Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 21/09/2016
Ngày cập nhật:
23/9/2016
Vào mùa hoa, đàn ong chăm chỉ bay đi khắp nơi để chắt chiu dòng mật ngọt. Theo đàn ong, người nuôi cũng rong ruổi khắp nơi để tìm kế sinh nhai.
Khánh Vĩnh mùa này hoa rừng nở. Người nuôi ong từ khắp nơi ở trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa lại đưa đàn ong đến đây tìm mật. Trò chuyện với những người nuôi ong, tôi mới phần nào hiểu thêm bao nỗi vất vả, gian truân trong nghiệp mưu sinh của họ.
Kiểm tra ong nuôi
Trong chiếc lán dựng tạm giữa bạt ngàn rừng keo, ông Nguyễn Hải Lâm (chủ trại ong ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) - người đã có thâm niên hơn 20 năm theo nghề nuôi ong cho biết, cứ 3 - 4 tháng, ông lại “tạm trú” ở một nơi; từ Đắk Lắk, Khánh Hòa cho đến Tây Ninh… Những lúc di chuyển, ông mang theo 210 đàn ong và lỉnh kỉnh thùng, cầu ong tìm đến với những vùng hoa nở rộ. Ông Lâm tâm sự: “Cuộc sống của người nuôi ong cũng tạm bợ như chính sự bươn chải quanh năm của đàn ong vậy. Mỗi lần “di cư”, vật dụng chúng tôi mang theo là mấy chiếc nồi, vài bộ quần áo cũ, còn lại mọi thứ đến nơi mới lo. Vấn đề quan trọng nhất với người nuôi ong là phải nắm được mùa hoa ở từng địa phương mình đến, bởi những mùa hoa sẽ cưu mang họ và đàn ong”.
Góp thêm vào câu chuyện với chúng tôi, ông Lê Thuận, chủ 280 đàn ong ở xã Khánh Bình chia sẻ: “Không ít lần, nước mắt người nuôi ong rơi, vì chẳng may đàn ong lấy nhụy ở những bông hoa bị phun thuốc trừ sâu, gây thiệt hại lớn; hay những lúc ong bị bệnh, dịch, cắn lẫn nhau khiến ong chết hàng loạt; vào những mùa khô hạn, cây ít cho hoa, mật thu được ít; cũng có lúc giá mật ong rớt thê thảm… nhưng chúng tôi vẫn phải vượt qua, tiếp tục gắn bó với bầy ong”. Cũng theo tâm sự của ông Thuận, quy trình cho ra dòng mật ngọt chẳng giản đơn, mà hết sức gian truân, vất vả. Buổi sáng, người nuôi phải dậy từ rất sớm, “mở cửa” cho đàn ong đi “làm việc”. Còn họ ở lại kiểm tra các cầu ong, gạt tổ vào chiếc thùng, cuối cùng cho vào máy ly tâm để quay mật. Khi thuận lợi, 1 tháng, 280 đàn ong cho ông khoảng 700kg mật, nếu giá mật cao thì cũng kiếm được 5 - 6 triệu đồng tiền lãi; còn hiện tại, với giá chỉ 13.000 đồng/kg mật thì người nuôi lỗ nặng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có gần 20 trại ong, trung bình 200 đàn/trại nuôi. Số trại này của người ngoài tỉnh có, người địa phương học theo, nhân đàn mới nuôi cũng có. Điều mà họ lo lắng nhất không phải là nhọc nhằn của nghề, hay những nỗi đau về thể xác khi bị ong đốt mà chính là giá mật hiện đang quá thấp. “Năm trước, giá mật lên đến hơn 20.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá mật rớt thê thảm, chỉ còn 12.000 - 13.000 đồng/kg loại có màu đẹp. Giá thấp vậy mà các công ty thu mua mật ở Đắk Lắk, Đồng Nai cũng chẳng buồn mua, người nuôi đành phải lấy mật trộn thêm bột để cho đàn ong ăn trở lại”.
Chia tay những người nuôi ong, họ nói hoa rừng cũng sắp đến độ tàn, họ lại chuẩn bị sắp xếp cho một chuyến di chuyển mới, đó là về phương Nam để tiếp tục đón những dòng mật ngọt nuôi sống gia đình.
BÍCH LA
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.