Nguồn tin: Báo Phú Yên, 30/11/2016
Ngày cập nhật:
2/12/2016
Nông dân xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) nuôi bò - Ảnh: LÊ TRÂM
Đợt lũ đầu tháng 11 vừa qua, nước dâng cao khiến hàng ngàn nọc rơm dự trữ làm thức ăn cho bò bị ngập ướt. Sau lũ, nhiều diện tích trồng cỏ tây lai, cỏ voi bị bồi lấp nên nguồn thức ăn cho bò khan hiếm. Trong khi đó, giá bò thịt lại giảm mạnh nên người nuôi bò gặp khó sau lũ.
Bò thiếu thức ăn
Ông Nguyễn Văn Hùng ở xóm Y, thôn Định Trung 2, xã An Định (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), than thở: Nhà tôi có 4 con bò nên tôi dự trữ 2 nọc rơm làm thức ăn cho chúng. Đợt lũ lụt vừa qua, 2 nọc rơm bị ngập nên mục nát. Gần 1 tháng nay hai vợ chồng túc trực “chạy” thức ăn cho bò. Lúc thì lên vùng 11, xã An Nghiệp cắt cỏ bờ, cỏ bụi trong sắn mía, lúc thì ra ruộng mót lúa chét gánh về cho bò ăn. Tuy nhiên, gần 1 tuần nay ruộng cày ải, nên lúa chét cũng không còn.
Còn bà Trần Thị Hoa ở thôn Phú Mỹ, xã An Dân (huyện Tuy An) cho biết: Tôi trồng 1 sào cỏ voi cạnh bờ sông Ngân Sơn (phần hạ lưu của sông Kỳ Lộ), đợt lũ vừa qua nước ngập 2 ngày, nước rút cỏ chết rục. Mấy hôm nay tôi ra ruộng đang trồng lúa vụ mùa trước nhà cắt cỏ nhưng không nhiều.
Không chỉ ở xã An Dân mà theo bờ sông Kỳ Lộ từ xã An Định rồi lên xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc và thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), nhiều diện tích cỏ trồng ven sông bị bồi lấp, xói mòn, không chỉ cạn nguồn thức ăn cho bò mà nguồn cỏ trồng cũng khan hiếm. Ông Bùi Văn Xuân ở thôn Tân Long (xã Xuân Sơn Nam) đang cuốc đất trồng cỏ, cho hay: Sau lũ, cỏ trồng chết sạch. Tôi phải đi lên tận xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) xin cỏ gốc về trồng, lứa đầu mới bén rễ.
Tại huyện Phú Hòa, sau mưa lũ, người dân không chỉ gặp khó khăn do cỏ trồng dọc bờ sông Ba, bị ngập nước mà giá bò còn hạ thấp, khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Ông Lê Đức Đồng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), rầu rĩ: Tôi trồng cỏ dọc bờ sông Ba và bị cát bồi lấp, giờ không có cỏ cho bò ăn. Gần tháng nay tôi phải cắt lá tre, lá duối và nấu cháo cho bò ăn thêm.
Đối với huyện Tây Hòa, nhiều diện tích cỏ trồng dọc bờ sông Ba đoạn qua xã Hòa Phú, Hòa Phong đến xã Hòa Bình 1; cỏ trồng ở các soi đất dọc sông Bánh Lái tại các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây cũng bị ngập và chết. Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, sau lũ, cỏ trồng dọc theo bờ sông suối bị bồi lấp, bào mòn. Để bù lại nguồn thức ăn bị thiếu hụt, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân tận dụng lá mía, lá bắp làm thức ăn cho bò; chú trọng phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh để đảm bảo sức khỏe đàn bò.
Bò thịt hạ giá
Hiện nay, giá bò thịt lại giảm khiến người nuôi bò gặp khó. Bà Trần Thị Chín ở xã Xuân Sơn Bắc, cho biết: Mưa lũ, rơm rạ ngâm nước mục nát, đám cỏ ngoài soi chết sạch, tôi kêu bán con bò cái và con nghé đã 1 năm tuổi vậy mà người buôn bò chỉ trả giá 25 triệu đồng. Trước đây, con bò và nghé này nằm giá “bèo” cũng được 40 triệu đồng.
Giá bò thịt giảm, nhiều người vay tiền đầu tư nuôi bò càng lao đao hơn. Ông Nguyễn Kim ở xã Xuân Quang 3, chia sẻ: Tôi vay 20 triệu đồng về mua con bò đực giống, nuôi 2 năm kêu bán, thương lái chỉ trả 25 triệu đồng. Tiền lãi nuôi bò không đủ tiền trả lãi ngân hàng, còn công cắt cỏ cho bò 2 năm coi như không có. Bây giờ nuôi bò thật vất vả, giá bò hạ, nguy cơ thua lỗ rất cao.
Còn ông Lê Đức Đồng cho biết: Con bò đực của gia đình ông cao 1,5m, vừa rồi có người đến hỏi mua chỉ 15 triệu đồng, trong khi trước đây đã có người ra giá gần 30 triệu đồng. Nếu bây giờ mà bán thì lỗ gần một nửa, nên tôi ráng nuôi để chờ giá bò lên lại.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, đàn bò của huyện hiện có 19.500 con, trong đó bò lai 13.596 con. Theo TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, sau lũ, diện tích chăn thả bị thu hẹp, nguồn thức ăn khan hiếm, sở khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, cho gia súc ăn thêm cám công nghiệp. Trong thời gian đến, người nuôi bò cần chú trọng về bò lai sind thay dần giống bò cỏ, tăng tỉ trọng đàn nuôi mang lại thu nhập cao.
MẠNH LÊ TRÂM
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.