Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 16/09/2016
Ngày cập nhật:
17/9/2016
Sau hơn một năm thực hiện Dự án phát triển – cải tạo bò lai, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, người nuôi bò ở Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) vẫn còn nhiều nỗi lo.
Nuôi bò lai sind cần đúng kỹ thuật và quy trình chăm sóc hợp lý
Chú trọng chất lượng đàn bò
Trong ký ức của người dân huyện Phú Lộc, nhiều năm trước, vùng đất này từng là “thủ phủ” của chăn nuôi bò. Khi dự án trồng mía được triển khai tại vùng đất đầy tiềm năng về chăn nuôi này, tổng đàn và chất lượng bò tại đây sút giảm. Từ năm 1995 đến năm 2015, số lượng đàn bò giảm bình quân từ 1,5 - 2%/năm, đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp; cán bộ thú y không mặn mà với công việc do thu nhập thấp…
Năm 2015, Dự án phát triển - cải tạo đàn bò lai sind được ở huyện Phú Lộc triển khai nhằm đẩy mạnh sản xuất, khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Trong năm đầu triển khai dự án, xã Lộc Điền là một trong bốn địa phương được chọn thí điểm, 8 hộ nông dân được vay vốn ưu đãi để nuôi bò lai sind, mỗi hộ vay 40 triệu đồng với lãi suất 0,55%/năm. Sau khi nhận bò, các hộ nông dân được cán bộ nông nghiệp của huyện và xã hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc. Ông Hoàng Sa, Chủ tịch UBND xã Lộc Điền cho biết: “Địa phương có diện tích đất lớn, thích hợp với việc nuôi bò. Dự án hỗ trợ bò lai sind của UBND huyện được người dân nhiệt tình ủng hộ. So với bò được nuôi chăn dắt truyền thống, bò lai phát triển nhanh hơn. Năm nay, Lộc Điền có thêm 7 hộ được hỗ trợ vay vốn nuôi bò lai sind. Trong tổng đàn hơn 478 con đã có 30 con bò lai, tương lai không xa, chất lượng đàn bò được cải cải tạo”.
Người dân mạnh dạn đầu tư máy vằm cỏ nuôi bò
Trong những hộ dân đăng ký vay vốn nuôi bò lai sind năm nay tại xã Lộc Điền, ông Nguyễn Văn Bình là hộ đầu tiên đón nhận bò con được phối giống từ bò lai sind. “Tui mua con bò với giá 20 triệu đồng. Sau một năm chăm sóc và được phối giống, sinh được bê. Nếu chăm sóc tốt, khoảng 1,5 năm sau, tui sẽ thu hồi lại vốn”, ông Bình chia sẻ.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, đến nay đã có 9 xã đăng ký được hỗ trợ vốn để nuôi bò lai. Trong đó, có một số hộ dân đầu tư máy vằm cỏ, thức ăn… khép kín để phục vụ chăn nuôi. “Từ khi có dự án này, tổng đàn bò được nâng lên gần 3.000 con, chất lượng từng bước được cải tạo”, ông Hà Đức Hùng, cán bộ chăn nuôi Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho biết.
Còn nhiều nỗi lo
Tổng đàn bò ở huyện Phú Lộc có dấu hiệu tăng trở lại, tuy nhiên, thời gian kết thúc dự án là vào năm 2018, khiến nhiều người dân băn khoăn về hiệu quả. Trong năm đầu tiên triển khai dự án, 4 địa phương được hỗ trợ vay vốn là Lộc Điền, Lộc Bổn, Xuân Lộc và Lộc Hòa, người dân lo ngại khó có thể hoàn vốn đúng thời hạn. Ông Mai Khắc Noa (xã Lộc Điền) sau khi được hỗ trợ nhận bò, do không có thời gian chăm sóc nên gửi bò cho một hộ dân khác chăn thả. Kết quả, bò bị chết và nguyên nhân được Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc xác định là do nhiễm độc. Cùng chung hoàn cảnh với ông Noa là 2 hộ dân khác.
Ông Hoàng Sa cho rằng, tập quán chăn thả vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của nông dân. Mặc dù được tập huấn quy trình chăm sóc, nhưng nhiều người dân vẫn chưa ý thức với việc thường xuyên kiểm tra đàn bò. “Nếu muốn dự án có hiệu quả, trước hết, mỗi hộ dân tham gia phải thay đổi nhận thức trong quá trình chăn nuôi. Chúng tôi mở một số lớp tập huấn về kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh nuôi bò lai sind, song người dân còn tâm lý bao cấp, ỷ lại Nhà nước”, ông Sa nói.
Điều quan trọng để hướng đến nuôi bò lai sind một cách bền vững là việc chủ động nguồn thức ăn. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến bất thường, giống cỏ khan hiếm, dẫn đến tiến độ trồng chỉ đạt 70% chỉ tiêu đề ra. “Có một số hộ dân không đủ nhân lực, nhận bò về nhưng chưa trồng cỏ. Thức ăn cho bò chủ yếu là cỏ voi ngọt, song ở một số địa phương trên địa bàn huyện loại cỏ này chậm phát triển, vì vậy nguồn thức ăn bị hạn chế. Nếu hết thời gian vay vốn thì nông dân không được hỗ trợ lãi suất nữa nên người dân rất đắn đo trong việc đăng ký tham gia dự án. Sắp tới, chúng tôi tập trung vào các địa phương trọng điểm, vùng gò đồi, có nhiều tiềm năng để phát triển đàn bò. Còn những xã vùng biển như, vùng khu Ba sẽ hạn chế bởi các địa phương này không thích hợp trong việc nuôi bò”, ông Hà Đức Hùng cho hay.
Hiện nay, tổng đàn bò của huyện Phú Lộc khoảng 3.000 con, trong đó có 235 con bò lai sind, đã phối giống được 142 con, trong đó 39 con bò lai. Trong 2 năm đầu triển khai dự án, người dân được hỗ trợ vay vốn với số tiền hơn 4 tỉ đồng; được hỗ trợ gần 150 triệu đồng xây dựng chuồng trại và trồng cỏ.
LÊ THỌ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.