Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 31/08/2016
Ngày cập nhật:
6/9/2016
Dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, giá bán ổn định… là những ưu điểm của mô hình nuôi thỏ lai Newzealand tại huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, mô hình đã khẳng định hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp nông dân trên địa bàn huyện nâng cao thu nhập, thoát nghèo.
Mô hình nuôi thỏ lai Newzealand của hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Hải (Thôn Han, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch) cho hiệu quả kinh tế cao
Được biết, năm 2013, dự án nuôi thỏ lai Newzealand sinh sản do Hội Nông dân Lập Thạch phối hợp với Trung tâm Tư vấn và chuyển giao KHCN tỉnh bắt đầu thực hiện thí điểm tại 2 xã Đình Chu và Văn Quán, với quy mô mỗi xã có 4 hộ tham gia. Các hộ nuôi được Trung tâm Tư vấn và chuyển giao KHCN tỉnh hỗ trợ 100% giống thỏ lai Newzealand và một phần thức ăn công nghiệp. Qua quá trình nuôi thực tế của các hộ cho thấy, giống thỏ này có nhiều ưu điểm như: Khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, ít dịch bệnh, sinh sản nhanh, tỷ lệ đẻ con và nuôi sống cao, thịt thơm ngon, hấp dẫn hơn nhiều so với các giống thỏ thông thường. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn dễ kiếm, không tốn nhiều chi phí, có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có là các loại rau, cỏ dại tại địa phương cùng với chi phí đầu tư chuồng trại thấp, giúp cho nhiều hộ gia đình yên tâm đầu tư mà không sợ rủi ro. Đặc biệt, nhu cầu thị trường rộng lớn, dễ tiêu thụ, giá bán ổn định giúp các hộ chăn nuôi thỏ Newzealand trên địa bàn huyện có thu nhập cao từ lĩnh vực chăn nuôi mới này. Từ những thành công bước đầu của các hộ gia đình tại 2 xã này, đến nay, toàn huyện đã nhân rộng được 200 hộ trên địa bàn 11 xã với tổng đàn gần 3.000 con. Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện, đây là mô hình có hiệu quả cao, đàn thỏ sinh trưởng, phát triển và thích nghi khá tốt, bước đầu góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Hiện nay, Ngọc Mỹ là địa phương có số lượng đàn thỏ lai Newzealand lớn nhất huyện. Với tiềm năng đất đai rộng lớn, thoáng mát, nguồn thức ăn dồi dào phong phú, phù hợp với quá trình điều kiện sinh trưởng, phát triển của thỏ. Từ 4 hộ ban đầu (mỗi hộ 25 nái, 5 đực), đến nay, toàn xã có 26 hộ có 10 thỏ nái trở lên, 12 hộ có từ 40 thỏ nái trở lên, với tổng đàn gần 900 thỏ nái. Đồng chí Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Mỹ cho biết: Nhận thấy mô hình chăn nuôi thỏ có tính chất bền vững, đem lại lợi nhuận cao, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ chuyển từ chăn nuôi lợn, gà đẻ kém hiệu quả sang chăn nuôi thỏ lai Newzealand.
Gia đình ông Trần Văn Lục (Thôn Han) bắt đầu nuôi thỏ từ năm 2014 với 40 thỏ nái, 20 thỏ đực. Sau nhiều lần nhân giống, xuất bán, đến nay, sau 3 năm, tổng số thỏ nái sinh sản, thỏ thương phẩm, thỏ hậu bị của gia đình đã lên tới 100 con. Sau những khó khăn ban đầu về giống, vốn và chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi thỏ, đến nay, ông Lục đã “thuộc” như lòng bàn tay các bệnh mà thỏ hay gặp. Để thỏ sinh sản nhanh và ít bị dịch bệnh, gia đình ông đầu tư hai dãy chuồng trại khép kín, sử dụng mái che chống nóng, đảm bảo nền chuồng cao, thoáng mát về mùa hè và kín gió về mùa Đông. Bên cạnh đó, ngoài việc tiêm vắc-xin phòng bệnh, ông Lục tiến hành vệ sinh chuồng trại thường xuyên nhằm tạo độ thông thoáng, sạch sẽ giúp thỏ sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 5-6 tháng nuôi, thỏ nái bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm sinh sản từ 6-8 lứa, mỗi lứa trung bình từ 6 - 10 con. Với giá bán trung bình là 70.000 đồng/kg, mỗi tháng, gia đình ông Lục cung cấp cho thị trường 1 - 1,5 tạ thỏ thương phẩm, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa thỏ, gia đình ông thu lãi khoảng 10 triệu đồng.
Khả năng thu hồi vốn nhanh, phù hợp với quy mô chăn nuôi của hộ gia đình, mô hình nuôi thỏ lai Newzealand trên địa bàn huyện Lập Thạch đã chứng tỏ là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, nhất là tại các địa phương có thế mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, có diện tích chăn nuôi rộng, xa khu tập trung đông dân cư. Tuy nhiên, để mô hình là hướng phát triển bền vững, huyện Lập Thạch cần sớm quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, liên kết đầu ra bao tiêu ổn định để tránh tình trạng giá thỏ bị tư thương “ép giá”.
Lưu Nhung
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.