Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 09/11/2016
Ngày cập nhật:
11/11/2016
Nhiều năm nay, Đồng Nai đã xây dựng được các vùng chăn nuôi GAHP (vùng thực hành chăn nuôi an toàn) với hàng trăm hộ chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận VietGAHP. Tuy nhiên, heo VietGAHP chủ yếu vẫn bán cho thương lái, chưa được nhận diện về sản phẩm sạch.
Heo VietGAHP vào chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững. Trong ảnh: Trại heo VietGAHP thuộc xã lộ 25, huyện Thống Nhất.
Từ đầu năm đến nay, các nhóm GAHP đã chuyển đổi thành các tổ hợp tác GAHP và thành lập hợp tác xã (HTX). Theo đó, chứng nhận VietGAHP được cấp cho tập thể với sản lượng cả ngàn con heo chứ không còn cấp riêng cho từng hộ như trước.
Cung cấp sản lượng lớn
Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 11 tổ hợp tác GAHP đăng ký được cấp chứng nhận VietGAHP. Kết quả kiểm tra, đánh giá có 10 tổ hợp tác GAHP với tổng đàn gần 14 ngàn heo thịt của huyện Thống Nhất đã được cấp chứng nhận VietGAHP. Việc cấp chứng nhận VietGAHP cho tập thể chứ không phải cho từng hộ nhỏ lẻ như trước đã gỡ cái khó về mặt quy mô, sản lượng heo an toàn cung cấp ra thị trường. Ông Nguyễn Văn Chiêu, Giám đốc HTX chăn nuôi và môi trường Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), cho biết: “HTX đã liên kết được 3 tổ hợp tác VietGAHP với 67 xã viên tham gia. Trung bình mỗi tháng chúng tôi có thể xuất ra thị trường từ 2.000 - 2.500 con heo thịt chứng nhận VietGAHP. Chúng tôi đủ tư cách pháp nhân để xuất hóa đơn đỏ, chịu trách nhiệm về chất lượng và truy xuất được nguồn gốc của mỗi con heo cung cấp ra thị trường”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Lifsap Đồng Nai (dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm), nhận xét trước đây chứng nhận VietGAP được cấp cho từng hộ chăn nuôi nên sản lượng mỗi đợt heo cung cấp ra thị trường chỉ đôi ba chục con/hộ. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho thương lái, doanh nghiệp vì phải đi thu gom heo từ nhiều hộ chăn nuôi mới đủ sản lượng hàng cho một chuyến xe vận chuyển đi tiêu thụ, dẫn đến khó khăn trong khâu quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khi các tổ hợp tác được thành lập và chứng nhận VietGAHP được cấp cho tập thể, tổ hợp tác là đầu mối cung cấp heo sạch với sản lượng lớn, đã tạo thuận lợi không nhỏ trong khâu tổ chức tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc heo sạch. “Với việc liên kết trong khâu sản xuất giữa các hộ nông dân; chuẩn hóa từ nguồn giống, nguồn thức ăn, quy trình chăn nuôi... chúng ta sẽ có được sản phẩm sạch với sản lượng lớn, đồng bộ về kích cỡ, chất lượng đáp ứng yêu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ. Chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ để thêm nhiều các tổ hợp tác GAHP được cấp chứng nhận VietGAHP. Kế hoạch trong năm 2016, toàn tỉnh có 23 nhóm, tổ hợp tác GAHP sẽ được cấp chứng nhận” - bà Hoài nói.
Thu hút doanh nghiệp tham gia
Sản phẩm heo VietGAHP của Đồng Nai đã thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm. Cụ thể, Công ty TNHH Rosy (TP.Hồ Chí Minh) đã tiêu thụ 100 tấn heo hơi VietGAHP và hiện trung bình mỗi tháng vẫn đang thu mua khoảng 20 tấn heo hơi của Đồng Nai. Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan, TP.Hồ Chí Minh) đã tổ chức thu mua cả ngàn con heo VietGAHP tại các trang trại và hộ chăn nuôi của Đồng Nai. Tuy nhiên, hiện Vissan chỉ thu mua heo VietGAHP trực tiếp từ một số trang trại có quy mô lớn và đang tạm dừng thu mua heo của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Đồng Nai. Nguyên nhân vì việc kiểm soát và tổ chức thu mua tại các hộ nhỏ lẻ phải qua các khâu trung gian, khó kiểm soát về chất lượng.
Tham gia hội nghị trao giấy chứng nhận VietGAHP cho các tổ hợp tác chăn nuôi GAHP tại huyện Thống Nhất ngày 28-10, đại diện của Vissan chia sẻ: “Hiện không chỉ riêng thị trường TP.Hồ Chí Minh đang lập hàng rào kiểm soát chất lượng chặt chẽ và có nhu cầu lớn về sản phẩm VietGAHP, mà người tiêu dùng Đồng Nai và các tỉnh, thành khác cũng sẽ đều yêu cầu được cung cấp thịt sạch. Nhu cầu về nguồn cung heo VietGAHP của doanh nghiệp là rất lớn và với việc các tổ hợp tác, hợp tác xã heo VietGAHP được thành lập, là đầu mối kết nối sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động thu mua”.
Ông Đào Văn Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Anh Hoàng Thy (TP.Biên Hòa), cho biết: “100% sản phẩm của doanh nghiệp được cung cấp vào siêu thị với những tiêu chuẩn khá ngặt nghèo nên đơn vị chưa thu mua nguồn heo VietGAHP tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ của Đồng Nai. Tuy nhiên, với việc liên kết hình thành các tổ hợp tác, HTX heo VietGAHP cung cấp sản lượng lớn sẽ tạo nhiều thuận lợi để sản phẩm vào được các hệ thống siêu thị. Với đầu ra hiện có, chúng tôi có đủ khả năng bao tiêu toàn bộ sản phẩm heo VietGAHP của Đồng Nai. Chúng tôi sẽ làm việc với các tổ hợp tác, HTX heo VietGAHP để cung cấp rõ các tiêu chuẩn thu mua của doanh nghiệp”.
Toàn tỉnh hiện có 3 vùng chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn GAHP, có 64 nhóm hoặc tổ hợp tác GAHP với trên 1.200 hộ tham gia.
Bình Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.