Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 25/11/2016
Ngày cập nhật:
27/11/2016
Từ phát triển chăn nuôi tự phát, số lượng đàn ít, quy mô nhỏ lẻ, tính chuyên sâu không cao; đến nay, trên địa bàn huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã hình thành được nhiều trang trại cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tiến tới sản xuất theo hướng hàng hóa và vùng sản xuất tập trung.
Hiệu quả liên kết chăn nuôi
Liên kết sản xuất giữa nông dân và các nhà (khoa học, quản lý, doanh nghiệp) không những tạo ra sản phẩm chất lượng mà còn gắn với nhu cầu thị trường. Vì vậy, nhiều hộ nông dân Lâm Hà đã tiến hành liên kết chăn nuôi gia súc, gia cầm với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P) mang lại nhiều tín hiệu lạc quan.
Bà Cao Bích Thủy (thôn Buôn Chuối, xã Mê Linh) - một trong những nông dân đầu tiên tại địa phương tham gia kí kết hợp đồng chăn nuôi gia công cho Công ty C.P cho biết: Đầu năm 2008, bà quyết định phá bỏ 5 ha đất cà phê để đầu tư trang trại chăn nuôi. Để tranh thủ vốn, giống và công nghệ chăn nuôi, bà Thủy đã liên doanh với Công ty C.P để nuôi gia công với quy mô 700 con heo theo mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín. Với ưu thế diện tích đất trang trại rộng rãi, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc nên hiệu quả kinh doanh của trang trại ngày một tăng cao. Một năm sau bà Thủy mở thêm 1 trang trại quy mô 1.000 con heo và đến nay, bà đã có 5 trang trại quy mô 3.000 con heo.
Theo bà Thủy, hình thức liên kết của Công ty C.P thuận tiện, sau khi khảo sát chuồng trại xong, phía công ty sẽ đầu tư heo con, thức ăn và toàn bộ vacxin tiêm phòng cho đàn heo. Người nuôi chỉ bỏ thời gian chăm sóc, vệ sinh chuồng trại theo quy trình dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Công ty C.P. Đến kỳ xuất chuồng, khi heo đạt trọng lượng từ 100 kg trở lên thì công ty sẽ thanh toán chi phí gia công theo hợp đồng đã kí kết, với mức giá dao động từ 2.500 - 3.000 đồng/kg. Nhờ đó, lợi nhuận từ việc nuôi heo liên kết với công ty khá cao và đây là năm thứ 8 gia đình bà hợp đồng nuôi heo gia công với Công ty C.P.
Để theo đuổi ước mơ làm giàu, ông Trương Mạnh Hữu (50 tuổi, thôn Buôn Chuối, xã Mê Linh) đầu tư hàng tỷ đồng vào xây dựng chuồng trại, để chăn nuôi gà đẻ. Trang trại chăn nuôi gà đẻ của ông Hữu là cơ sở đầu tiên ở Lâm Hà liên kết với Công ty C.P. Đến nay, trại gà của gia đình ông Hữu có quy mô 11.000 con gà đẻ trứng và 6.000 con gà hậu bị bắt đầu cho trứng vào thời điểm này, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 3 triệu quả trứng. Theo cán bộ xã Mê Linh, hiện toàn xã có 10 trang trại liên kết sản xuất với doanh nghiệp, trong đó, 2 trang trại gà, 8 trang trại heo đều mang lại hiệu quả kinh tế.
Nhiều chính sách khuyến khích
Qua thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện, trên địa bàn huyện Lâm Hà có 108 trang trại chăn nuôi, gồm 95 trang trại nuôi heo và 13 trang trại nuôi gà. Trong số trang trại trên có 67 trang trại nuôi heo và 12 trang trại nuôi gà gia công cho doanh nghiệp. Số trang trại heo, gà còn lại do các hộ tự đầu tư sản xuất. Đáng chú ý, hiện có 22 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh tế trang trại (KTTT).
Bình quân mỗi trang trại có tổng vốn đầu tư từ 300-400 triệu đồng, đặc biệt có trang trại có vốn đầu tư ban đầu lớn trên 5 tỷ đồng, giá trị sản xuất 250-300 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên và lao động thời vụ.
Ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh cho biết: “Hằng năm, các chủ trang trại đều được tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của trang trại, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất”.
Còn ông Vũ Bá Yêu - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà cho hay: Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay khi nhu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm, cũng như điều kiện môi trường trong chăn nuôi ngày càng đòi hỏi cao. Nhằm tạo “đòn bẩy” để phát huy tiềm năng lợi thế, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, huyện Lâm Hà đang có nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Qua đó, tạo mọi điều kiện để các trang trại, gia trại được hưởng lợi từ chính sách về đất đai, hỗ trợ làm đường giao thông, điện, đặc biệt là vốn vay đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng con giống, vật nuôi đến tìm đầu ra tiêu thụ ổn định và gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân làm hồ sơ, thủ tục đăng ký chứng nhận trang trại, vay vốn, tập huấn kỹ thuật quy trình chăm sóc và biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm... Qua rà soát, hiện toàn huyện có 86 trang trại đăng ký vay vốn với nhu cầu trên 50 tỷ đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để Lâm Hà khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo cơ hội và môi trường tốt để người nông dân sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa, thích nghi với tư duy sản xuất công nghiệp, góp phần phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn tại địa phương.
HOÀNG YÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.