Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 19/11/2016
Ngày cập nhật:
21/11/2016
Dự án Chăn nuôi trâu sinh sản đã giúp gia đình ông Lý Văn Quý, xóm Kim Long 2, xã Bình Sơn tạo thêm sinh kế để thoát nghèo bền vững.
Năm 2014, Hội Nông dân xã Bình Sơn (T.P Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai Dự án Chăn nuôi trâu sinh sản tới các hộ gia đình trong xã. Sau hơn 2 năm thực hiện, Dự án đã đem lại hiệu quả tích cực, giúp nhiều hộ dân có điều kiện mở rộng chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
Ông Đỗ Quang Chiêu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Sơn cho biết: Với đặc thù là địa hình đồi núi, Bình Sơn có nhiều bãi chăn thả rộng, nguồn cỏ dồi dào rất thuận lợi cho cho đàn trâu phát triển. Cùng với đó, chăn nuôi trâu cũng là nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân trong xã. Tuy nhiên, do phương thức chăn nuôi trong các hộ dân chủ yếu theo tập quán thả rông, ít quan tâm đến kỹ thuật chăn nuôi dẫn đến năng suất chăn nuôi trâu thấp, khả năng cạnh tranh kém, ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận. Thêm vào đó, để đầu tư nuôi trâu cần khá nhiều vốn vì giá trâu giống luôn ở mức khá cao, một con trâu sinh sản nặng 1 tạ giá khoảng 25-30 triệu đồng.
Để khắc phục những hạn chế trên, tháng 6 năm 2014, Hội Nông dân xã Bình Sơn đã xây dựng Dự án Chăn nuôi trâu sinh sản nhằm giúp các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh để đầu tư, phát triển chăn nuôi trâu. Từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung. Triển khai Dự án, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã đã đến từng chi hội để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, tiến hành lựa chọn những mô hình điểm, tập trung vào vùng có địa hình, địa thế thuận lợi, ưu tiên những hộ điều kiện chăn nuôi tham gia vào Dự án. Theo đó, 14 hộ dân của 3 xóm: Lát Đá, Kim Long 2, Khe Lim đã được lựa chọn. Các hộ được vay tổng số 400 triệu đồng (từ 25-30 triệu đồng/hộ) với lãi suất 0,7% /tháng trong vòng 3 năm từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh. Trước khi thực hiện Dự án, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Phòng Kinh tế T.P Sông Công tổ chức tập huấn cho các hộ gia đình kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, cách chọn giống, phối giống, phòng bệnh cho trâu; kỹ thuật trồng và chế biến một số loại cỏ làm thức ăn cho trâu.
Gia đình ông Lý Văn Quý, xóm Kim Long 2, xã Bình Sơn là một trong những hộ đầu tiên đăng ký tham gia Dự án. Ông Quý cho biết: “Trước đó, gia đình tôi mới thoát nghèo chưa được bao lâu, đang cần vốn làm ăn để thoát nghèo bền vững. Được vay vốn 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 1 con nghé cái về nuôi. Nhờ tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi của Dự án, đến nay, gia đình tôi đã thu về 20 triệu đồng từ việc bán 1 con trâu và lãi 1 con nghé ngay sau đó. Cứ đà này, gia đình không chỉ hoàn trả vốn vay đúng thời hạn mà còn có của ăn, của để”. Cũng nhờ có vốn đầu tư nuôi trâu sinh sản, gia đình ông Lê Văn Quy, ở cùng xóm đã không còn phải lo sức kéo và chi phí đầu tư phân bón trong sản xuất nông nghiệp như trước nữa. “Nếu như trước kia gia đình tôi phải thuê cày với giá 400 nghìn đồng/sào ruộng/vụ và tốn hàng triệu đồng mua phân bón vô cơ mỗi vụ, thì từ khi có trâu tôi không còn phải lo vấn đề này nữa. Cùng với đó, việc đầu tư nuôi trâu sinh sản thuận lợi và cho thu lãi hơn so với việc chăn nuôi lợn, gà. Ngoài tiền giống, chăn nuôi trâu hầu như không tốn kém thêm chi phí nào khác vì thức ăn của chúng đơn giản là cỏ, thân, lá ngô, hoặc cho ăn thêm sắn có sẵn trong gia đình”.
Theo đánh giá của Hội Nông dân xã, các hộ đã cho thu lời ít nhất là 1 con nghé và có khả năng hoàn vốn đúng thời hạn. Hiện, tổng đàn trâu của các hộ nằm trong Dự án khoảng trên 40 con, chưa kể số trâu đã bán đi đã cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Chất lượng đàn trâu tốt do được tư vấn chọn giống và hỗ trợ chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh thường xuyên. Để tạo lợi thế, tăng thêm thu nhập cho nông dân, góp phần hạn chế tình trạng tư thương ép giá, Hội Nông dân xã còn chủ động liên hệ, tiếp cận với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín để giúp các hộ vay vốn, mua giống, thuốc phòng bệnh cho trâu và tư vấn thời điểm, cơ sở thu mua trâu thịt với giá cao nhất. Các hộ cũng thống nhất họp mặt 3 tháng 1 lần để phản ánh tình hình phát triển đàn trâu, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phương pháp chăm sóc, phòng bệnh và thị trường tiêu thụ trâu.
Nói về hiệu quả của Dự án này, ông Đỗ Quang Chiêu chia sẻ thêm: “Dự án Chăn nuôi trâu sinh sản ở xã Bình Sơn đã cho hiệu quả rõ rệt. Đàn trâu sinh trưởng phát triển tốt, giá bán trâu ổn định giúp nông yên tâm đầu tư. Tất cả các hộ tham gia dự án đều chăn nuôi hiệu quả, kinh tế gia đình từng bước ổn định, vươn lên khá giả”.
Huy Toản
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.