Nguồn tin: Báo Phú Yên, 04/01/2016
Ngày cập nhật:
5/1/2016
Nông dân xã An Hiệp đầu tư phát triển đàn bò lai - Ảnh: T.TIÊN
Với mục tiêu phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả, thời gian qua, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã không ngừng đầu tư nâng chất lượng đàn vật nuôi, phát triển mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Nâng chất con giống
Theo Phòng NN-PTNT huyện, thời gian qua, huyện Tuy An xác định chăn nuôi là một trong những mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương nên đã chú trọng triển khai nhiều mô hình, dự án nhằm đưa kỹ thuật khoa học vào chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, địa phương tập trung phát triển các giống vật nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao như bò lai Brahman, Lymuosine, Red Angus, BBB; heo hướng nạc; vịt siêu trứng và gà ta lai…
Ông Huỳnh Thúc Tiến ở xã An Hiệp, cho hay: Từ năm 2012, sau khi được tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn cách nuôi bò lai sinh sản do Phòng NN-PTNT huyện tổ chức, gia đình tôi đã bán hết đàn bò cỏ, đầu tư thêm kinh phí để làm chuồng trại, trồng cỏ và mua 3 con bò giống lai về nuôi. Đến nay, gia đình tôi đã gầy dựng được đàn bò giống lên đến 9 con, tất cả đều là giống bò lai Lymuosine. Để chủ động trong việc cung cấp thức ăn thô xanh cho đàn bò, gia đình tôi còn chuyển đổi 1 sào ruộng kém hiệu quả sang trồng cỏ, đồng thời tích trữ rơm rạ để làm thức ăn bổ sung. Nhờ vậy, hàng năm, gia đình tôi có được nguồn thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi bò lai.
Ngoài phát triển đàn bò lai, hiện Tuy An cũng đầu tư mạnh nghề chăn nuôi heo hướng nạc. Hiện trên địa bàn huyện có 3 trang trại chăn nuôi heo theo hướng bán công nghiệp với quy mô từ 650 - 1.300 con/trại; 16 gia trại với quy mô trên 100 con/trại và nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bà Hồ Thị Lệ ở xã An Định, cho biết: Hiện trại nuôi của gia đình tôi đang duy trì đàn với số lượng 120 con heo thịt giống Landrace. Đây là giống heo siêu nạc cấp xác nhận, được nuôi theo hình thức bán công nghiệp, thực hiện đầy đủ các quy định về tiêm phòng, xử lý chất thải… nhờ vậy dịch bệnh được kiểm soát tốt, hạn chế rủi ro, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Ông Trần Sáu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Để đẩy mạnh việc lai tạo giống vật nuôi, thời gian qua, địa phương còn chú trọng phát triển đội ngũ dẫn tinh viên. Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn đều có dẫn tinh viên có tay nghề, đáp ứng nhu cầu lai tạo, phối giống cho người chăn nuôi trên địa bàn.
Hướng đến chăn nuôi bền vững
Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, huyện Tuy An đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; trong đó, các khâu vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, tiêm phòng dịch bệnh… được quan tâm. Theo ông Lê Văn Nam, cán bộ phụ trách chăn nuôi Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, hiện hầu hết các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn đều áp dụng mô hình xử lý chất thải bằng hầm biogas, một số ít đang chuyển sang mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học. Nhờ vậy, phần lớn chất thải trong chăn nuôi được xử lý khoa học và hiệu quả, hạn chế việc xả thải bừa bãi, tránh tác động xấu đến môi trường.
Được hỗ trợ kinh phí từ dự án Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam, do Cục Chăn nuôi, thuộc Bộ NN-PTNT và Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện, gia đình ông Nguyễn Văn Đẫu ở xã An Chấn đã xây được một hầm biogas giúp giải quyết lượng chất thải của đàn heo 20 con của gia đình. Ông Đẫu cho biết: Từ khi được Nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ, gia đình tôi xây hầm biogas để xử lý phân và nước thải nuôi heo. Điều này không những giúp giải quyết mùi hôi mà chúng tôi còn có nguồn khí gas phục vụ nấu nướng, tiết kiệm được nhiều chi phí. Định kỳ hàng tuần, tôi còn chủ động phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh phát sinh.
Bên cạnh chú trọng xử lý chất thải, hiện người chăn nuôi cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tiêm phòng vắc xin ngừa dịch bệnh theo quy định. Ông Tống Văn Đường, Trưởng Trạm Thú y huyện Tuy An, cho hay: Trong năm 2015, đơn vị đã phối hợp cùng Phòng NN-PTNT và các địa phương thực hiện các kế hoạch tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tiêu độc, sát trùng môi trường. Theo đó, có khoảng 31.000 con trâu, bò được tiêm vắc xin lở mồm long móng; 9.000 con bò được tiêm vắc xin tụ huyết trùng; hơn 7.000 con heo được tiên vắc xin ghép gồm tụ huyết trùng, phó thương hàn và dịch tả; hơn 90.000 con gia cầm được tiêm vắc xin H5N1… Đồng thời, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức phun tiêu độc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi với 1.200 lít thuốc sát trùng Becokid/2 đợt, góp phần hạn chế đáng kể mầm bệnh lưu cữu, phát sinh trong không khí. Ngoài ra, để đảm bảo việc chăn nuôi an toàn sinh học, trạm còn tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển, chấn chỉnh công tác vệ sinh khu giết mổ gia súc… đảm bảo cung ứng nguồn thực phẩm an toàn ra thị trường.
Nhờ đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, quy mô chăn nuôi của huyện Tuy An ngày càng phát triển. Đến nay, địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh với 34.500 con, trong đó bò lai chiếm 74% tổng đàn. Đàn heo có hơn 17.500 con, với các giống heo siêu nạc như Landrace, Yorshire và Du Pi. Đàn gia cầm 297.000 con, chủ yếu là giống vịt siêu trứng và gà ta lai. (Trưởng Trạm Thú y huyện Tuy An Tống Văn Đường)
THỦY TIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.