Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 03/01/2016
Ngày cập nhật:
5/1/2016
Sau 5 năm thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực chăn nuôi đã có những bước phát triển vững chắc hơn nhờ sự đột phá ở khâu giống và cả quy trình, quy mô sản xuất.
Gia đình anh Chu Sỹ Nam ở thôn 3, xã Quảng Tân (Tuy Đức, Đắk Nông) đã duy trì việc nuôi bò thịt từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, trước đây, thu nhập của gia đình từ nuôi bò không cao vì bò vàng địa phương có trọng lượng nhỏ, nuôi chậm lớn. Từ 3 năm nay, khi anh chuyển sang nuôi bò lai thì thu nhập của gia đình từ đàn bò không ngừng tăng lên, đạt trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Gia đình anh Chu Sỹ Nam ở thôn 3, xã Quảng Tân (Tuy Đức) có thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi bò lai
Theo anh Nam thì bò lai có những đặc điểm nổi trội hơn so với giống bò vàng địa phương như tăng trọng nhanh, kháng bệnh tốt, thức ăn cũng đơn giản. Sau thời gian nuôi từ 6 - 8 tháng, bê lai đạt trọng lượng 80 - 100kg, bằng giống bò vàng địa phương nuôi 1 năm tuổi. Qua 2 năm, bò lai có trọng lượng trung bình 260kg đối với con cái và 350kg đối với con đực, tăng 30% so với giống bò vàng địa phương.
Về hiệu quả kinh tế, bình quân mỗi con bò lai có giá bán cao hơn bò vàng địa phương từ 5 - 7 triệu đồng, tăng 35% giá trị. Cụ thể, bê lai sau 6 tháng nuôi có giá bán 6 - 8 triệu đồng/con, cao hơn bê vàng 2 - 5 triệu đồng/con; bò lai thịt có giá bán cao hơn bò vàng 4 - 5 triệu đồng. Gia đình anh Nam là một trong hàng ngàn hộ dân ở Tuy Đức đang thực hiện việc cải tạo đàn bò của địa phương bằng giống bò lai.
Theo ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức thì hiện nay, việc phát triển chăn nuôi bò lai Brahman đang dần trở thành phong trào đại trà của nông dân trong toàn huyện. Đàn bò toàn huyện đã đạt mức gần 2.000 con, trong đó phần lớn là bò lai. Huyện cũng đang tích cực vận động nhân dân phát triển chăn nuôi bò thành vùng tập trung quy mô lớn tại 2 xã Đắk R’tíh và Quảng Trực nhằm khai thác lợi thế về đồng cỏ tự nhiên.
Chăn nuôi bò lai cũng đang đem lại thu nhập cao cho người dân ở huyện Chư Jút. Theo ông Trần Văn Diêu, Phó Chủ tịch UBND huyện thì hiện nay, chăn nuôi bò lai đã phát triển thành phong trào rộng khắp của nông dân tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Đến nay, đàn bò của huyện có khoảng 4.500 con đã được lai giống.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc nông dân góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bởi sản phẩm thịt của bò lai có chất lượng cao hơn, trọng lượng cũng nặng hơn nên thu nhập bà con tăng lên, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo.
Không chỉ đối với giống, việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng đã có những bước phát triển mới về quy trình cũng quy mô. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô hàng ngàn con.
Chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại đang được nhiều hộ dân ở huyện Chư Jút áp dụng
Một trường hợp cụ thể như hộ anh Nguyễn Ngọc Hậu ở thôn 6, xã Ðắk N’Drót (Đắk Mil) đã mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng trang trại chăn nuôi heo khép kín với đàn heo thịt và heo nái lên đến 1.000 con. Hàng năm, trừ các chi phí đầu tư, gia đình anh thu về trên 800 triệu đồng tiền lãi.
Theo anh Hậu thì chăn nuôi theo quy trình khép kín tuy đầu tư ban đầu lớn nhưng có nhiều cái lợi. Trước hết là về an toàn dịch bệnh đối với đàn heo được bảo đảm do được vệ sinh, tiệt trùng chuồng trại sạch sẽ, tiêm các loại vắc xin đầy đủ. Thêm vào đó, đàn heo tăng trưởng nhanh do có chế độ ăn, uống, chăm sóc khoa học. Hơn thế, chăn nuôi khép kín còn bảo vệ môi trường do chất thải được thu gom và xử lý đúng cách.
Ông Hồ Gấm cho biết: “Những năm qua, chăn nuôi đang dần khẳng định là lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Điều này đi đúng với định hướng của tỉnh trong việc tăng giá trị sản xuất chăn nuôi trong thu nhập hàng năm của toàn ngành nông nghiệp. Để phát huy kết quả này, trong những năm tới, ngành sẽ đẩy mạnh các giải pháp để chăn nuôi phát triển bền vững gắn với việc bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường đất, nước”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện nay toàn tỉnh có đàn trâu trên 7.700 con; đàn bò: 25.600 con; đàn heo: gần 147.000 con và đàn gia cầm: 1.127.000 con. Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 2 trang trại chăn nuôi heo với quy mô lớn là Công ty Green Farm nuôi heo nái với quy mô khoảng 14.000 con/năm và Trang trại heo Đồng Tiến ở huyện Đắk R’lấp với quy mô gần 700 con.
Hồng Thoan
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.