Nguồn tin: Báo Phú Yên, 04/09/2016
Ngày cập nhật:
6/9/2016
Nuôi heo sinh sản theo hướng công nghiệp tại trại heo nhà ông Quốc đã mang lại hiệu quả kinh tế - Ảnh: THỦY TIÊN
Những năm gần đây, người nuôi heo ở huyện Tuy An (Phú Yên) phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp giúp giảm dịch bệnh và mang lại nguồn thu nhập cao.
Chăn nuôi theo trang trại, gia trại
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, lâu nay, người nuôi heo tại địa phương này thường nuôi nhỏ lẻ, manh mún, chưa chú trọng đến vệ sinh thú y nên hiệu quả kinh tế không cao và có nhiều tác động xấu đến môi trường. Trước thực trạng này, huyện Tuy An đã triển khai nhiều mô hình, dự án chăn nuôi heo theo hình thức công nghiệp để hướng dẫn người dân, từ đó nhiều hộ chăn nuôi đã học tập và làm theo. Ông Cao Quý Ngà ở xã An Nghiệp, cho biết: Năm 2013, gia đình tôi đã đầu tư gần 1 tỉ đồng mua đất và xây trang trại nuôi heo công nghiệp với quy mô từ 550 - 650 con/lứa. Heo được nuôi tại trang trại là các giống chuyên thịt như Landrace và Du-Pi. Ngoài đầu tư cơ sở, tôi còn thực hiện đầy đủ yêu cầu về chăm sóc dinh dưỡng, chủng ngừa… cho đàn heo để hạn chế dịch bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi heo công nghiệp.
Theo ông Năm Toàn ở xã An Ninh Tây, trước đây, gia đình ông có 2 chuồng heo thịt, mỗi lứa nuôi 20 con. Tuy nhiên, phương thức nuôi heo nền trệt (nuôi trên nền chuồng xi măng) không mang lại hiệu quả, heo thường bị bệnh. Sau khi tham quan các mô hình nuôi heo công nghiệp do Phòng NN-PTNT huyện tổ chức, gia đình ông đã làm chuồng lồng (chuồng bằng sắt, nền chuồng trống, không ứ đọng chất thải) nuôi heo sinh sản. Hiện nay, trại nuôi heo của gia đình ông có 22 con nái và 50 con heo thịt, mỗi năm xuất chuồng được khoảng 400 con heo giống, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Ông Lê Văn Nam, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho hay: Cùng với việc vận động người dân chuyển đổi hình thức từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang nuôi gia trại, trang trại theo hướng công nghiệp, phòng còn phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn bà con cải tạo, thay đổi đàn heo giống và đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng đàn heo. Hiện hầu hết đàn heo giống của huyện Tuy An đều đạt chuẩn cấp bố mẹ với các loại giống chuyên nạc như Landrace, Yorkshire và Du-Pi. Hiện tổng đàn heo của huyện Tuy An có gần 19.000 con, trong đó có 4 trang trại và 16 gia trại với quy mô đàn từ 50 - 1.000 con. Heo được nuôi nhiều ở các xã An Nghiệp, An Ninh Tây, An Dân…
Hiệu quả kinh tế cao
Theo Phòng NN-PTNT huyện, so với phương thức nuôi heo nhỏ lẻ, hình thức nuôi theo hướng công nghiệp có nhiều điểm nổi trội hơn hẳn. Khi nuôi heo nhỏ lẻ, đàn nuôi chỉ khoảng chục con, người nuôi chưa chú trọng đến vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh nên heo thường bị bệnh, có khi phát sinh thành dịch gây thiệt hại kinh tế. Còn nuôi heo công nghiệp thì phải đầu tư lớn, số lượng đàn nuôi nhiều nên người nuôi rất chú trọng đến việc tiêm phòng, công tác vệ sinh môi trường.
Ông Trần Trung Quốc ở xã An Nghiệp, nói: Hiện trại heo gia đình tôi có khoảng 100 con, trong đó có 17 heo nái sinh sản. Để hạn chế rủi ro do dịch bệnh, heo con từ 15 - 35 ngày tuổi được chủng ngừa các loại vắc xin ecoli, tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn… Nhờ vậy, đàn heo có được kháng thể tốt, hạn chế việc phát dịch, giúp giảm rủi ro trong chăn nuôi. Mỗi năm, đàn heo nái nhà ông Quốc sinh sản được 300 con, phần lớn heo con được ông giữ lại để nuôi thịt. Bình quân, mỗi năm từ nuôi heo, gia đình ông có thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Còn theo ông Cao Quý Ngà, ngoài con giống và phòng dịch, ông rất chú trọng đến vệ sinh chuồng trại và khu vực nuôi. Hiện trại nuôi của ông có hai khu riêng biệt gồm khu nuôi heo dưới 60 ngày tuổi được đầu tư đệm lót sinh học để xử lý chất thải và khu nuôi heo vỗ béo có hệ thống hầm biogas. Chất thải từ chăn nuôi heo được ông Ngà đưa vào hồ rộng hơn 1.000m2 để nuôi cá trê và cá rô phi. Cách làm này không chỉ giúp ông Ngà giải quyết tốt vấn đề vệ sinh môi trường mà còn giúp ông có thêm nguồn thu. Bình quân, mỗi năm từ nuôi heo, ông Ngà có lãi khoảng 300 triệu đồng.
Ông Lê Văn Nam cho biết thêm: Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, khuyến khích người dân thay đổi và phát triển chăn nuôi công nghiệp, nhất là các mô hình chăn nuôi trang trại liên kết với thị trường đầu ra để phát triển lĩnh vực chăn nuôi heo công nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.
THỦY TIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.