Nguồn tin: Báo Phú Yên, 24/10/2016
Ngày cập nhật:
25/10/2016
Người chăn nuôi vịt ở huyện Đông Hòa cho vịt ăn - Ảnh: SƠN CA
Gần 10 ngày nay, sức mua trứng vịt tăng, giá trứng vịt cũng “nhích” nhẹ. Hiện trứng vịt thu mua tại đồng có giá 20.000 đồng/chục (10 trứng), tăng 2.000 đồng, nhờ vậy người nuôi vịt bớt khó.
Người nuôi bớt lo
Bà Lê Thị Ngãi ở thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), cho hay: Gần 3 năm nay, giá trứng vịt liên tục hạ thấp, có thời điểm chỉ còn 17.000 đồng/chục khiến những người nuôi vịt đẻ như tôi điêu đứng. Gia đình tôi thường xuyên duy trì đàn vịt đẻ khoảng 2.000 con. Khi chưa vào mùa chạy đồng thì tôi vây lưới, nuôi vịt và cho ăn thức ăn hỗn hợp. Tuy nhiên, khi giá trứng vịt hạ thấp, để giảm chi phí tôi không cho vịt ăn ròng cám hỗn hợp mà cho vịt ăn xen thêm với lúa để giảm chi phí. Khoảng 10 ngày nay, nhờ thị trường tiêu thụ mạnh nên giá trứng vịt tăng lên 20.000 đồng/chục, với mức giá này thì sau mỗi đêm đàn vịt nhà tôi cho thu nhập 3,5 triệu đồng.
Theo tính toán của một số người nuôi vịt, bình thường nếu không chạy đồng, nuôi nhốt và cho ăn cám ròng thì 1.000 con vịt sẽ ăn hết khoảng 4,5 bao thức ăn loại 50kg/bao với giá 333.000 đồng/bao, tương đương khoảng 1,5 triệu đồng tiền thức ăn/ngày. Trong khi đó, tỉ lệ cho trứng bình quân của vịt chỉ khoảng 85%, tức 1.000 con vịt mỗi đêm sẽ đẻ khoảng 850 trứng, giá thành trứng gần 18.000 đồng/chục (chưa tính chi phí thú y và con giống). Vì vậy, nếu giá trứng trên thị trường hạ thấp, những người nuôi vịt sẽ chọn cách giảm đàn hoặc cho ăn xen kẽ giữa thức ăn hỗn hợp với lúa để cắt giảm chi phí. Còn khi vào mùa đồng, người nuôi cho vịt chạy đồng, mỗi ngày chỉ bổ sung thêm khoảng 10kg lúa/1.000 con vịt nữa là đủ, nhờ vậy chi phí thức ăn giảm đáng kể, giúp người nuôi vịt có lãi.
Ông Trần Văn Lớn ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), nói: Trước khi vào mùa đồng, tôi chăn vịt dọc các tuyến mương thủy lợi và cho ăn thức ăn hỗn hợp, mỗi ngày đàn vịt 3.000 con của gia đình ăn hết 4,5 triệu đồng tiền cám. Nhưng mỗi đêm chỉ đẻ được từ 2.400-2.500 trứng, giá bán chỉ 17.000 đồng/chục, vì vậy sau mỗi đêm, tôi phải bù lỗ khoảng 300.000 đồng. Từ khi vào thời điểm chạy đồng, giá trứng vịt nhích dần, chi phí thức ăn lại giảm. Đàn vịt được chạy đồng, thức ăn dồi dào nên tỉ lệ đẻ tăng, mỗi đêm đẻ được khoảng 2.600 trứng, bình quân mỗi ngày lãi được gần 1 triệu đồng. Mùa đồng này tôi thuê được 100ha ruộng tại địa phương để chăn vịt với giá hỗ trợ 150.000-200.000 đồng/ha (tùy vị trí đồng). Được địa phương hỗ trợ giá thuê đồng thấp nên gia đình cũng đỡ bớt gánh nặng, duy trì nghề nuôi vịt đẻ để mưu sinh.
