• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làm gì để chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững? - Bài đầu: Đã rõ những khâu yếu

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 07/11/2016
Ngày cập nhật: 9/11/2016

Người chăn nuôi bò sữa đang đứng ngồi không yên vì giá sữa giảm thê thảm. Dù các ngành chức năng đã vào cuộc nhưng thực tế nêu trên vẫn diễn ra nhiều năm khiến nông dân chịu thiệt còn doanh nghiệp (DN) thu mua sữa lao đao. Để từng bước giải quyết tình trạng này, ngoài chính sách hỗ trợ hợp lý, cần quy hoạch đồng bộ vùng chăn nuôi để chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, trở thành mũi nhọn trong lĩnh vực chăn nuôi.

Bài đầu: Đã rõ những khâu yếu

Hiện khâu yếu nhất trong sản xuất và tiêu thụ bò sữa là liên kết giữa doanh nghiệp (DN) tiêu thụ với nông dân, bởi chưa có sự bảo đảm quyền lợi giữa các bên khiến cả DN và người nuôi đều loay hoay trong phát triển sản xuất.

Trong khi đó, nông dân cứ thấy lợi là đầu tư mà không tính đến đầu ra nên lâm vào tình cảnh "được mùa rớt giá". Và mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích các trang trại nuôi bò sữa quy mô lớn nhưng chính sách lại chưa đủ mạnh…

Sự liên kết giữa người chăn nuôi bò sữa với doanh nghiệp vẫn còn khá lỏng lẻo, thiếu hiệu quả. Ảnh: Bá Hoạt

Hầu hết chăn nuôi kiểu nông hộ

Theo ông Lã Văn Thảo - Trưởng phòng Chăn nuôi gia súc lớn (Cục Chăn nuôi), hiện ngành chăn nuôi bò sữa cả nước phát triển mạnh với gần 275.000 con bò, sản lượng sữa đạt khoảng 800.000 tấn/năm. Tuy nhiên, chăn nuôi bò sữa của Việt Nam chủ yếu quy mô nhỏ, bình quân từ 5 đến 10 con/hộ (quy mô đàn bò sữa nông hộ của Thái Lan là 17 con/hộ) nên chất lượng thấp.

Không những thế, nhu cầu sử dụng sữa tươi của người dân trong nước còn thấp, việc nhận thức đúng giá trị của sữa tươi và phân biệt giữa sữa tươi, sữa hoàn nguyên của người tiêu dùng chưa đầy đủ nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: Do công nghệ chăn nuôi nông hộ của ta chưa được đầu tư đúng mức, nên năng suất sữa của các hộ rất thấp, chỉ khoảng 5.000kg/chu kỳ (305 ngày) trong khi ở các DN nuôi công nghiệp đạt 6.500kg - 8.000kg/chu kỳ. Hà Nội có tới 18.000 bò sữa, nhưng đến 95% nuôi theo kiểu nông hộ, dẫn tới chất lượng sữa (protein, chất béo…) không bảo đảm đồng đều nên việc cung cấp cho các công ty chế biến sữa không ổn định.

Thời gian gần đây, các DN thu mua sữa thắt chặt việc thu mua, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu chất lượng sữa (bổ sung thêm chỉ tiêu tế bào soma); không nhập sản lượng sữa vượt định mức... khiến người dân phải bán sữa ở thị trường tự do dẫn đến giá sữa xuống thấp.

Bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho biết, trên địa bàn huyện có rất nhiều hộ nông dân đã bán bò sữa để chuyển sang chăn nuôi lợn do giá thu mua sữa của các công ty rẻ hơn so với cùng kỳ năm 2015 từ 2.000 đồng đến 8.000 đồng/kg (tùy theo chất lượng sữa).

Nguyên nhân là do việc hợp tác giữa nông dân với các DN thu mua chưa chặt chẽ, đôi khi thiếu minh bạch. Thông tin về tình hình tiêu thụ, thu gom sản phẩm sữa từ các công ty thu mua sữa đến người chăn nuôi bò sữa còn chưa chính xác, đầy đủ, kịp thời khiến người chăn nuôi bò sữa lo ngại.

Theo ông Chu Đức Dũng - hộ chăn nuôi bò sữa (Tản Lĩnh, Ba Vì), người chăn nuôi đang mất lòng tin với các DN bởi dù hợp đồng giữa hai bên là trả tiền theo tháng, nhưng có thời điểm 4 tháng DN mới thanh toán tiền cho hộ nuôi.

