Nguồn tin: Báo An Giang, 30/09/2016
Ngày cập nhật:
1/10/2016
Dù không phải là vùng đất có lợi thế về diện tích, đồng cỏ, nguồn thức ăn cho bò nhưng đàn bò ở tỉnh Bến Tre phát triển khá mạnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nuôi. Với một địa phương có lợi thế như An Giang, nếu kết hợp thêm kinh nghiệm của Bến Tre, hiệu quả chăn nuôi bò sẽ cao hơn.
Hỗ trợ tối đa
Đến huyện Ba Tri (Bến Tre), rất dễ bắt gặp những chuồng bò nằm dọc bên đường. Nếu như ở An Giang, đa phần nông dân coi nuôi bò nhỏ lẻ là nghề “tay trái”, kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn thì ở Ba Tri, công việc này lại tạo ra nguồn thu nhập chính. Theo ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) tỉnh Bến Tre, chỉ riêng ở huyện Ba Tri, tổng đàn bò hiện đạt trên 87.000 con. Số lượng này cao gấp 3 – 4 lần so với những địa phương có tiếng về nuôi bò nhiều ở An Giang, như: Chợ Mới (hơn 25.000 con), Tri Tôn (gần 22.000 con), Tịnh Biên (hơn 20.000 con)… So về tổng đàn, ở An Giang hiện chỉ có khoảng 100.000 con bò, trong khi Bến Tre là hơn 162.000 con.
Bò lai Red Angus cho hiệu quả cao ở Bến Tre
Ông Nguyễn Quốc Trung cho biết, điều kiện để đàn bò của tỉnh phát triển là nhờ địa phương hỗ trợ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, như: Cải tạo giống, kỹ thuật chăn nuôi… Thông qua Dự án Sind hóa đàn bò giai đoạn 2002-2005 (đầu tư bò cái giống lai Sind), Dự án cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giai đoạn 2002-2011, tỉnh đã hỗ trợ cải tạo đàn bò cái nền bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với các giống thuần như Red sind, Brahman. Tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn cho dẫn tinh viên học lớp thụ tinh nhân tạo cho bò cùng trang thiết bị (bình nitơ lớn, bình nitơ cá nhân cho dẫn tinh viên), tinh bò giống các loại, nitơ bảo quản tinh và tập huấn cho người dân về công tác giống, chăm sóc nuôi dưỡng bê lai… Đồng thời, xây dựng hệ thống cấp phát tinh, nitơ cho các huyện thông qua Trạm Thú y của huyện. Hiện nay, đàn bò của tỉnh đã được Zebu hoá trên 90% (có máu Sind hoặc Brahman từ 50 đến 75%), trọng lượng bò cái bình quân trên 300kg/con. “Trước đây, người chăn nuôi chú trọng nhiều đến những đặc điểm bên ngoài như màu sắc, xoáy tích của bò khi chọn con giống, nay phần lớn người chăn nuôi bò đã quan tâm nhiều đến chất lượng con giống, cụ thể như: Trọng lượng sơ sinh, tầm vóc lớn con, tăng trọng nhanh… nên chất lượng đàn bò thịt được cải thiện” – ông Trung thông tin.
Từ cơ sở trên, Trung tâm NNƯDCNC tỉnh Bến Tre thực hiện đề tài so sánh con lai F1 giữa các giống bò Brahman, Red Angus, lai Sind trên đàn bò nền địa phương và xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Ba Tri, đồng thời xây dựng Dự án phát triển đàn bò theo hướng thịt với các nhóm giống Angus (của Mỹ, Canada, Anh…), Charolaise (Pháp, Anh…). Dự án hỗ trợ 30% kinh phí tinh bò, trong đó nhóm giống bò Angus cho năng suất cao, thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi của Bến Tre. Hiện nay, giống bò lai Angus rất được nhiều hộ chăn nuôi bò hưởng ứng vì đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Cụ thể, bò lai 5-6 tháng tuổi có giá từ 20-22 triệu đồng/con, chủ yếu cung cấp con giống cho các tỉnh lân cận. Bò có khả năng thích nghi tốt với khí hậu nóng, chịu được nhiệt độ cao, có sức đề kháng tốt với bệnh tật, phù hợp với vùng ĐBSCL.
Cơ hội cho An Giang
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre, điều kiện ở An Giang rất lý tưởng để phát triển đàn bò khi có vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trong và ngoài nước; điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp với hoạt động chăn nuôi; diện tích đất trồng trọt nhiều, đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho bò… Cùng với đó, UBND tỉnh An Giang còn rất quan tâm, hỗ trợ phát triển chăn nuôi thông qua phê duyệt thực hiện Gói sản phẩm hỗ trợ kinh tế, tài chính, thị trường cho sản phẩm thịt bò giai đoạn 2015-2016.
Theo kinh nghiệm của Bến Tre, tỉnh An Giang cần xây dựng kế hoạch, dự án dài hạn về phát triển hoạt động chăn nuôi bò theo hướng bền vững gắn kết với kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, tỉnh cần xây dựng các tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt kết hợp củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động gieo tinh nhân tạo. Về lâu dài, tỉnh cần quy hoạch, hình thành vùng cung cấp con giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trong tỉnh, vùng chăn nuôi bò hướng thịt, đồng thời hình thành mối liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững, xây dựng thị trường tiêu thụ con giống, bò thịt, thịt bò nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, lâu bền cho người dân.
“An Giang nên hình thành Ban Chỉ đạo các cấp, Tổ giúp việc cho dự án phát triển đàn bò. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, thành viên; xác định vùng, địa bàn trọng điểm chăn nuôi để định hướng đúng. Về chuyên môn kỹ thuật, tỉnh cần duy trì và phát triển giống Sind lai Brahman trong phát triển bò sinh sản, chọn con lai 3 máu (Sind lai Brahman và Angus hoặc Charolais) để phát triển hướng thịt bằng biện pháp nhập tinh bò (giống Angus hoặc Charolais), đồng thời đẩy mạnh hoạt động gieo tinh nhân tạo cho bò” – một cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre chia sẻ.
HOÀNG XUÂN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.