mua nguyên liệu dùng làm mồi câu, người hành nghề câu mực ở làng chài Châu Thuận Biển chỉ cần 4 con tôm gỗ là đã đủ cho một chuyến thúng vươn khơi. Cầm con tôm gỗ được đẽo và sơn quét cầu kỳ, đôi mắt lão ngư Nguyễn Văn Bưng như sáng hẳn khi kể về chuyện sóng nước: “Cách đây 25 năm, ở Châu Thuận Biển chưa ai câu được mực. Bởi khác với loài cá, mực dùng xúc tu để bắt mồi nên rất khó để cắn câu. Thế rồi, sau khi sáng tạo ra được loại tôm giả làm từ gỗ tra, có gắn thêm móc câu thì số lượng người hành nghề nay đã lên đến 80 người…”.
Chỉ nhờ vào tôm gỗ, mà ngư dân làng chài Châu Thuận Biển, Bình Châu (Bình Sơn) câu được mực lá 1- 2 kg.
Làm ra con tôm gỗ cũng lắm công phu. Dùng nguyên liệu từ loại gỗ tra vẫn thường trồng ở các vùng ven sông, ven biển để chống xói mòn, những ngư dân Châu Thuận Biển khéo léo gọt giũa rồi dùng loại sơn vẫn thường dùng làm “nước” tàu để tạo hình cho tôm. Mắt tôm, được các lão ngư kết từ hạt cườm rồi sơn đen. Dưới thân tôm, lão ngư Nguyễn Văn Bưng còn gắn thêm một miếng thép để con tôm giữ được thăng bằng giữa sóng nước.
Tôm gỗ giống hệt màu tôm sú nên con mực dù “tinh ranh” đến mấy cũng bị lừa dính câu. Chiếc xúc tu dài sau khi tung ra để nuốt trọn con mồi, đã bị dính chặt vào móc câu. Thấy động, người buông câu nới dây câu rồi kéo rê từ từ cho đến khi nào con mực mệt lả thì mới kéo lên. Để giữ cho con mực được cứng và tươi nguyên, những ngư dân hành nghề câu còn cẩn thận thả ngay mực vào chậu nước biển. Cái lạnh buốt của nước biển ban đêm, cùng vị mặn sẽ giữ cho mực tươi rói cho đến tận sáng hôm sau.
Mỗi đêm, cả 70 chiếc thúng ở Châu Thuận Biển cùng rủ nhau vươn khơi. “Dò” được luồng mực, mọi người lại í ới điện thoại gọi nhau cùng đánh bắt. Tầm tháng 10,11 toàn mực lá loại lớn từ 1 - 2 kg, mực nhỏ cũng nửa ký mới dính câu. Nhận thấy cách đánh bắt bằng tôm gỗ khá hiệu quả nên các cơ sở sản xuất cũng thi nhau chào bán tôm gỗ với giá 25 nghìn đồng/con. Tuy nhiên, loại tôm gỗ bán ngoài thị trường chỉ có màu đơn giản như xanh, đỏ, vàng, chứ không có màu sắc “thật” như sản phẩm được tạo ra từ tay ngư dân…Thành ra, “khi mua về, anh em chúng tôi lại phải pha màu rồi sơn lại cho giống y hệt con tôm sú. Chứ mực nó tinh ranh lắm, không dễ gì lừa đâu”, ngư dân Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Lấy bông gòn “lừa” mực
Dày dạn kinh nghiệm đi biển, nắm rõ tập tính của từng loài, những ngư dân kỳ cựu của làng chài Châu Thuận Biển, ngoài biệt tài “dụ” mực bằng tôm gỗ, còn bắt được cả chục kilogam mực lá mỗi ngày, chỉ nhờ vào ít bông gòn.
Cười khề khà kể về cái nghề lạ đời của quê hương mình, ngư dân Nguyễn Văn Tòng, người gắn bó với biển đã 35 năm cho biết: “Cứ đến mùa là mực lại tìm vào gành để đẻ trứng. Lúc này, tôi chỉ cần lấy chút bông gòn cho vào bao nilon rồi thả vào lồng tre. Miệng lồng được thiết kế như chiếc nơm. Chui vào thì dễ mà không có đường chui ra. Mực sau khi lầm tưởng bông gòn là trứng nên vội chui vào và lập tức sập bẫy”.
Chiếc lồng tre có chiều dài 1,2 mét, chiều ngang nửa mét được gắn thêm viên đá nặng 8kg rồi thả xuống đáy biển. Trên mặt biển, để đánh dấu vị trí từng chiếc lồng, người thả cẩn thận cột thêm sợi dây thừng- một đầu gắn với lồng tre, một đầu gắn vào miếng xốp. Bên trong lồng, bịch bông gòn trắng phau được gắn chặt vào thanh tre… Tầm 6 giờ sáng thả lồng, đến 1 giờ chiều thì vớt lên. Lồng nhiều thì 5 - 6 con, có khi đủ chục. Bởi theo lão ngư Văn Tòng, mực có tính bầy đàn, hễ thấy một con vào là những con khác cũng “tất tả” vào theo. Với giá mỗi ký mực lá lên đến 200 nghìn đồng, mỗi ngày chỉ cần bỏ ra vài giờ đồng hồ để thả lồng, ngư dân Nguyễn Văn Tòng sau khi trừ đi tiền dầu, vẫn còn thu về từ 1 - 2 triệu đồng.
Tuy vậy, sau khi nén tiếng thở dài, ngư dân Nguyễn Văn Tòng trầm ngâm: “Ngày trước, tới mùa đẻ trứng là mực tìm vào gần bờ nhiều lắm. Nhưng giờ thưa hẳn. Bao nhiêu rong mơ đều đã bị khai thác cả rồi, thì mực còn biết đẻ ở đâu?”...
Ý THU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151
Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Các tin năm 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.