Nguồn tin: Báo Bình Phước, 25/09/2016
Ngày cập nhật:
26/9/2016
Bên cạnh việc kiên trì bám trụ từng gốc tiêu, cây điều, nhiều nông dân ở Chơn Thành (Bình Phước) còn nuôi gà với hy vọng làm giàu từ chăn nuôi. Giống gà công nghiệp được nhiều người lựa chọn vì thời gian nuôi ngắn, thu hồi vốn nhanh và không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật chăm sóc. Do số hộ nuôi tăng mạnh, trong khi nhu cầu thị trường chưa lớn, khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn.
Khốn đốn vì bị ép giá
Năm 2011, tốt nghiệp Trường cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Nam Bộ, anh Đinh Trường Sinh ở ấp 3, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành) về quê làm nhiều nghề kiếm sống và lập gia đình. Sau nhiều năm loay hoay tìm nghề, năm 2015, anh được giới thiệu và quyết định chọn giống gà Minh Dư để phát triển kinh tế.
Dù thua lỗ, anh Sinh vẫn kiên trì với giấc mơ làm giàu từ nuôi gà Minh Dư
Anh Sinh cho biết: “Gà Minh Dư có màu lông đồng nhất, ăn ít nhưng mức tăng trọng cao, sức đề kháng tốt nên tỷ lệ sống cao, mắn đẻ, ít nhiễm bệnh. Cùng một chế độ ăn và thời gian chăm sóc nhưng trọng lượng xuất chuồng của gà Minh Dư luôn cao hơn so với các giống gà khác. Minh Dư lại là giống gà ta nên thịt thơm ngon, hút khách. Hiện giống gà này không chỉ được người chăn nuôi trong nước ưa chuộng mà còn được các cơ sở chăn nuôi gia cầm một số nước trong khu vực “để mắt””.
Với giấc mơ làm giàu từ nuôi gà Minh Dư, anh Sinh đã chủ động tham gia các khóa đào tạo qua internet và những buổi trao đổi kinh nghiệm do Hội Nông dân thị trấn Chơn Thành tổ chức để bổ sung kiến thức chăn nuôi. Lứa gà đầu tiên, anh đầu tư hơn 115 triệu đồng xây dựng 150m2 chuồng trại và mua sắm dụng cụ phục vụ chăn nuôi. Để đảm bảo có con giống chất lượng, anh đã đến tận Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước (Bình Định) mua gà con.
Sau 4 tháng nuôi, lứa gà đầu tiên xuất chuồng, sau khi trừ chi phí anh lỗ 20 triệu đồng. Đến nay, sau 5 lần xuất chuồng, chỉ có lứa thứ 4 anh thu lãi 30 triệu đồng, còn lại đều lỗ nặng. Anh lý giải: “Thất bại chủ yếu do mình thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi và phân tích đầu ra. Nhiều khi gà bị nhiễm giun sán, tả, mình không biết hoặc phát hiện muộn, chăm sóc thiếu tỉ mỉ, vệ sinh kém dẫn đến gà chết nhiều. Ngay lứa đầu, 300 gà con trên tổng đàn 1.000 con của gia đình bị chết vì nhiễm bệnh. Tới lúc xuất chuồng, chỉ tiêu thụ tại địa phương nên bị thương lái ép giá. Tôi phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay 300 triệu đồng để có vốn nuôi gà và quyết tâm gắn bó với nghề”.
Cũng là một chủ trại nuôi gà với quy mô hơn 1.000 con tại thị trấn Chơn Thành, ông Chu Văn Liêu cho biết: “Tôi nuôi gà đến nay đã hơn 5 năm và nhận thấy thị trường tiêu thụ tại Chơn Thành thiếu ổn định. Nhiều lứa gà tôi phải chấp nhận bị ép giá vì loại vật nuôi này không thể “ngâm lâu”. Nếu cứ làm căng với thương lái thì mình là người chịu thiệt nhất, do gà để quá lứa thịt không ngon, giá thấp, chưa kể chi phí mua thức ăn”.
Cần liên kết tìm đầu ra
Theo tiết lộ của một thương lái thu mua gà tại huyện Chơn Thành, chúng tôi được biết những tháng cuối mùa mưa là thời điểm nhiều người chọn mua gà con để nuôi nhằm phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán. Trong khi nhu cầu về gà giống “tăng nhiệt” thì nhu cầu gà thịt lại không ổn định. Mặt khác, trước khi nuôi gà, nhà nông chủ yếu tập trung nghiên cứu kỹ thuật, kinh nghiệm mà quên “phân tích” thị trường. Do vậy, đến thời kỳ xuất chuồng, gà thịt tại Chơn Thành chủ yếu bán lẻ - thị trường tiêu thụ không ổn định, manh mún, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thu mua.
Anh Nguyễn Minh Hòa, Bí thư Đoàn thị trấn Chơn Thành khẳng định: “Hiện có nhiều đoàn viên thanh niên vay vốn từ quỹ đoàn để chăn nuôi. Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần đó và tạo điều kiện tối đa để đoàn viên thanh niên phát huy sức trẻ làm giàu trên mảnh đất quê hương. Một số đoàn viên thanh niên đã mạnh tay đầu tư vào nuôi gà và bị thua lỗ do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nhiều người đã từ bỏ giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương, chấp nhận đi TP. Hồ Chí Minh hay những địa phương khác làm thuê để trang trải cuộc sống và trả nợ từ việc khởi nghiệp thất bại”.
Chuyển sang chăn nuôi là chọn lựa của nhiều nhà nông trước tình trạng giá các mặt hàng nông nghiệp chủ lực, như mủ cao su, cà phê giảm sâu. Tuy nhiên, việc chăn nuôi gà ồ ạt theo cảm tính đã khiến “cánh cửa” thị trường đầu ra vốn đã chật lại càng hẹp. Để chăn nuôi gà cũng như mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, nhà nông cũng cần tỉnh táo chọn lựa cây trồng, vật nuôi phù hợp, không chạy theo hiệu ứng đám đông. Trước khi đầu tư, người chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ nhu cầu tiêu thụ của thị trường; tạo mối quan hệ tìm kiếm hợp đồng bao tiêu sản phẩm với những doanh nghiệp, nhà hàng có nhu cầu.
Thế Tường
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.