Nguồn tin: Báo An Giang, 07/03/2014
Ngày cập nhật:
8/3/2014
Thời gian qua, tuy Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang, song tình trạng ngư dân dùng ngư cụ bị cấm như: Xung điện, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, hóa chất độc hại... để khai thác thủy sản vẫn tiếp tục xảy ra.
Đánh bắt “tận diệt”:
Khảo sát thực tế tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa như Phú Lộc, Long An (TX.Tân Châu), Phú Hữu, Vĩnh Hậu (An Phú), Phú Long, Phú Xuân (Phú Tân), Mỹ Phú Đông, Vĩnh Chánh, Vĩnh Trạch (Thoại Sơn), Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vỹ, Bình Thủy (Châu Phú)… cho thấy, hiện có rất nhiều ngư dân sử dụng ngư cụ bị cấm như xuyệt điện, lưới có mắt lưới nhỏ hơn quy định, cào điện để khai thác thủy sản.
“Gia đình tôi có 3 người, sinh sống bằng nghề xuyệt cá đã gần 10 năm. Nghề này dễ làm lắm, cất công đi xuyệt là có tiền. Cá bây giờ ở ngoài sông rạch nhiều lên vì người ta phóng sanh. Bình quân mỗi đêm, tôi xuyệt được ít nhất 5kg cá. Đêm nào dính được cá lớn thì tiền nhiều. Nghề này sống khỏe nên tôi không có ý định chuyển nghề”- anh Nguyễn Văn Tám, xã Phú Bình (Phú Tân), nói.
Thả cá bản địa về sông Tiền.
An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long nên có rất nhiều tôm, cá. Chính vì vậy, không chỉ có ngư dân trong tỉnh mà ngư dân ở các tỉnh khác như Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau cũng đến An Giang khai thác. “Nếu anh làm nghề cá chuyên nghiệp mà không sử dụng xung điện thì sản lượng được rất ít. Trong số các phương tiện khai thác cá trên sông, rạch hiện nay có trên 80% ngư dân sử dụng ngư cụ bị cấm. Nếu bị lực lượng kiểm ngư phát hiện thì nộp phạt rồi làm nữa thôi”- anh Trịnh Văn Bé (quê huyện Bình Đại, Bến Tre), nói.
Kết quả thống kê số lượng ngư cụ cấm khai thác thời gian gần đây cho thấy, trong tổng số 2.498 hộ điều tra thì có 1.276 hộ sử dụng xung điện, 840 hộ khai thác cá bằng lưới có mắt lưới nhỏ hơn quy định. Toàn tỉnh hiện có gần 100 cơ sở chuyên sản xuất các thiết bị tạo xung điện. Với số lượng người dùng ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản như trên thì khả năng tái sinh sản của các loài thủy sinh vật dưới nước trên địa bàn tỉnh thời gian tới là rất thấp.
Nguyên nhân của vấn đề trên do ý thức cộng đồng chưa được nâng cao; việc giám sát, thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng ở địa phương chưa nghiêm túc. Chính quyền địa phương một số nơi không có kinh phí cho hoạt động kiểm tra, giám sát; mặt khác đổ lỗi cho dân nghèo. Ngoài ra, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên có gần 100% trường hợp tái phạm.
“Theo tôi, đừng dựa vào lý do nghèo mà chính quyền địa phương “phớt lờ”, để tình trạng người dân tiếp tục khai thác cá bằng ngư cụ bị cấm là không thuyết phục. Về chủ trương, Nhà nước đã có chính sách tạo điều kiện cho những trường hợp này được học nghề, giúp vốn để tìm nghề khác làm ăn. Vì vậy, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh nghèo mà ở đây cần sự quyết tâm từ chính người dân và chính quyền địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý”- một Mạnh Thường Quân chuyên vận động kinh phí để thả cá bản địa về thiên nhiên, bức xúc.
Giải pháp:
Tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản dẫn đến sản lượng đánh bắt trên địa bàn trong năm 2013 giảm còn 33.700 tấn, chỉ bằng 87,56% so với những năm trước.
Trước thực tế trên, nỗ lực của Chi cục Thủy sản An Giang là rất đáng ghi nhận. Cụ thể, chỉ riêng năm 2013, Chi cục đã chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt 26 trường hợp vi phạm, với số tiền 66,5 triệu đồng. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh An Giang đến năm 2020. Chỉ riêng trong 4 đợt thả cá vừa qua, đã vận động được 1,3 tỷ đồng để thả gần 40 tấn cá tra thịt, 10.000 con cá hô, 20.000 con cá chài và các loài cá khác như cá chép, mè vinh, mè hoa, cá lăng nha, cá he, cá rô đồng… về lại thiên nhiên.
Bằng hàng loạt các văn bản được ban hành, An Giang quyết tâm tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cụ thể, trong Đề án khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh đã phê duyệt nguồn vốn gần 70 tỷ đồng để thực hiện, trong đó, vốn từ ngân sách 10%, còn lại huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp, ngư dân…
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 02/2014/CT-UBND. Nội dung mới trong chỉ thị này là đưa công tác khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở địa phương. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản bằng ngư cụ cấm tại địa phương mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để. Ngoài ra, vấn đề kinh phí cho hoạt động này cũng được xác định cụ thể là từ ngân sách tỉnh. Hy vọng với những giải pháp trên, An Giang sẽ tái tạo và bảo vệ được nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.
MINH HIỂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151
Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Các tin năm 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.