Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 26/10/2016
Ngày cập nhật:
31/10/2016
Với mục đích khai thác tiềm năng của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập và giúp người dân có hướng thoát nghèo bền vững, cuối năm 2015, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) triển khai thực hiện thí điểm mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Minh Quang. Qua gần 1 năm thực hiện, dự án bước đầu đã đem lại những kết quả khả quan và có thể nhân rộng ra toàn huyện.
Gia đình anh Trương Văn Sáu, thôn Phô Cóc, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo nuôi dê sinh sản, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm
Minh Quang là xã miền núi của huyện Tam Đảo, có tổng diện tích đất tự nhiên là 4.976,5ha, xã có hai dạng địa hình chính là địa hình đồi núi thấp và đồi bát úp xen kẽ những cánh đồng hẹp; diện tích đất rừng khoảng 3.000 ha, chủ yếu nằm trong diện tích Vườn Quốc gia Tam Đảo, còn lại là một số diện tích đồi hoang khoảng 247,1 ha. Với điều kiện tự nhiên và khí hậu như vậy, Hội Nông dân xã nhận thấy việc đầu tư chăn nuôi dê sinh sản là hướng đi phù hợp và có tính bền vững. Xã Minh Quang đã xây dựng dự án nuôi dê sinh sản tại 4 thôn: Phô Cóc, Bản Long, Cam Lâm và Chùa Vàng với 11 hộ tham gia, thời gian thực hiện dự án kéo dài trong 3 năm (từ 2015-2018). Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh, Hội Nông dân xã đã cho 10 hộ vay vốn với số tiền 300 triệu đồng để người dân mua con giống và xây dựng chuồng trại. Đến nay, mỗi hộ có ít nhất từ 10 con trở lên, nâng tổng số đàn dê của toàn xã lên khoảng hơn 200 con. Khi tham gia dự án, người dân được tập huấn về cách chăm sóc, phòng bệnh và những đặc tính của dê. Nhờ có kỹ thuật chăm sóc, diện tích đồi rừng lớn để chăn thả nên đàn dê của các hộ phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh. Theo các hộ nuôi dê cho biết, nuôi dê không khó bởi mỗi ngày chỉ cần chăn thả dê khoảng 3 tiếng là đàn dê đã no, dê là động vật ăn tạp nên dễ kiếm thức ăn. Để đàn dê không bị bệnh, bên cạnh việc tiêm phòng đầy đủ thì chuồng trại lúc nào cũng phải thoáng, sạch sẽ, được khử trùng thường xuyên; cùng với đó cần bổ sung thức ăn tinh cho dê mẹ. Đối với dê cái cứ 1-2 lứa là phải thay, còn dê đực 3-4 lứa phải thay để tránh trùng gien và giúp dê khỏe mạnh, sinh sản tốt. Mỗi năm dê sinh được 2 lứa, cứ nuôi khoảng 20-25 kg là xuất bán với giá hiện nay khoảng 150 nghìn đồng/1kg.
Là một hộ nuôi dê lâu năm (từ năm 2012) và hiện nay cũng tham gia vào dự án nuôi dê sinh sản của xã, hộ anh Trương Văn Sáu, thôn Phô Cóc cho biết: Gia đình anh sống gần chân núi, địa hình dễ chăn thả, nguồn thức ăn phong phú nên từ năm 2012 anh đã bắt tay vào nuôi dê. Lúc đầu, vì chưa có nhiều vốn nên anh chỉ nuôi 5 con, sau đó anh nhân giống dần cùng với việc tham gia dự án nuôi dê sinh sản nên cũng được vay thêm 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, đàn dê nhà anh hiện nay đã lên tới 25 con dê nái và khoảng gần 20 con dê thịt. Anh Sáu cho biết thêm: Bên cạnh việc dễ nuôi, dê còn có giá cả ổn định, rủi ro ít, đầu ra rất thuận lợi, gia đình anh thường cung cấp cho các nhà hàng ở Hà Nội, Phúc Yên, có những khi nguồn cung không đáp ứng kịp với nhu cầu của các nhà hàng. Tuy nhiên, nuôi dê cũng có những khó khăn như nguồn văcxin phòng bệnh khó tìm, dê cũng hay mắc các loại bệnh lở mồm long móng, dịch tả nhưng hiện chưa có cơ chế hỗ trợ tiêm văcxin như ở lợn, bò. Trung bình mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Sáu thu lãi gần 100 triệu đồng.
Anh Dư Văn Hai, thôn Bản Long cho biết: Sau khi tìm hiểu và nhận thấy nuôi dê dễ dàng hơn so với các loài khác, lại được hỗ trợ về kỹ thuật, khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh đã quyết định nuôi thử nghiệm một đàn 26 con, sắp tới anh sẽ nhân đàn lên tới 70 con để nâng cao thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Lê Duy Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân Tam Đảo cho biết: Dự án nuôi dê sinh sản thực hiện thí điểm ở xã Minh Quang bước đầu đã được người dân địa phương đón nhận và tham gia. Qua gần 1 năm thực hiện, các hộ nuôi dê rất thuận lợi trong việc nuôi thả bởi đã được tập huấn kỹ thuật về cách chăm sóc và phòng bệnh. Vì vậy, hầu hết đàn dê của các hộ đều khỏe mạnh, có đàn đã xuất bán được với giá cao, đầu ra ổn định và thị trường luôn có nhu cầu. Sắp tới, huyện dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tại xã Đạo Trù.
Diệu Linh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.