Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 22/11/2016
Ngày cập nhật:
23/11/2016
So với chăn nuôi trên nền xi măng, mô hình chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học tiết kiệm các chi phí điện, nước, công lao động, tiết kiệm thức ăn, giảm thuốc thú y, heo tăng trọng nhanh. Phần đệm lót sau khi đã qua sử dụng có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng…
Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi đang là vấn đề khó khăn và phức tạp, đặc biệt là ở các trang trại chăn nuôi và hộ chăn nuôi gần khu dân cư. Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư vừa thực hiện mô hình “Chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học” tại xã Hòa Minh, Tuy Phong, Bình Thuận với quy mô 32 con thuộc 4 hộ tham gia. Mục đích chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo thịt theo hướng an toàn sinh học, gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường. Qua đó, giúp nông dân giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các hộ nuôi gồm ông Phan Uống, Huỳnh Văn Quý, Nguyễn Thị Xuân Viễn và Ung Tấn Thành đều ở thôn Hội Tâm, xã Hòa Minh. Trong 4 tháng (từ tháng 5 đến tháng 9/2016) tham gia mô hình, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí về giống, 30% kinh phí về vật tư chính gồm thức ăn, vắc xin, thuốc thú y, hóa chất khử trùng và 50% đệm lót sinh học Balasa N01. Sau khi chọn hộ, trung tâm tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học, kỹ thuật làm chuồng trại, cách chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng, biện pháp phòng trừ bệnh trên heo theo hướng an toàn sinh học và sử dụng chế phẩm Balasa N01 làm đệm lót sinh học chăn nuôi heo cho các hộ tham gia thực hiện mô hình và các hộ cộng đồng. Qua hơn 3 tháng theo dõi mô hình, các hộ đã áp dụng theo quy trình kỹ thuật chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, kết hợp sử dụng chế phẩm Balasa N01 là đệm lót sinh học.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, đàn heo sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng ban đầu bình quân 24kg/con, sau 2 tháng nuôi trọng lượng bình quân 70kg/kg, tỷ lệ nuôi sống 100%. Dự kiến xuất chuồng sau 3,5 tháng nuôi, trọng lượng heo xuất bán đạt bình quân 115 kg/con, tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng bình quân 2,5 kg. So với chăn nuôi trên nền xi măng, mô hình tiết kiệm các chi phí điện, nước công lao động trong việc tắm, dọn chuồng, tiết kiệm thức ăn, giảm thuốc thú y, heo tăng trọng nhanh. Phần đệm lót sau khi đã qua sử dụng có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, chi phí chung thấp hơn nên hiệu quả đạt cao hơn.
Thông qua mô hình đã chuyển giao cho các hộ chăn nuôi và cộng đồng những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, kết hợp sử dụng chế phẩm Balasa N01 làm đệm lót sinh học, giúp nông dân phát triển chăn nuôi heo một cách hiệu quả và bền vững. Mô hình đã mở ra hướng phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, tạo cơ hội việc làm, nhất là đối với những hộ chăn nuôi trong khu vực dân cư, chăn nuôi gia trại, nông hộ; từng bước phát triển chăn nuôi heo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã xây dựng nông thôn mới. Điểm nổi bật lớn nhất mà mô hình đem lại là hiệu quả về môi trường.
“Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh khuyến cáo nông dân nên chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học. Trước khi giết thịt phải đảm bảo đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc, tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nên sử dụng chế phẩm Balasa N01 làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo…”
Chế phẩm Balasa N01 là một trong những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận và được bà con chăn nuôi gà, heo sử dụng. Đệm lót sinh học Balasa N01 nuôi heo là lớp đệm dày khoảng 60 cm. Nguyên liệu chủ yếu để làm đệm lót sinh học là trấu và mùn cưa nên người dân dễ tìm, kỹ thuật làm đệm lót vi sinh đơn giản, người dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng được, phù hợp ở quy mô nông hộ và trang trại. Đệm lót có tác dụng phân hủy chất thải trong chăn nuôi nên có thể cải tạo chuồng nuôi không có mùi hôi. Đặc biệt, các vi sinh vật có lợi trong đệm lót luôn hoạt động và sinh nhiệt đã phần nào ức chế và tiêu diệt các vi khuẩn có hại, đồng thời giữ ấm cho vật nuôi.
Kiều Hằng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.