Nguồn tin: Báo An Giang, 19/02/2016
Ngày cập nhật:
20/2/2016
“Cách nay hơn 1 năm, thịt bò Úc, thịt trâu Ấn Độ, gà Mỹ, bắp cải Nhật Bản đã tràn ngập thị trường Việt Nam khiến sản phẩm trong nước khó tiêu thụ. Bây giờ, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết, sức cạnh tranh càng mạnh hơn. Nông dân (ND) cần sớm chuẩn bị để thích ứng với TPP”- ông Trần Anh Tuấn, ND phường Long Thạnh (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), chia sẻ.
Những tác động
“Tôi thấy TPP đã có tác động trực tiếp đến ND trong tỉnh rồi đó. Bằng chứng là trước Tết Nguyên đán, bò thịt địa phương được thương lái mua đưa đến các lò mổ ở Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Hậu Giang xẻ thịt, bán ra thị trường nội địa thường xuyên, liên tục. Bò lúc đó rất có giá. Sau Tết Nguyên đán, giá bò hơi trong tỉnh rớt xuống rất thấp. Nguyên nhân do thương lái không còn mua, nông dân “ôm bò” trong chuồng nuôi mà không biết đến bao giờ mới bán được” – ND Ngô Văn Đủ, xã Khánh Bình (An Phú), lo lắng.
Gia đình ông Đủ là một trong hàng chục ngàn hộ ND nuôi bò vỗ béo của tỉnh. Bò đến lứa xuất chuồng nhưng không bán được. Ông vừa nuôi bò vỗ béo, vừa làm lái bò. Trước đây, khi còn làm lái bò, bình quân mỗi tháng ông Đủ mua từ 40 - 50 con bò của nông dân trong vùng mang đi các lò ở Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Hậu Giang để giết mổ kiếm lời. Nay thì việc làm lái bò đã chấm dứt, vì các lò mổ trên không còn mua bò địa phương, hoặc có mua thì “ép giá” khiến lái bò như ông không còn lời. “Trước đây, khi mổ bò, thịt xô mình cân lại cho lò từ 180.000 – 185.000 đồng/kg, nay sụt từ 15.000 – 20.000 đồng/kg thì thử hỏi lái như tôi làm sao có lời” – ông Đủ thông tin.
Đàn bò gia đình Nguyễn Văn Châu 32 con, vẫn chưa bán được vì giá bò hơi xuống thấp. Ảnh: MINH HIỂN
Ở xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu), gia đình ông Nguyễn Văn Châu nuôi 30 con bò vỗ béo lẫn bò cái sinh sản. Do bò thịt thương lái không mua nên đã kéo theo bê con cũng khó bán. Nếu trước đây, bê con 1 năm tuổi từ 15 – 17 triệu đồng thì nay giảm còn 10 - 11 triệu đồng/con nhưng cũng ít người mua. “Mấy chục năm qua, chưa năm nào mà người nuôi bò phải chứng kiến cảnh này. Bò nuôi đến lứa xuất chuồng, kêu bán không ai mua. Doanh nghiệp cứ “vô tư” nhập bò Úc nguyên con về giết thịt thì làm sao tiêu thụ bò thịt của ND trong nước được. Nhà nước cần tính toán lại và có cơ chế giúp ND tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi mới được” – ông Châu kiến nghị.
Cạnh tranh bằng giá thành, chất lượng
“Với mỗi con bò Úc có trọng lượng 400 - 600kg, chủ lò thu lãi trung bình khoảng 10 - 15 triệu đồng. Đối với bò nuôi trong nước, trọng lượng trung bình chỉ khoảng 250 - 300 kg/con, tỷ lệ thịt sau khi giết mổ đạt 50%, trong khi bò Úc trên 60%. Vì vậy, sau khi trừ các chi phí, mức lợi nhuận của bò trong nước thấp hơn hẳn so với mua bò Úc và bò Mỹ. Đây chính là nguyên nhân khiến các lò giết mổ lớn nhập bò Úc nguyên con về giết mổ” – ông Trần Văn Thời, lái bò ở huyện Chợ Mới, thông tin.
Ngoài giá thành, bò nuôi trong nước còn bị cạnh tranh về chất lượng, thêm vào đó là tâm lý “sính ngoại”. Kể từ khi Nhà nước cho các doanh nghiệp “thoải mái” nhập bò Úc nguyên con về giết mổ thì bò trong nước bị mất giá, nông dân lao đao, ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình phát triển đàn bò mà tỉnh đã quy hoạch. “Là người tiêu dùng, tôi đành phải mua bò Úc về ăn bởi lý do vừa ngon, lại vừa rẻ. Quy trình giết mổ bò Úc không có bơm nước bẩn vào thịt, trong khi báo chí phản ánh một số lò mổ bơm nước trước khi giết mổ thì người tiêu dùng làm sao dám mua thịt bò trong nước để ăn? Đây là vấn đề mà Nhà nước cần có câu trả lời để cứu nền sản xuất trong nước” - chị Nguyễn Thị Lài, xã Phú Thạnh (Phú Tân), bày tỏ.
Tổng đàn trâu, bò của tỉnh là 116.000 con, trong đó bò hơn 112.000 con. Giá bò hơi giảm mạnh trên thị trường đã làm cho nông dân lao đao. Để tháo gỡ khó khăn này cho ND, ngoài việc Nhà nước điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô trong nhập khẩu bò nguyên con về giết mổ, ngành Nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải thiện chất lượng đàn bò để tăng trọng lượng mỗi con bò. Cần khuyến khích hình thức chăn nuôi theo quy mô trang trại để tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng và hiệu quả… Có vậy thì sản phẩm bò thịt của ND trong tỉnh mới có thể cạnh tranh được với sản phẩm các nước khi TPP có hiệu lực.
“Để hạn chế những tác động tiêu cực từ TPP đến đời sống của ND, tôi đề nghị Nhà nước cần ban hành những cơ chế, chính sách mang tính đồng bộ hơn nữa. Ở đó, tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Ví dụ như với thịt heo, ND nuôi theo quy trình VietGAP nhưng đến khi mang đi giết mổ, thương lái bơm nước bẩn vào để tăng trọng, như vậy còn gì là thịt sạch, thịt an toàn. Cái này diễn ra hàng ngày mà các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý triệt để ” – ông Nguyễn Văn Sáu, phường Núi Sam (TP. Châu Đốc), kiến nghị.
MINH HIỂN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.