Còn theo ông Tám Đặng ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), hiện đàn vịt gia đình ông có 4.000 con, vừa rồi ông thuê được 126ha đồng với giá 78 triệu đồng để chạy vịt. Hiện đàn vịt vào kỳ cho trứng sai, mỗi đêm đẻ được gần 3.500 trứng, giá trứng lại đang tăng nên thu nhập cũng khá. Ông Tám Đặng cho biết: Vào mùa đồng, giá trứng được 20.000 đồng/chục nên những người nuôi vịt có lãi, khi hết mùa đồng, nếu giá trứng cũng ở mức này thì mới hòa vốn chứ chưa có lãi. Những năm trước, khi mùa đồng ở Phú Yên kết thúc, tôi đưa vịt vào các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận để ăn, nhưng nay các tỉnh này bị hạn nặng, diện tích trồng lúa giảm mạnh nên không có đồng để thuê. Vì vậy, sau mùa đồng, đàn vịt buộc phải nuôi nhốt, chi phí cao rất khó có lãi.
Giám sát dịch bệnh mùa chạy đồng
Việc nuôi vịt chạy đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nuôi nhốt. Tuy nhiên, cách nuôi này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh vì đàn vịt được di chuyển qua nhiều vùng để ăn đồng. Để hạn chế dịch bệnh phát sinh, hiện các địa phương và cơ quan thú y tăng cường công tác kiểm soát, giám sát dịch bệnh. Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An Trần Sáu cho biết: Tổng đàn vịt của toàn huyện có khoảng 105.000 con, tuy nhiên diện tích sản xuất lúa của huyện chỉ khoảng 3.000ha. Diện tích đồng lúa ít như vậy không đủ để vịt chạy đồng nên nhiều hộ phải đưa vịt về các địa phương khác để ăn. Bởi vậy, mỗi khi vào mùa đồng, địa phương giám sát chặt đàn vịt, các chủ vịt muốn đưa vịt đi ăn đồng phải có sổ theo dõi và đàn vịt phải được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch theo quy định.
Còn theo UBND xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), toàn xã có hơn 40.000 con vịt với khoảng 40 hộ nuôi. Sau mỗi mùa gặt, toàn bộ diện tích đồng rộng hơn 1.100ha, xã đều cho các hộ nuôi vịt tại địa phương thuê để chăn vịt. Nhờ vậy, việc giám sát dịch bệnh cũng thuận lợi hơn.
Trong khi đó, việc giám sát đàn vịt chạy đồng tại các địa phương ở khu vực miền núi lại khó khăn hơn nhiều vì chủ yếu đàn vịt được đưa về từ các địa phương khác. Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, huyện chỉ có khoảng 1.000ha ruộng lúa nhưng tại địa phương người dân không nuôi vịt chạy đồng. Sau mùa gặt, các chủ vịt ở nơi khác đến thuê và đưa vịt về ăn đồng nên việc quản lý cũng phức tạp hơn. Để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh, huyện yêu cầu các xã, thị trấn khi cho thuê đồng chăn vịt phải tăng cường giám sát. Trước khi cho vịt nhập đàn phải kiểm tra lâm sàng, nuôi nhốt cách ly 15 ngày theo quy định, đàn vịt phải được tiêm phòng đầy đủ mới cho vào đồng.
Hiện cả nước không xảy ra dịch cúm gia cầm nhưng người nuôi không được chủ quan. Để phòng ngừa dịch hiệu quả nhất, người nuôi cần thực hiện nghiêm túc việc tiêm vắc xin phòng dịch. Các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát dịch bệnh tại khu vực từng xảy ra dịch, nơi chăn nuôi gia cầm tập trung để kịp thời phát hiện, khống chế dịch nếu xảy ra. - Ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y
SƠN CA
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.