Nguồn tin: Người Lao Động, 31/01/2016
Ngày cập nhật:
2/2/2016
Sau một thời gian thất bại, nghề nuôi dông thịt ở Bình Thuận hồi sinh trên vùng đất hoang hóa, giúp người ít vốn có cơ hội thoát nghèo
Cách đây khoảng 3 năm, do phát triển ồ ạt, thiếu định hướng lại chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường, sản phẩm bán ra không được khiến hàng trăm hộ nuôi dông (còn gọi là kỳ nhông) lấy thịt ở tỉnh Bình Thuận trắng tay. Thế nhưng, gần đây, nhờ sự tăng cường xúc tiến thương mại của địa phương đã giúp nghề nuôi loài bò sát này dần hồi sinh.
“Cháy” hàng
Nghề nuôi dông ở Bình Thuận chủ yếu tập trung ở những vùng đất cát tự nhiên ven biển thuộc các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và ngoại ô TP Phan Thiết. Khác với cảnh đìu hiu cách đây 3 năm, nghề nuôi dông ở Bình Thuận đang rất nhộn nhịp, hàng không đủ cung cấp cho thương lái, nhà hàng, khách sạn trong cả nước.
Ông Mai Văn Minh (xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết) cho biết vài tháng qua, thương lái đến từng hộ tìm mua dông thịt không hạn chế số lượng với giá 330.000 - 350.000 đồng/kg. Gia đình ông đang nuôi 4.000 con dông trên 3 sào đất hoang hóa. Với giá dông hiện tại, mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về từ 7 - 8 triệu đồng.
Hộ ông Lê Văn Vui (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) cũng khấm khá hơn nhiều từ nghề nuôi dông. Cách đây vài năm, khi giá dông thịt tụt dốc, hơn 8.000m2 đất nuôi dông của gia đình ông đành bỏ hoang. Hơn một năm qua, khi thấy nghề nuôi dông có dấu hiệu hồi phục, lão nông này đã mạnh dạn đầu tư nuôi lại. “Tôi mới thu hoạch được 900kg dông, bán được 350.000 đồng/kg, lãi được hơn 100 triệu đồng” - ông Vui phấn khởi.
Là thương lái chuyên thu mua dông cung cấp cho các đầu mối ở TP HCM và khu vực Đông Nam Bộ, chị Nguyễn Thị Loan, ngụ TP Phan Thiết, cho biết: “Hiện rất nhiều nhà hàng, khu resort, khách sạn từ cao cấp tới bình dân đang chuộng thịt con dông. Tôi được nhiều nơi đặt hàng với số lượng lớn, vượt khả năng cung cấp của người nuôi ở Bình Thuận”.
Nghề nuôi dông hồi sinh sẽ là cơ hội cho những nông dân trên vùng đất hoang hóa thoát nghèo. Trong ảnh: Ông Mai Văn Minh với lứa dông chuẩn bị thu hoạch
Giải thích về việc loài bò sát nuôi lấy thịt này bất ngờ “gây sốt”, nhiều cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho rằng trước đây, nghề nuôi dông thất bại là do địa phương chưa làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Gần đây, từ khi làm tốt công tác này, cộng với việc các ngành đẩy mạnh liên kết với các tỉnh bạn để đưa thịt dông đến người tiêu dùng dễ dàng hơn, đầu ra của đặc sản này mới thông suốt. Tuy nhiên, để ổn định, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân không nên phát triển ồ ạt nghề nuôi dông thịt, chỉ đầu tư vừa phải, chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh bị mất giá, ế hàng như đã từng xảy ra.
Thu lợi trên vùng đất hoang hóa
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có hơn 5.700 hộ nuôi dông trên diện tích gần 100 ha, chủ yếu là tận dụng đất cồn, bãi cát khô cằn. Do vậy, sở này nhận định nghề nuôi dông thịt ổn định sẽ là cơ hội phát triển cho những vùng đất hoang hóa, khô cằn của địa phương. Bên cạnh đó, con dông rất dễ nuôi, ít bệnh tật, vốn đầu tư thấp nên thích hợp cho những hộ khó khăn, giúp họ thoát nghèo. Loài bò sát này chỉ ăn rau, cỏ, trái cây… trong khi phế thải từ nông nghiệp, đặc biệt là trái thanh long ở Bình Thuận lại rất nhiều.
Tuy nhiên, hiện nay do nhận thức hạn chế, thiếu vốn sản xuất nên nghề nuôi dông thịt ở Bình Thuận vẫn mang tính tự phát, chạy theo thời vụ là chính. Để khắc phục, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để nâng cao nhận thức cho người nuôi, gắn doanh nghiệp, cơ sở du lịch trong tỉnh với hộ chăn nuôi nhằm bao tiêu sản phẩm, bảo đảm quyền lợi cho nông dân.
Nghề nuôi dông hiện là một trong những thế mạnh của tỉnh Bình Thuận nhưng để phát triển bền vững, tỉnh cần xác định lại đặc thù của từng địa phương, từng bước quy hoạch cụ thể, tận dụng tốt thế mạnh từng địa bàn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng.
Minh Hải
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.