• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắt tay nuôi heo

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 03/01/2016
Ngày cập nhật: 6/1/2016

Ba người đàn ông ở tỉnh Quảng Nam bắt tay thành lập tổ hợp tác (THT) chăn nuôi với số lượng hơn 1.000 con heo.

Tổ trưởng THT chăn nuôi gia súc Đỗ Quang Diên Khánh chăm sóc heo

Mặc dù “tuổi đời” chưa lớn, nhưng mỗi năm THT đạt doanh thu gần 3 tỷ đồng.

Đó là anh Đỗ Quang Diên Khánh, Đoàn Ngọc Phước và anh Hà Văn Tín, chung tay lập THT Chăn nuôi gia súc Kiên Dũng, thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh.

Khẳng định hiệu quả

Anh Đỗ Quang Diên Khánh (SN 1979), Tổ trưởng THT Chăn nuôi gia súc Kiên Dũng cho hay, trong xu thế ngành chăn nuôi muốn “thuận buồm xuôi gió” thì buộc người nông dân phải liên doanh, liên kết.

Ở đó sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm để anh em học hỏi, đồng thời giúp nhau tạo đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, các anh đã mạnh dạn thành lập THT.

Bản thân anh Khánh đã sống với nghề chăn nuôi heo hơn 10 năm qua. Năm 2003, tốt nghiệp trung cấp thú y, Khánh vào Đồng Nai làm việc tại một trang trại chăn nuôi lớn.

Sau 3 năm, từ nuôi heo sinh sản đến nuôi heo thịt, “món” nào anh cũng trải qua. Có chút kinh nghiệm và đồng vốn trong tay, anh quay về quê nhà xây dựng chuồng trại nuôi heo.

Ban đầu, anh nuôi vài chục con heo nái, xuất ra thị trường. Lấy ngắn nuôi dài, anh mở thêm quy mô nuôi heo thịt. Tuy nhiên năm thắng lớn, năm thất bại đã từng xảy ra, mà nguyên nhân chính vẫn là do đầu ra và dịch bệnh.

Anh nghĩ, cứ một mình một trang trại sẽ gặp khó, do đó năm 2013, anh đứng ra xây dựng phương án và thành lập THT chăn nuôi gia súc Kiên Dũng.

Để có thêm "đồng minh", anh “lôi kéo” thêm anh Đoàn Ngọc Phước, thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh và Hà Văn Tín, thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh tham gia.

Hiện trang trại chăn nuôi của mỗi người đặt ở mỗi chỗ, quy mô nuôi 300 con heo nạc/người. Ngày ra đời THT, ba thành viên với nguồn vốn huy động 120 triệu đồng, mục đích chuyên SX con giống, lai tạo các giống gia súc, gia cầm, chăn nuôi thương phẩm, cung ứng dịch vụ chăn nuôi.

Cả ba thành viên có quy mô như nhau, cách thức chăn nuôi theo kiểu cuốn chiếu. Từ ngày vào THT, thành viên nào cũng đều có phương thức khép kín từ con giống đến lúc xuất bán. Mỗi người đều nuôi heo sinh sản, mỗi lần heo con ra đời thì nuôi lớn bán heo thịt. Do đó tiết kiệm được khoản tiền rất lớn từ con giống.

“Tổng đàn heo của ba thành viên gần 300 con. Riêng tôi được Nhà nước hỗ trợ đầu tư nuôi heo theo công nghệ Pháp, còn hai thành viên nuôi công nghệ bình thường. Mỗi năm xuất trên 1.000 con, doanh thu 3 tỷ đồng, trừ chi phí, mỗi thành viên có lãi trên trên 300 triệu đồng”, anh Khánh bộc bạch.

Anh Hà Văn Tín, thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước nuôi 100 con siêu nạc/lứa, mỗi năm anh xuất bán ra thị trường hơn 300 con.

Tôi hỏi: "Tham gia THT thuận lợi không?". Anh đáp: “Nhiều chứ, mình làm ăn đơn lẻ thiếu nhiều cái lắm, nhưng khi bắt tay thì những điểm yếu của mình được khắc phục”.

Theo anh Tín, trước đây khi chưa tham gia THT chăn nuôi, gia đình anh cũng như các thành viên trong tổ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nên không có kinh nghiệm chăm sóc và ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Do đó mỗi năm chỉ nuôi được 2 lứa, mỗi lứa nuôi từ 50 con là quá đạt rồi. Từ khi vào THT, bản thân được tham gia các lớp tập huấn, được tư vấn về con giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh, giúp cho đàn heo lớn nhanh.

Đặc biệt THT còn tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa SX và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế rủi ro. “Mỗi khi xuất bán cho những đơn vị cần chứng từ, hóa đơn mình không còn lo lắng. Còn trước đây, phải thông qua thương lái để họ lo thủ tục, giờ mình bán trực tiếp, nên có được một khoản thu nhất định”, anh Tín nói.

Hiện trang trại của anh Tín có tổng đàn hơn 100 con, trong đó có 10 con heo nái sinh sản, cứ mỗi đợt sinh ra, anh nuôi tiếp nên giảm tiền đầu tư mua heo giống.