Không những thế, các trạm thu gom sữa của các công ty còn không minh bạch trong đánh giá chất lượng sữa: Một số trạm thu mua sữa của người dân từ sáng nhưng đến cuối buổi mới báo cho nông dân là sữa bị nhiễm vi sinh nên phải đổ bỏ; dù các trạm thu gom sữa thông báo ngày, giờ nông dân mang sữa đến kiểm tra chất lượng và cho vào bồn bảo quản, song có lúc người dân phải chờ 2-3 giờ khiến sữa bị ảnh hưởng chất lượng gây thiệt hại cho người dân. Vì vậy, nhiều nông hộ phải bán bò để cắt lỗ.

Về chuyện này, ông Nguyễn Văn Thiện - Trạm thu mua sữa Yên Bài (Ba Vì) lý giải: Các công ty đang gặp khó khăn trong tiêu thụ nên phải cắt giảm thu mua, không những thế để đầu tư máy móc trang thiết bị bảo quản sữa phải tốn từ 1,4 đến 1,8 tỷ đồng/trạm nên không phải trạm nào cũng có kinh phí. Vì vậy, hệ thống dự trữ sữa của các trạm còn ít nên chỉ mua với số lượng đủ.

“Quan hệ giữa nông dân với DN cũng thiếu chặt chẽ. Một số nông hộ còn có tư tưởng chạy theo lợi nhuận, nghĩ đến lợi ích trước mắt, không thực hiện đúng theo cam kết với công ty thu mua sữa. Vào thời điểm mùa hè nhu cầu sữa tăng cao, nhiều hộ bán ra thị trường tự do với giá cao hơn, khi mùa đông tiêu thụ sữa khó khăn mới tập trung bán cho công ty" - ông Nguyễn Văn Thiện cho biết.

Mạnh ai nấy làm

Để xảy ra tình trạng trên là do một số địa phương không nằm trong quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa nhưng vẫn phát triển tự phát. Chủ tịch UBND xã Dương Hà (Gia Lâm) Nguyễn Ngọc Thịnh cho biết, xã nằm trong vùng quy hoạch bò sữa của huyện, nhưng địa phương chỉ khuyến khích các hộ chăn nuôi quy mô lớn.

Tuy nhiên, khoảng 10 năm trước giá sữa cao, nông dân ồ ạt nuôi với số lượng lớn, đến nay giá sữa giảm nên tổng đàn giảm tới 50%. Ông Nguyễn Đức Dư ở xã Dương Hà cho rằng, chăn nuôi bò sữa không chỉ đầu tư vốn lớn, kinh nghiệm chăn nuôi tốt mà còn cần phải biết xây dựng kế hoạch tiêu thụ sữa ra thị trường để đưa ra sản lượng sữa ký kết hợp đồng với DN.

Theo ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), người dân vẫn nuôi bò sữa theo kiểu phong trào, "mạnh ai nấy làm", thiếu tính toán về thị trường dẫn tới giá thu mua thấp, hiệu quả không cao. Riêng Hà Nội trong 7 năm trở lại đây ngày càng có xu hướng thu hẹp về quy mô đàn bò, chất lượng sữa không được cải thiện.

Mặc dù thành phố đã quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa ở 15 xã trọng điểm, nhưng vẫn duy trì chăn nuôi nông hộ, thiếu đổi mới về tổ chức sản xuất, chưa hình thành được các tổ hợp tác hoặc DN đứng ra sản xuất tập trung.

Thực tế cho thấy, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi bò sữa nhưng chưa đủ mạnh để khuyến khích hình thành trang trại chăn nuôi lớn, hạn chế nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Một số địa phương có quy hoạch vùng chăn nuôi bò sữa, nhưng chưa tính toán vùng trồng nguyên liệu, thức ăn cho bò. Nông dân vẫn loay hoay trồng cỏ voi trong khi không còn phù hợp với chăn nuôi hiện đại.

Các địa phương đã thực hiện việc thống kê số lượng đàn bò nhưng không quản lý theo quy hoạch dẫn tới nông dân chăn nuôi theo sở thích và không có sự đầu tư bài bản từ con giống đến thị trường tiêu thụ nên chất lượng sữa thấp, DN khó thu mua.

Ông Lê Tiến Dũng - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) cho biết, sản lượng tiêu thụ sữa của công ty trên thị trường đang bị thu hẹp do không cạnh tranh được với một số đơn vị khác. Công ty vẫn có chính sách thu mua sữa cho nông dân ở các huyện Ba Vì, Gia Lâm với giá ổn định. Tuy nhiên, một số hộ do chăn nuôi chưa đúng quy trình, chất lượng sữa chưa bảo đảm - nên việc gắn kết với DN là rất khó khăn.

Ngọc Quỳnh

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang