Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 19/09/2016
Ngày cập nhật:
21/9/2016
Thời gian gần đây, phong trào nuôi rắn hổ đất đã manh nha phát triển ở một số địa phương trong tỉnh Hậu Giang. Đây là mô hình kinh tế mới, mang lại giá trị kinh tế khá cao, song tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người trực tiếp thả nuôi và dân cư xung quanh.
Nghề nguy hiểm
Do môi trường sống ngoài tự nhiên ngày càng bị thu hẹp nên các loài động vật hoang dã quý hiếm, nhất là rắn hổ đất đang có nguy cơ tiệt chủng rất cao. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lớn đã khiến cho loài rắn “đặc sản” này có giá cao ngất ngưởng. Hiện thương lái đến từ các tỉnh, thành như Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp thu mua rắn hổ đất thương phẩm với mức giá khoảng 600.000 - 800.000 đồng/kg. Từ đó, bất chấp mọi hiểm nguy rình rập, người dân tích cực đi “săn” rắn hổ đất và xây thêm chuồng để thả nuôi nhằm tạo nguồn thu nhập cho gia đình mình.
Ông Mỹ thường xuyên kiểm tra độ an toàn chuồng nuôi rắn hổ đất nhà mình.
Theo ông Võ Văn Mỹ, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang có xu hướng phát triển nghề nuôi động vật hoang dã như: rắn ri voi, trăn đất, ba ba,... Riêng ông thì chọn mô hình nuôi rắn hổ đất để phát triển kinh tế gia đình. Bởi hơn 10 năm nay, ông Mỹ là tay thả câu bắt rắn “bậc thầy” ở địa phương và cũng từng trải qua nhiều lần nguy hiểm khi phải đối đầu với rắn hổ đất, rắn lục đuôi đỏ. Nhưng vì tâm huyết với nghề, ông Mỹ vẫn luôn tranh thủ những lúc nông nhàn để bắt đầu chuẩn bị mồi cho một chuyến đi thả câu rắn đầy may rủi và nguy hiểm trực chờ.
Thường thì ông Mỹ có những chuyến đi xa, với thời gian dài ngày. Vì phải xuống tận các vùng miệt dưới hẻo lánh như: Đầm Dơi, Sông Đốc (Cà Mau) để săn rắn hổ đất về nuôi. “Rắn hổ đất rất nguy hiểm, nhưng có giá trị kinh tế cao. Cho nên vào năm 2015, tôi đăng ký với kiểm lâm địa phương thả nuôi 22 con rắn hổ đất thương phẩm. Bởi trước đó, sau khi thả nuôi thử nghiệm và xuất bán được 70kg rắn hổ đất, với giá 600.000 đồng/kg, gia đình tôi thu lợi nhuận 35 triệu đồng”, ông Mỹ thông tin.
Không nhân rộng
Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Hày, ở ấp 11, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cũng vừa xuất bán gần 30kg rắn hổ đất thương phẩm, với giá 600.000 đồng/kg, thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Theo bà Hày, trước đây, gia đình bà có đất sản xuất ít, chủ yếu sống bằng nghề giăng câu, thả lưới. Nhưng từ khi nhờ anh em hàng xóm mách nước cho chồng bà nghề thả câu và nuôi rắn hổ đất mà đời sống gia đình bắt đầu khấm khá lên. “Nuôi rắn hổ đất lỡ sơ ý một chút là có thể mất mạng như chơi. Vì thế, trong quá trình nuôi và cho ăn cần phải hết sức cẩn thận, cũng như xây chuồng nuôi cho chắc chắn”, bà Hày chia sẻ.
Theo người có thâm niên với nghề tại địa phương, rắn hổ đất là đối tượng dễ nuôi, ít nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, nhất là mồi cho rắn ăn khá đơn giản, chủ yếu là chuột, cóc, ếch… Song, chỉ cần cho ăn đầy đủ, qua 1 năm nuôi, rắn có thể đạt trọng lượng khoảng 1kg trở lên. Rắn hổ đất sinh sản tốt, trung bình một con rắn cái có thể đẻ ít nhất 15 trứng, nở đều nên tỷ lệ nhân đàn rất nhanh. Ông Huỳnh Thế Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ - Vị Thanh, khẳng định: Phong trào nuôi rắn hổ đất ở địa phương mới phát triển gần đây và chủ yếu là các hộ dân thả câu rắn chuyên nghiệp.
Thế nhưng, theo ông Thế Anh, đây là đối tượng nuôi khá nguy hiểm. Bởi theo tập tính sinh trưởng của chúng (rắn hổ đất) thì vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm là đến mùa sinh sản, rắn cái sẽ tiết ra hoóc môn lôi cuốn rắn đực. Từ đó, những con rắn đực có ngoài môi trường tự nhiên sẽ tìm đến, gây nguy hiểm cho người nuôi lẫn các hộ dân sống lân cận. Cho nên, những hộ đang thả nuôi cần phải khai báo với cơ quan quản lý địa phương để được hỗ trợ các kỹ thuật xây dựng chuồng trại kiên cố. Riêng đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra quá trình gây nuôi thường xuyên, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh.
“Tuy là mô hình kinh tế mới nhưng đầu ra chưa thực sự ổn định, kể cả nguồn con giống khan hiếm. Vì vậy, người dân không nên mạo hiểm đi thả câu bắt rắn để nhân rộng mô hình nhằm tránh rủi ro ngoài ý muốn”, ông Huỳnh Thế Anh khuyến cáo.
Thông tin từ Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ - Vị Thanh, mô hình nuôi rắn hổ đất chỉ mới phát hiện ở huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, có khoảng 5 hộ nuôi, với số lượng gần 100 con rắn hổ đất thương phẩm.
CHÍ CÔNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.