Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 09/12/2016
Ngày cập nhật:
12/12/2016
Năm 2012, Đồng Nai có 1 doanh nghiệp (DN) đầu tiên nhập khẩu bò Úc nguyên con với quy mô chuồng trại chỉ vài ngàn con. Song, hiện nay Đồng Nai đã thu hút hơn 10 DN tham gia nhập khẩu bò Úc nguyên con với sản lượng tăng gấp hàng chục lần và DN đầu tư vào lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục tăng.
Trang trại bò Úc của Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Đồng Phát (huyện Cẩm Mỹ).
Thịt bò Úc hiện đang chiếm lĩnh thị trường với hoạt động kinh doanh ngày càng sôi nổi từ các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm đến chợ truyền thống và cả trên các trang mạng bán hàng online. Do có nguồn hàng dồi dào và áp lực cạnh tranh về thị trường nên nhiều DN nhập khẩu bò Úc cam kết giữ ổn định giá cho mặt hàng này khi tham gia thị trường Tết Nguyên đán 2017.
Nguồn hàng dồi dào
Theo các DN nhập khẩu bò Úc nguyên con, Đồng Nai là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư trang trại nuôi vỗ béo và phân phối bò Úc nguyên con, như: có cảng thuận tiện cho việc nhập khẩu, có nhiều tuyến đường cao tốc cho việc chuyên chở hàng bằng đường bộ, có vị trí địa lý tiếp giáp các thị trường tiêu thụ lớn, nguồn thức ăn chăn nuôi dồi dào... Nhiều DN đầu tư trong lĩnh vực này cũng không ngừng mở rộng quy mô hoạt động. Cụ thể, Công ty TNHH Trung Đồng từ trang trại nuôi bò Úc đầu tiên tại TP.Biên Hòa, nay đã đầu tư thêm trang trại bò thịt tại Hà Nội để cung cấp cho thị trường phía Bắc và trang trại cung cấp bò giống tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Công Ty TNHH một thành viên Sơn Thủy Hà (tỉnh Long An) từ đầu tư 1 trang trại nuôi bò Úc với quy mô hơn 2 ngàn con, thì nay mở thêm trang trại mới tại huyện Cẩm Mỹ với quy mô tổng đàn cả 2 trang trại trên 7 ngàn con...
Huyện Cẩm Mỹ là địa phương đi đầu về phát triển đàn bò Úc và đang triển khai cánh đồng lớn cho cây bắp để phục vụ việc vỗ béo giống bò ngoại này. Theo Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ, hiện toàn huyện có 3 trang trại nuôi bò Úc với quy mô khoảng 15 ngàn con. Ngoài ra, có 2 trang trại đang trong giai đoạn đăng ký thành lập.
Ông Chu Hữu Hùng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Đồng Phát (huyện Cẩm Mỹ), cho biết: “Trang trại bò Úc của chúng tôi có quy mô khoảng 8 ngàn con bò. Khu chuồng trại được đầu tư theo công nghệ hiện đại, ứng dụng máy móc tự động từ khâu cho ăn đến dọn vệ sinh. Thị trường cung cấp chính của trang trại là các tỉnh phía Nam. Chúng tôi cũng có trang trại chăn nuôi lớn ở Hà Nội để phân phối cho các tỉnh phía Bắc. Phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2017, nguồn hàng rất dồi dào vì khi có nhu cầu là DN tăng lượng bò nhập khẩu và chúng tôi cũng sẽ giữ ổn định giá thị trường”.
Nội địa hóa bò ngoại
Tuy nhập khẩu bò đã trưởng thành về vỗ béo rồi đưa đi tiêu thụ, nhưng không ít DN vẫn đầu tư trang trại quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hóa và hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh. Theo Hợp tác xã Đông Tây (xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ), hiện trung bình mỗi ngày đơn vị cung cấp khoảng 80 tấn bắp cây đã qua sơ chế làm thức ăn chăn nuôi cho các trang trại nuôi bò Úc tại địa phương. Hợp tác xã đang xây dựng dự án cánh đồng lớn cho cây bắp, đã thu hút trên 300 hộ nông dân đăng ký tham gia với diện tích trồng bắp là 270 hécta. Đây cũng là hướng phát triển của nhiều DN trong lĩnh vực chế biến thức ăn đại gia súc hiện nay để đáp ứng nhu cầu nội địa hóa đàn bò ngoại của người chăn nuôi, như: nuôi giống bò ngoại theo hướng công nghiệp, nuôi nhốt, cho ăn thức ăn công thức để tăng sức cạnh tranh cho bò nội.
Ông Bùi Văn Duẩn, nông dân nuôi bò tại huyện Xuân Lộc, chia sẻ: “Tôi quyết định mua con giống bò Úc về nuôi thay thế cho giống bò nội địa vì thấy thị trường đang chuộng sản phẩm này. Tuy là giống ngoại nhưng bò Úc thích nghi khá tốt với khí hậu Việt Nam, trọng lượng tăng nhanh hơn hẳn so với giống bò nội nên cho lợi nhuận tốt hơn”.
Phong trào mua giống bò Úc về nuôi đang phát triển rất mạnh nên lĩnh vực kinh doanh, sản xuất giống bò ngoại cung cấp cho thị trường nội địa ngày càng thu hút đông DN đầu tư. Ông Nguyễn Cao Trí, Phó giám đốc Công ty cổ phần con giống Vinacattle (TP.Hồ Chí Minh, DN đầu tư trang trại cung cấp giống bò Úc tại huyện Trảng Bom), nhận xét: “Nuôi bò Úc tại chỗ có lợi thế cạnh tranh về giá hơn hẳn so với việc nhập khẩu con bò Úc thương phẩm. Chính vì vậy, không chỉ các chủ trang trại lớn mới chuyển hướng nuôi giống bò ngoại, mà nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng bắt đầu ngoại hóa đàn bò nội. Theo đó, vài năm trở lại đây ngày càng nhiều DN tham gia nhập khẩu, sản xuất con giống bò Úc. Giá con giống bò ngoại ngày càng hạ “nhiệt” chứ không còn cao ngất ngưởng như giai đoạn đầu”.
Bình Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.