Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 15/12/2016
Ngày cập nhật:
16/12/2016
Những năm gần đây, hoạt động gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) của các hộ dân trên địa bàn Quảng Trị đang phát triển mạnh nhằm phát triển sinh kế, đồng thời gián tiếp bảo tồn các loài ĐVHD và giảm sức ép lên rừng tự nhiên.
Hộ gia đình anh Văn Thành, ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú (Hải Lăng) đầu tư xây dựng khu trang trại gây nuôi ĐVHD trên diện tích hơn 13.500 m2 từ năm 2014 đến nay. Với với 9 loài vật nuôi như rắn ráo trâu, rắn hổ mang, rắn sọc dưa, kỳ đà vân, rùa đất, rùa nước vàng…hiện tại trang trại của anh có hơn 3.400 cá thể động vật quý hiếm và khoảng hơn 600 cá thể động vật nhóm thông thường, có quy mô lớn nhất trong số các trang trại nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh.
Loài don được gây nuôi thành công trên địa bàn tỉnh- Ảnh: CHI CỤC KIỂM LÂM cung cấp
Anh Thành cho biết giống vật nuôi được mua từ các trang trại gây nuôi trong tỉnh và trong nước. Trong quá trình gây nuôi, trang trại của anh Thành đã chấp hành đầy đủ các quy định của nhà nước, khi xuất nhập ĐVHD đều có lập thủ tục theo đúng quy trình, có sự kiểm tra xác nhận của các cấp có thẩm quyền. Với thị trường đầu ra ổn định, giá thành các loại động vật quý hiếm tương đối cao, mô hình nuôi ĐVHD bước đầu khẳng định hiệu quả kinh tế mang lại cho các hộ dân.
Tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh có 6 trại nuôi và 27 cơ sở nuôi ĐVHD, với tổng số loài đang được nuôi là hơn 6.200 cá thể, trong đó số loài quý hiếm chiếm gần 5.000 cá thể. Nhiều hộ nuôi khác có quy mô tương đối lớn như hộ ông Nguyễn Hữu Diên, xã Triệu Đông (Triệu Phong); Nguyễn Phi Lực, xã Cam Thành (Cam Lộ)… với quy mô gần cả ngàn cá thể, trong đó phần lớn là động vật quý hiếm. Ngoài việc mua giống từ các cơ sở khác về nuôi, các hộ nuôi đã thực hiện gây nuôi thành công một số loài như rắn ráo thường, hươu sao, lợn rừng, rùa đất sepon, don, cầy vòi mốc, cầy vòi hương, nhím đuôi ngắn. Hoạt động gây nuôi ĐVHD đã đem đến nguồn thu nhập tương đối ổn định cho một bộ phận nông dân chịu khó tìm tòi và đổi mới các hình thức kinh doanh, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực săn bắt các loài ĐVHD trái phép từ rừng tự nhiên. Mặt khác, hoạt động gây nuôi ĐVHD là một quyết định cần thiết đối với sự phát triển của xã hội khi mà nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động vật rừng ngày càng cao, trong khi đó lại không có nguồn cung cấp hợp pháp, dẫn đến nạn săn bắt động vật rừng trái phép vẫn luôn diễn ra.
Trong những năm qua, các chủ trại nuôi và cơ sở nuôi đều chấp hành tốt các quy định của nhà nước về nuôi nhốt ĐVHD. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, các Hạt kiểm lâm và kiểm lâm địa bàn luôn tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các trại, cơ sở nuôi, thường xuyên hướng dẫn các trại, cơ sở gây nuôi ĐVHD đăng ký cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận gây nuôi ĐVHD thông thường, quý hiếm theo quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc kiểm tra, kiểm soát tình hình mua bán, kinh doanh, săn bắt, nuôi nhốt trái phép ĐVHD trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi, thực tế hiện nay hoạt động gây nuôi ĐVHD vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là các hoạt động gây nuôi chỉ mang tính tự phát, quy mô các trại nuôi rất nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch đồng bộ từ địa phương và sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp. Sản phẩm từ ĐVHD chỉ được tiêu thụ nội bộ, chưa thực sự trở thành hàng hóa đã làm cho hình thức gây nuôi này thiếu ổn định và bền vững.Việc phân biệt giữa sản phẩm ĐVHD được gây nuôi hợp pháp từ các trại gây nuôi và các sản phẩm động vật rừng bị săn bắt trái phép từ tự nhiên hết sức khó khăn nên khi tiêu thụ trên thị trường dễ bị lợi dụng. Chưa có tài liệu hướng dẫn về quy trình kỹ thuật gây nuôi, chăm sóc cho từng loài động vật hoang dã, tiêu chuẩn làm chuồng trại hỗ trợ các chủ nuôi. Ngoài ra do thiếu các thông tin về quy trình kỹ thuật gây nuôi, phòng trừ dịch bệnh, thị trường thu mua không ổn định… nên một số loài gây nuôi không mang lại hiệu quả kinh tế cao như mong đợi.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của hoạt động gây nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng liên quan cần phối hợp với chính quyền có các giải pháp quy hoạch lâu dài về các khu vực được gây nuôi ĐVHD trên địa bàn nhằm phát triển hơn nữa khả năng bảo tồn loài, cùng với hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. Huy động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân cho các nghiên cứu khoa học về các hoạt động gây nuôi và bảo tồn ĐVHD, sớm ban hành bộ tài liệu quy trình kỹ thuật gây nuôi, chăm sóc ĐVHD, các tiêu chuẩn xây dựng chuồng trại… làm căn cứ cho việc quản lý công tác gây nuôi ĐVHD trên địa bàn.
THANH TRÚC
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.