Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 24/11/2016
Ngày cập nhật:
1/12/2016
Là nơi có địa hình đồi núi đá cao, mấy năm gần đây phong trào nuôi dê trên núi ở xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn khá phát triển, trong đó phải kể đến hộ ông Đinh Như Đặng 63 tuổi, ở thôn Choóc Vẻn. Nhờ kiên trì, chịu khó đến nay mô hình mà ông Đặng theo đuổi đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Đinh Như Đặng với đàn dê núi của mình.
Lên núi ở cùng đàn dê
Để tìm hiểu về mô hình nuôi dê trên núi đá của gia đình, chúng tôi đã được anh Đinh Văn Hiệp, con trai thứ của ông Đặng dẫn đi. Chỉ tay về phía dãy núi cao anh Hiệp nói “Toàn bộ dê của gia đình đều nuôi trên đó". Chúng tôi leo núi với đoạn đường hơn hơn cây số nhưng khá hiểm trở với nhiều hố sâu, mỏm đá tai mèo sắc nhọn. Quan sát 2 bên đường đi chúng tôi còn thấy khoảng 5 đến 6 chuồng dê của người dân trong vùng dựng ở đấy, những chiếc lán khá tạm bợ được quây bằng thân tre, nền ván, mái phủ bạt.
Khu vực nuôi dê của ông Đặng, đó là một khe núi đá khá rộng được bao bọc bởi 2 ngọn núi lớn, nơi đây thoáng mát lại gần với nguồn nước nên tiện lợi cho việc chăn nuôi. Chuồng trại đủ sức chứa cả trăm con dê, cách đó không xa là chiếc lán ở để ông ăn ngủ tại chỗ trông coi đàn dê của mình. Nở nụ cười mến khách ông Đặng mời chúng tôi vào lán, cởi mở trò chuyện về hành trình nuôi dê của mình. Ông cho biết: “Nghề nuôi dê đã theo gia đình hàng chục năm nay, ngày trước cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nguồn thu nhập thì hạn hẹp, làm mọi thứ cũng chỉ đủ ăn. Nuôi dê đã giúp cho cuộc sống gia đình khấm khá hơn”.
Khi chưa bén duyên với nghề nuôi dê, trước đây ông Đặng cũng từng nuôi lợn gà nhưng vì thiếu kỹ thuật, giá cả bấp bênh nên hiệu quả không cao. Sau đó ông lại chuyển sang chăn nuôi trâu bò nhưng theo ông Đặng nuôi trâu bò mất khá nhiều thời gian, phải vài năm sau mới được bán nên cũng đành thôi. Nhiều lần suy nghĩ, cuối cùng ông Đặng đã quyết định nuôi dê, bởi theo ông nuôi dê có nhiều ưu điểm là vốn đầu tư ít, rủi ro thấp, nhanh được bán, lại phù hợp với điểu kiện, thời tiết địa phương.
Đã quyết là làm, năm 2003 ông đầu tư 4 triệu đồng mua 4 con dê cái, 1 con dê đực, tìm một khu vực chăn thả để nuôi. Tuy nhiên do đặc tính của loài dê thích leo trèo trên núi đá, không ưa vùng thấp nên chúng không chịu ở. Vậy là ông Đặng lại phải di chuyển đàn lên núi, tại đây ông làm chuồng, dựng lán trại ăn ở tại đó để tiện chăn nuôi.
Thu nhập đều đặn từ đàn dê
Từ chỗ số lượng lúc đầu chỉ có 5 con, đàn dê của ông sau hơn 10 năm đã phát triển lên đến trăm con, hiện tại chuồng của ông luôn duy trì ở mức 50 con. Về thu nhập bình quân mỗi năm ông thu về 30 triệu đồng, có năm đạt 80 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ đàn dê nên ông Đặng đã có tiền trang trải được nhiều việc gia đình. Đầu ra của con dê núi rất thuận lợi, vì thịt dê núi ngon, chắc nên các chủ buôn thường lui tới đây tìm mua, các hộ dân cũng không mất nhiều công sức đi bán.
Dãy chuồng dê của ông Đặng.
Để đi tới thành công việc nuôi dê trên núi như hôm nay cũng cả quá trình không dễ. Trước hết là đòi hỏi sự kiên trì, bởi hàng ngày ông Đặng phải nằm lại ở lán trong rừng, buồn tẻ, lạnh lẽo, ban ngày có đàn dê làm bạn nhưng màn đêm buông xuống quanh đây chỉ nghe thấy tiếng chim muông, giun dế. Nhiều lúc ông cũng đấu tranh tư tưởng là có nên bỏ nghề nuôi dê trên núi để về gần gia đình hay cứ bám trụ ở trong rừng sâu heo hút.
Sau một vài năm bám trụ, làm quen với điều kiện sống trên núi cuối cùng ông cũng thích nghi với công việc, một tháng ông mới xuống núi đôi lần, gia đình luôn thay phiên nhau đem nguồn thức ăn lên cho ông. Ông Đặng cho rằng “Đã xác định chăn nuôi thì mình phải luôn thường trực ở đó để theo dõi sức khỏe con vật, nhất là khi dê bị ốm đau hay có biểu hiện lạ còn xử lý kịp thời”.
Theo ông Đặng nuôi dê không tốn kém hay mất nhiều công chăm sóc, nguồn thức ăn lại có sẵn trong tự nhiên vì thế dư thời gian là ông lại trồng thêm rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn. Để thuận lợi việc sinh hoạt và chăn nuôi,ông còn kéo đường điện dài hơn 1 cây số vào đến khu lán. Có điện ông mua chiếc ti vi nhỏ làm bạn, mua máy nổ để bơm nước sạch cho dê uống. Trong chiếc lán nhỏ đơn sơ đã có đầy đủ các thiết bị từ ti vi, đài cát sét, các vật dụng sinh hoạt cá nhân. Thi thoảng lại có người lên thăm mô hình nuôi dê của ông nhưng chủ yếu là họ hỏi về kỹ thuật chăn nuôi, với kinh nghiệm lâu năm ông Đặng không ngại chia sẻ những kiến thức mà ông tích lũy được.
Hơn chục năm gắn bó với nghề nuôi dê ông cũng gặp không ít rủi ro, nhất là vào thời điểm giao mùa dê hay bị ốm với các bệnh phổ biến đau bụng, sốt, lở mồm long móng… Vì vậy ông Đặng rất chú ý tới việc chăm sóc, hàng ngày đàn dê đều được uống nước sạch, chuồng trại luôn đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp mùa đông.
Mô hình chăn nuôi dê trên núi của ông Đặng là một minh chứng cho thấy sự kiên trì, quyết tâm của người nông dân trước khó khăn, thử thách. Với lòng quyết tâm cao, họ đã tận dụng tốt mọi điều kiện tự nhiên sẵn có để phát triển sản xuất, mang lại thu nhập cho chính mình, góp phần làm giàu quê hương./.
Thu Trang
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.