Nguồn tin: Báo Đồng Tháp, 15/12/2016
Ngày cập nhật:
16/12/2016
Được đánh giá là ngành hàng có độ rủi ro cao, song bằng việc thay đổi tư duy trong sản xuất, người nuôi vịt đang dần “thay đổi cục diện”. Từ bị động về thị trường tiêu thụ, giải pháp cùng nhau liên kết và thay đổi cách làm đang giúp người nuôi vịt chủ động ở khâu tiêu thụ.
Mô hình chăn nuôi vịt theo quy trình VietGAHP tại Tổ hợp tác chăn nuôi vịt Tháp Mười
Khoảng cuối năm 2014, việc thay đổi cơ cấu mùa vụ và giá trứng vịt rớt thảm khiến cho ngành hàng thế mạnh của Đồng Tháp đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đứng trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đưa ra nhiều giải pháp, trong đó xây dựng mô hình chuỗi liên kết, chăn nuôi theo phương thức an toàn sinh học là các giải pháp hữu hiệu nhận được sự đồng tình cao của người nông dân.
Năm 2016 được xem là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành hàng vịt. Được sự hỗ trợ và định hướng của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), một số nông dân tâm huyết với nghề nuôi vịt đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất. Từ chỗ cho vịt chạy đồng rong rủi khắp nơi, vịt được chăn nuôi theo phương thức nằm rọ tại chỗ. Người nuôi vịt từ chỗ làm ăn riêng lẻ đã chủ động liên kết với nhau trong tổ hợp tác (THT). Từ đây, một chuỗi sản xuất mới hoạt động theo mô hình kép kín được hình thành, các THT chăn nuôi vịt lần lượt được ra đời và từng bước đi vào hoạt động ổn định như: THT chăn nuôi vịt Tháp Mười, THT chăn nuôi vịt xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, THT chăn nuôi vịt Hải Dương, huyện Tam Nông.
Ông Lê Ngọc Mới - Tổ trưởng THT chăn nuôi vịt Tháp Mười chia sẻ: “Là THT đi tiên phong trong thực hiện mô hình liên kết nên ít nhiều vẫn còn những khó khăn và hạn chế. Thời gian đầu do chưa có được sự đồng thuận giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp nên việc thực hiện chuỗi liên kết không được suôn sẻ. Tuy nhiên, sau thời gian đúc kết kinh nghiệm và sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, nhất là Chi cục CN&TY, những điểm nghẽn được tháo gỡ kịp thời. Hiện nay, THT đang xây dựng chuỗi chăn nuôi vịt khép kín theo quy trình VietGAHP, chúng tôi đang chờ thẩm định từ ngành chuyên môn. Với mô hình nuôi vịt rọ và thực hiện mô hình liên kết chuỗi, người chăn nuôi đã giải quyết được nhiều bài toán khó trong chuỗi sản xuất của mình. Đây là mô hình hiệu quả, phù hợp với xu hướng chăn nuôi hiện đại”.
Ngoài hiệu quả trong việc giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất thành công của ngành hàng vịt chính là được sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Đây là nền tảng giúp cho ngành hàng này sớm định hình và có những điều tiết phù hợp hơn trong quá trình phát triển ở những giai đoạn tới.
Là một trong những doanh nghiệp song hành cùng sự phát triển của ngành hàng vịt trong thời gian qua, Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Thành Đạt (TP.Hồ Chí Minh) - ông Trương Chí Thiện cho rằng, mô hình nuôi vịt rọ hiện nay của nông dân Đồng Tháp là một giải pháp phù hợp với chiến lược phát triển của công ty. Mô hình này từng bước giúp giải quyết được các vấn đề về kiểm soát dư lượng kháng sinh, chất cấm cũng như dịch bệnh trong chăn nuôi. Đây là nền tảng để sản phẩm đầu ra an toàn, giúp doanh nghiệp phân phối được ở các phân khúc thị trường cao cấp như hệ thống siêu thị. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp có thể tiêu thụ khoảng 500 ngàn – 1 triệu trứng vịt ở kênh siêu thị trong nước. Ngoài cung cấp sản phẩm trứng tươi truyền thống cho các siêu thị, công ty còn phát triển các dòng sản phẩm tiện ích khác từ trứng vịt như: trứng vịt ăn liền, trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo. Đây cũng là những dòng sản phẩm mà công ty định hướng cho xuất khẩu trong thời gian tới.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song việc chuyển đổi từ một phương thức sản xuất cũ sang một mô hình sản xuất mới sẽ có nhiều vấn đề khó khăn mà ngành nông nghiệp cần có giải pháp phát triển dài hơi hơn cho ngành hàng đặc thù này. Theo Chi cục CN&TY, mô hình nuôi vịt rọ khá phù hợp với xu hướng chăn nuôi hiện đại, song đối với những hộ chăn nuôi không có đất sản xuất, không có điều kiện kinh tế thì việc chuyển đổi vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khi chuyển sang phương thức nuôi rọ tập trung sẽ tác động rất nhiều đến môi trường. Do đó, buộc người chăn nuôi phải có giải pháp đánh giá tác động môi trường, xây dựng đề án bảo vệ môi trường. Đây chính là những khó khăn mà không phải người chăn nuôi nào cũng có điều kiện để thực hiện.
Cho biết về định hướng phát triển của ngành hàng vịt, ông Nguyễn Thành Hưởng - Chi cục Phó Chi cục CN&TY tỉnh Đồng Tháp nhận định: “Hiện tại, mô hình chuỗi liên kết đang phát huy được hiệu quả và tạo sức hút với người chăn nuôi vịt. Trong năm 2017, bên cạnh hỗ trợ xây dựng cơ sở chăn nuôi vịt hướng trứng, hướng thịt theo quy trình an toàn sinh học (chuồng sàn) tại các THT, thì Chi cục CN&TY cũng đang nghiên cứu xây dựng mô hình vịt nuôi nhốt - chạy đồng có kiểm soát tại các cánh đồng mẫu lớn, hướng đến hình thành chuỗi 2 lúa 1 vịt để nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển bền vững. Ngoài ra, ngành cũng đang xây dựng kế hoạch tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị tỉnh ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, THT, hợp tác xã, tạo “bước đệm” để người dân mạnh dạn chuyển sang hình thức kinh tế hợp tác, liên kết đầu tư - sản xuất - tiêu thụ đối với ngành hàng vịt.
Mỹ Lý
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.