Nguồn tin: Báo An Giang, 23/08/2016
Ngày cập nhật:
24/8/2016
Trên cơ sở nhu cầu sau lớp dạy nghề chăn nuôi dê do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Tịnh Biên (An Giang) tổ chức, UBND xã An Phú quyết định thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê, với 15 thành viên (chủ yếu nông dân ấp biên giới Phú Tâm) tham gia, quy mô ít nhất 15 con và nhiều nhất 100 con.
Thuận lợi trao đổi kỹ thuật
Đó là lợi ích trước hết, thành viên tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi dê được trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, cách phòng và điều trị bệnh. Ông Nguyễn Văn Đạm, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi dê cho biết, nội dung sinh hoạt họp lệ định kỳ vào ngày 25 mỗi tháng nhằm thông tin kỹ thuật chăm sóc, nhu cầu tiêu thụ và giá cả thị trường, để người chăn nuôi nắm vững từng lúc và định lượng công việc cần theo dõi. “Hồi còn chăn nuôi riêng lẻ, anh em ít có dịp quan hệ, việc nhà ai gần như người đó biết”. Mỗi người đều làm theo ý mình, ứng dụng kỹ thuật vẫn còn hạn chế”- anh Đạm nói.
Giống dê Boer cho hiệu quả kinh tế cao
Phong trào nuôi dê ở xã An Phú những năm gần đây tập trung nhiều nhất tại ấp biên giới Phú Tâm, với giống nội địa hay còn gọi dê cỏ, hiệu quả kinh tế không cao. Nhờ đi làm ăn và tham quan ở miền Trung, anh Đạm tình cờ biết được giống dê Boer ở Ninh Thuận, rồi mua về thay đàn cho trang trại nhà mình. “Giống dê Boer có nguồn gốc Nam Phi, dễ tìm thức ăn, lớn nhanh, sức đề kháng cũng cao. Nhờ vậy, sau một năm thành lập, Tổ hợp tác nuôi dê xã An Phú cơ bản chủ động được giống mới, hầu hết các thành viên đều thay đàn dê thịt” – anh Đạm cho biết.
Với giống dê Boer, nuôi sau 6 tháng sẽ đạt 30kg/con, nhanh hơn 2 tháng so với giống dê nội địa, dê cỏ. Nếu tính theo giá thị trường hiện tại, dao động từ 90.000đ – 100.000đ/kg, sau khi hạch toán chi phí, người nuôi dê lãi từ 65% – 70% so với giá thành. “Việc nuôi dê được xem là mô hình hiệu quả kinh tế tốt, giúp ích hội viên và nông dân nhiều mặt qua làm ăn hợp tác” – anh Nguyễn Văn Nhạc, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú, nhận xét. Tổ hợp tác nuôi dê xã An Phú được UBND xã công nhận “Tập thể giỏi” qua phong trào thi đua sản xuất và kinh doanh giai đoạn 2014 - 2016.
Đảm bảo đầu ra con dê
Thành viên Tổ hợp tác nuôi dê xã An Phú yên tâm việc bán dê thịt, anh Nguyễn Văn Đạm, Tổ trưởng cho hay, Ban điều hành tổ và bản thân anh theo dõi, nắm tình hình giá cả và nhu cầu các nơi, rồi thông tin cho các thành viên để tính toán hợp lý, với định kỳ xuất chuồng và sản lượng hiện có từng hộ. “Căn cứ vào… đơn đặt hàng, dê thịt trong tổ không đủ cung cấp, anh em không phải lo đầu ra” – anh Ngô Văn Chệt (thành viên) tự tin. Tổ lo đầu ra sản phẩm, đảm bảo quyền lợi thành viên, cứ việc chăm sóc tốt và đạt sản lượng thịt.
Môi trường chăn nuôi được cải thiện
Dê thịt ở xã An Phú hiện cung cấp khu vực Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu… và một số trung tâm huyện khác, chưa đưa ra khỏi ngoài tỉnh do sản lượng không đảm bảo “đơn đặt hàng”. Còn dê giống thì bán về vùng Tân Khánh Hòa và Giang Thành (tỉnh Kiên Giang). Đảm bảo đầu ra ổn định, lợi nhuận chăn nuôi tốt, kích thích tâm lý thành viên Tổ hợp tác nuôi dê xã An Phú, như: Ngô Văn Chệt, Phan Văn Pháp, Nguyễn Văn Đạm… gầy đàn trên 100 con dê giống và dê thịt. Số thành viên còn lại nuôi ít nhất cũng 15 con dê thịt và dê giống, tận dụng cỏ làm thức ăn xanh cho đàn dê.
Theo anh Nguyễn Văn Nhạc, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú, sau một năm thành lập, Tổ hợp tác nuôi dê xã An Phú hoạt động mang lại hiệu quả nhiều mặt, kể cả kinh tế gia đình và cộng đồng xã hội. Việc chỉnh trang chuồng trại tốt hơn, đảm bảo vệ sinh môi trường và hướng tới “chăn nuôi an toàn” theo phương pháp kỹ thuật. “Đó là lợi ích lớn nhất mà các thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã An Phú đã đạt được. Mô hình đang xem xét nhân rộng ở địa phương” – anh Nhạc khẳng định. Đây cũng là mô hình “kinh tế hợp tác” thu hút hội viên, nông dân quan tâm hiện nay.
Trong hoạt động chăn nuôi, các thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã An Phú (Tịnh Biên) còn tự nguyện đóng góp 100.000đ/người/tháng (tính đến nay được 14,5 triệu đồng), giúp đỡ xoay vòng cho các thành viên gặp khó khăn với lãi suất 0,5%/tháng.
TRỌNG ÂN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.