Nguồn tin: Báo Long An, 20/12/2016
Ngày cập nhật:
21/12/2016
Sau khi mô hình chăn nuôi bò được thành lập, người dân 2 ấp Nguyễn Sơn và Nguyễn Bảo, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An có việc làm thường xuyên, góp phần tăng thu nhập, cải thiện mức sống, nhất là hạn chế được tệ nạn xã hội.
Anh Lê Thanh Sơn, ở ấp Nguyễn Bảo bên đàn bò
Trước đây, đời sống của người dân 2 ấp Nguyễn Sơn và Nguyễn Bảo chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Sau khi kết thúc vụ mùa, người dân thường không có việc làm, thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt và sa vào các tệ nạn xã hội. Để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, năm 2015, địa phương thành lập mô hình chăn nuôi bò với 15 thành viên tham gia. Đa số các thành viên là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi tham gia mô hình, mỗi thành viên được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh, thời gian hoàn vốn là sau 3 năm.
Sau khi nhận được nguồn vốn vay, các thành viên đầu tư mua 28 con bò với tổng số tiền 700 triệu đồng. Anh Lê Thanh Sơn, ở ấp Nguyễn Bảo cho biết: “Sau khi được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng, gia đình tôi mua 1 con bò con với giá 19 triệu đồng. Thấy mô hình chăn nuôi bò tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên nên tôi mạnh dạn mua thêm 4 con bò nuôi để nái. Ngoài chăn nuôi bò, gia đình tôi còn đầu tư nuôi 8 con dê, trong đó có 3 con dê nái, trị giá mỗi con 13 triệu đồng; 5 con dê thịt, mỗi con trị giá 3 triệu đồng”.
Gia đình ông Huỳnh Văn Quốc, ở ấp Nguyễn Bảo trước đây là hộ nghèo của xã, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê nên thu nhập rất bấp bênh, nhất là sau khi vụ mùa kết thúc. Trong khi đó, vợ ông thường xuyên đau ốm. Biết được hoàn cảnh gia đình ông Quốc, Hội Nông dân xã hỗ trợ ông 20 triệu đồng nuôi bò và 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội nhằm tạo điều kiện phát triển đàn bò. Từ số tiền đó, ông Quốc đầu tư nuôi 1 con bò nái. Sau đó, bò nái sinh được 2 con bò con. Bên cạnh đó, ông Quốc còn nuôi thêm dê. Hiện nay, gia đình ông có 3 con bò, 9 con dê thịt. Ông Quốc cho biết: “Hiện tại, gia đình tôi thoát nghèo. Dự kiến đầu năm 2017, tôi bán bò thịt để trả vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội”.
Qua 1 năm thực hiện, đàn bò của 2 ấp tăng lên 37 con, trong đó có 28 con bò nái, mỗi con trị giá trên 30 triệu đồng; 9 bò con, mỗi con trị giá trên 5 triệu đồng. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hòa Lập - Lê Phước Thanh cho biết: “Bình quân 1 năm, mỗi hộ có thêm thu nhập gần 30 triệu đồng (chưa tính lợi nhuận từ chăn nuôi dê). Từ những hiệu quả trên, Hội Nông dân xã tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sang những ấp còn lại. Để nhân rộng mô hình này, Hội Nông dân xã hy vọng được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhất là Hội Nông dân huyện và tỉnh trong việc hỗ trợ nguồn vốn vay. Thời gian tới, hội phối hợp các ngành liên quan mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong việc chăm sóc đàn bò và dê trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay”./.
Kim Ngọc
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.