Số heo nái được anh nhập về, chất lượng giống khá tốt. Mỗi con heo mẹ, mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 10 con. Nếu số heo con dư thừa, anh lại bán giống, thu được khoản tiền không nhỏ.

Heo con được anh Khánh kiểm tra thường xuyên

“Hiệu quả kinh tế từ THT đã mở ra hướng chăn nuôi hiệu quả cho các thành viên, từ đó có cuộc sống từng bước ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Sắp tới, THT có thêm nhiều thành viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau”, anh Tín cho hay.

Thành viên Đoàn Ngọc Phước ở thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh đánh giá, từ ngày THT thành lập, mỗi tuần mọi người gặp mặt 1 lần. Tại đây các thành viên có điều kiện thường xuyên được trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức trong SX.

“Ngoài ra việc được cung ứng vật tư, giống đầu vào cũng rẻ hơn so với khi chưa tham gia THT. Việc đưa khoa học kỹ thuật, thực hiện SX kinh doanh theo quy trình cũng mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn so với trước. Đặc biệt tham gia THT muốn vay vốn đầu tư sẽ được ưu đãi về lãi suất”, anh Phước bày tỏ.

Đi đầu công nghệ

Đến thăm trang trại của anh Đỗ Quang Diên Khánh nằm ở khu rừng Vàng, cuối thôn Vĩnh Quý có một điều tôi rất ấn tượng, là 7 khu chăn nuôi riêng biệt với diện tích trên 5.000m2.

Dẫn chúng tôi tham quan, anh Khánh chia sẻ, vừa qua được Hội đồng tỉnh Côtes d’Amor (Cộng hòa Pháp) hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi heo siêu nạc đảm bảo an toàn sinh học.

Theo cách làm của người Pháp, trên diện tích này khu heo giống nhập về riêng biệt, heo sinh sản, cai sữa, vỗ béo, đến thời kỳ xuất bán…

Nghe vậy, tôi thắc mắc: "Việc dẫn heo đến các khu mất nhiều công sức lắm!". Anh cười: "Quá dễ mà, anh nhìn xem, giữa các khu đều xây dựng đường dẫn (đường heo đi như mương bê tông) cho heo đến, heo đi rất dễ dàng. Đến lúc di chuyển, mở chuồng và lùa heo đến là được".

Theo anh Khánh, cách người Pháp chăn nuôi rất khoa học nên đảm bảo anh toàn dịch bệnh. Anh dẫn chứng, khi heo giống nhập về, sẽ được nuôi nhốt một khu tách biệt, tại đây tiêm các loại vắc xin cần thiết cho heo.

“Sau quá trình chăm sóc, theo dõi chừng 2 tháng, heo phát triển tốt, không có dịch bệnh thì lúc này mới đưa vào khu chăn nuôi.

Xây đường dẫn đưa heo đến các khu chăn nuôi rất dễ dàng

Hay heo con được sinh ra, sau khi tách mẹ sẽ nuôi một khu vực khác, con heo ở cùng độ tuổi, cách thức chăm sóc giống nhau nên rất dễ dàng.

Cứ qua các công đoạn như trên, heo được di chuyển dần từ nhỏ cho đến lúc xuất bán ra khu vực dành cho việc cân và đưa lên xe”, anh Khánh nói về quá trình chăn nuôi.

Anh Khánh cho biết, anh được người Pháp sang tận trang trại chuyển giao kỹ thuật. Họ rất cẩn thận khâu xây dựng chuồng trại như đo hướng gió, quy hoạch các khu vực chăn nuôi rất hợp lý. Sau đó vẽ bản thiết kế chuyển giao cho từng chi tiết cụ thể. Thấy phù hợp nên sau khi nắm bắt được các công nghệ, anh bố trí lại chuồng trại.

Từ tháng 5/2015, anh nhập về 30 con heo nái siêu nạc, đến nay đã sinh sản. “Mỗi năm, 1 con heo mẹ sinh ra 20 con heo con. Mình tiếp tục nuôi heo thịt. Do đó tự chủ động được từ con giống nên giảm giá thành rất lớn. Với quy mô này, mỗi năm có đến 600 con heo thịt xuất chuồng. Tính ra, nguồn thu trừ chi phí tôi còn gần 1 tỷ đồng”, anh Khánh cho hay.

Theo anh Khánh, công nghệ này còn giúp xử lý nước thải. Như trang trại của anh, xây dựng 2 hầm biogas, bao nhiêu chất thải được gom hết vào nên không ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Đinh Long Toàn, Phó phòng NN-PTNT huyện Phú Ninh cho biết: Trong những năm qua huyện Phú Ninh chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh. Huyện đã đưa nhiều mô hình vào triển khai trên địa bàn, riêng mô hình chăn nuôi công nghệ Pháp triển khai tại hộ anh Khánh bước đầu có kết quả tốt.

Phương thức chăn nuôi khép kín, cách thức chăn nuôi rất mới mẻ từ khâu dịch bệnh đến xử lý nước thải. Từ đây, huyện sẽ mở nhân rộng mô hình này.

ĐẮC THÀNH

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang