Nguồn tin: Nhân Dân, 12/09/2016
Ngày cập nhật:
14/9/2016
Tăng năng suất, chất lượng bắp được xem là giải pháp để giảm phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vào thế giới.
Hằng năm, Việt Nam phải bỏ hàng tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thức ăn chăn nuôi đã vượt ngưỡng 1,9 tỷ USD, con số này thậm chí sẽ còn tăng mạnh trong những tháng cuối năm, khi các chủ trại chăn nuôi tăng đàn để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Vấn đề đặt ra là vì sao một nước có tới hơn 60% dân số sống bằng nông nghiệp như nước ta, mà năm nào cũng bỏ ra hàng tỷ USD để nhập bắp, đậu nành, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi?
Bắp là nguyên liệu chính dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay. Mỗi năm, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi có mặt tại Việt Nam cần ít nhất khoảng ba triệu tấn bắp nguyên liệu. Nhưng do thiếu công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chất lượng không đồng đều nên bắp sản xuất trong nước không được các nhà máy sản xuất thức ăn ưu tiên thu mua. Thêm vào đó, sản lượng bắp trong nước sản xuất được hiện cũng chỉ mới đáp ứng tối đa 1/3 nhu cầu nguồn nguyên liệu sản xuất, nên dẫn đến chuyện hằng năm, Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập loại cây mà hầu như nhà nào cũng trồng được này.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam phân tích: “Nước ta hiện có khoảng 200 nghìn ha bắp trồng hằng năm, năng suất chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha, dẫn đến việc chúng ta chỉ có sản lượng một triệu tấn bắp/năm. Trong khi nhu cầu sản xuất của các nhà máy thức ăn chăn nuôi lên đến ba triệu tấn, nên phải nhập. Đậu nành cũng là một nguyên liệu quan trọng khác, loại này chúng ta phải nhập gần như 100%. Điều này cho thấy, nền nông nghiệp của chúng ta đang quá manh mún, nhỏ lẻ và lạc hậu”.
Hiện nay, hầu hết các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành, khoai mì… chúng ta đều phải nhập khẩu hơn 80%. Đây là hệ quả của việc, lâu nay người dân thường không mấy mặn mà với việc trồng các loại cây này do giá cả bấp bênh. Thay vào đó, họ dành đất trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị khác. Vậy, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng diện tích cây nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng giảm đi? Theo các chuyên gia, cách tốt nhất, cần nhanh chóng hình thành các vùng chuyên canh cây nguyên liệu lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới và khuyến khích người dân đầu tư các thiết bị sơ chế, bảo quản sau thu hoạch để vừa mở rộng diện tích, vừa nâng cao năng suất và chất lượng các loại cây nguyên liệu.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhấn mạnh: “Nhà nước cần quy hoạch, hình thành nên các cánh đồng mẫu lớn sản xuất cây bắp, có như vậy mới mở đường cho cơ giới hóa vào sản xuất. Ngoài ra, chúng ta cần mạnh dạn áp dụng tiến bộ trồng cây biến đổi gen vào sản xuất. Bắp thường của ta hiện đạt năng suất cao lắm 6 tấn/ha, nhưng bắp biến đổi gen có thể dễ dàng đạt năng suất hơn tám tấn. Nếu ta làm chuyện này một cách đồng bộ, chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu như hiện nay”.
Người chăn nuôi đang bị thiệt thòi do nước ta phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Văn Trọng, Cục Phó Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Nếu hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi với diện tích lớn, sản lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy, Việt Nam sẽ dần dần khắc phục được tình trạng quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu”.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, để người dân đồng thuận với giải pháp trên, Nhà nước cần có chính sách bảo hộ tốt hơn nữa cho những người trồng nguyên liệu. Cụ thể, cần tiếp tục tăng thuế nhập khẩu để khuyến khích nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi chú trọng hơn đến thị trường nguyên liệu trong nước. Đồng thời, cũng nên ban hành chính sách thuế đối với việc xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn thô để tránh tình trạng xuất đi một cách ồ ạt, giá trị thu về không lớn, qua đó, bảo đảm nguồn cung ổn định cho thị trường nội địa.
Ông Phạm Đức Bình cũng cho biết thêm: “Hiện nay, thuế nhập khẩu nguyên liệu từ các nước Asean là bằng không, từ Ấn Độ là 5% và các nước khác là 3%, tôi nghĩ nên tăng thêm mức thuế này để khơi dậy thị trường nguyên liệu trong nước. Còn đối với các mặt hàng nông sản là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay xuất khẩu không tính thuế, tôi nghĩ nên có mức thuế để ngăn ngừa không để các mặt hàng nông sản này xuất đi nhiều quá rồi ta phải nhập lại”.
Một vấn đề đáng quan tâm khác, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu 100% các loại nguyên liệu như khoáng chất, axit amin, vitamin để pha trộn trong hỗn hợp thức ăn. Lý do là bởi hiện nay, nước ta hầu như không có ngành công nghiệp sản xuất phụ gia cho thức ăn chăn nuôi. Quan tâm hỗ trợ, đề ra các chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào ngành công nghiệp này cũng là một giải pháp để hạn chế được sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu sản xuất của nước ngoài mà ngành thức ăn chăn nuôi trong nước đang đối mặt hiện nay.
MI LAN - CAO TÂN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.