Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng, 04/03/2016
Ngày cập nhật:
7/3/2016
Tỉnh Sóc Trăng có tổng đàn bò khoảng 36.000 con, trong đó 8.000 con bò hướng sữa. Mỗi ngày 1 con bò trưởng thành ăn khoảng 30kg cỏ. Trong điều kiện gia tăng chăn nuôi như hiện nay, do hạn chế đất đai nên việc tiềm thức ăn cho bò đang là vấn đề khó khăn của nhiều nông hộ. Do đó các mô hình tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn thô cho bò được Ban Quản lý dự án phát triển đàn bò sữa của tỉnh triển khai rộng rãi và được các hộ chăn nuôi hưởng ứng.
Rơm ủ phân ure giúp tăng nguồn thức ăn cho bò.
Trong chăn nuôi bò, đặc biệt là bò sữa, thức ăn thô (chủ yếu là cỏ xanh) là thành phần quan trọng trong khẩu phần ăn hằng ngày của bò. Nếu cung cấp không đầy đủ khẩu phần ăn sẽ làm giảm sản lượng sữa và ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của vật nuôi.
Trước đây, Sóc Trăng đã triển khai, khuyến khích nông dân chuyển đổi một phần đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cung cấp các giống cỏ có năng suất và dinh dưỡng cao. Tuy nhiên do hạn chế đất đai, người chăn nuôi không thể trồng đủ cỏ xanh nên thường cho bò ăn rơm. Mặt khác ngay cả khi có đủ diện tích song vào mùa khô, lượng cỏ trồng cũng không được nhiều nếu không có hệ thống tưới, trong khi đó vào mùa mưa có thể sẽ dư cỏ. Một số phụ phẩm cây trồng khác như thân bắp, ngọn mía, thân đậu phộng có thể làm thức ăn thô cho bò sữa, nhưng thời gian cung cấp không thường xuyên do yếu tố mùa vụ. Như vậy, rơm lúa là thức ăn thường xuyên có sẵn cho bò ăn nhưng giá trị dinh dưỡng thấp, nhất là hàm lượng protein. Để nâng cao giá trị dinh dưỡng của rơm, giải pháp đơn giản là ủ rơm với phân ure.
Hộ ông Danh Lợi ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú có hơn 4 công đất trồng cỏ nhưng mùa khô vẫn không đủ thức ăn cho đàn bò 7 con. Sẵn có hơn 30 công ruộng, ông thuê máy cuốn rơm sau mỗi mùa gặt, chứa trong nhà để ủ rơm với ure làm nguồn thức ăn cho bò. Rơm ủ ure được tiêu hóa nhanh và thành phần dinh dưỡng cao hơn so với rơm không ủ, nên khi bò ăn sẽ cho năng suất sữa cao hơn, giúp hộ nuôi tiết kiệm chi phí. Ông Lợi cho biết: “Do ảnh hưởng mặn nên cỏ cho bò ăn không được xanh tốt và phát triển rất chậm, làm ảnh hường đến nguồn thức ăn và lượng sữa của bò. Nhờ được cán bộ kỹ thuật chỉ cách ủ rơm với phân ure làm thức ăn cho bò tôi thấy rất tiện lợi và không sợ bị thiếu nguồn thức ăn cho bò nữa”.
Quy trình ủ rơm khá đơn giản, bà con có thể xây hố bằng gạch hoặc ủ trong các thùng phuy hoặc túi nilong. Nguyên tắc của việc ủ rơm với ure là yếm khí nên việc nén chặt, không để cho không khí lọt vào là yếu tố quan trọng.
Tỉ lệ tốt nhất để ủ rơm với ure là 4% ure so với trọng lượng của rơm, 100% lượng nước và 2% rỉ mật đường (nếu có). Như vậy thí dụ 10kg rơm tương đương 10 lit nước, 400g ure và 200g mật đường (nếu có). Dùng thùng tưới nước có pha sẵn ure đều lên rơm sau đó nén thật chặt, cứ làm hết lớp này đến lớp khác cho đến khi hết rơm. Nén để không khí thoát hết ra ngoài sau đó đậy hố ủ hoặc cột thật chặt túi ủ lại, sau 7 ngày thì lấy cho bò ăn.
Rơm ủ ure nguồn thức ăn cho bò thay thế cỏ
Rơm ủ tốt sẽ có màu vàng đậm, nóng, ẩm và có mùi amoniac. Mỗi con bò ăn khoảng 3kg rơm ủ/ngày, do đó mỗi lần lấy bà con cần tính toán lấy vừa đủ lượng rơm ra ngoài, sau đó đậy hố hoặc cột chặt túi ủ trở lại, hạn chế thấp nhất không khí bên ngoài lọt vào gây hư rơm. Ông Võ Hoàng Kha – Sở NN và PTNT, lưu ý: “Nhược điểm của rơm ủ ure là có mùi rất nồng, đôi khi bò không quen ăn, để khắc phục tình trạng này thì phải tập cho bò ăn từ từ bằng cách rơm phải lấy ra từ buổi sáng và để cho bay mùi hôi rồi chiều hãy cho bò ăn. Bước đầu khẩu phần bổ sung thức ăn cho bò từ rơm ủ khoảng 1kg/con/buổi. Kế tiếp trộn rơm ủ đều với cỏ. Trường hợp bò không ăn rơm ủ ure thì bà con dùng rỉ mật pha với nước tỉ lệ 1/3 và tưới đều lên rơm đã ủ, lấy một ít cám gạo rang để kích thức mùi cho bò và tỉ lệ rỉ mật và cám phải bớt dần cho đến khi bò đã quen mùi rơm ủ thì ngưng không cần phải pha trộn nữa”.
Hiện nay một số nông hộ đã được hướng dẫn phương pháp ủ chua, để tích trữ các loại cỏ còn tươi không sử dụng hết, hoặc các loại phụ phẩm cây trồng vào mùa thu hoạch để cho bò ăn từ từ. Ngoài tác dụng này, thức ăn ủ chua còn giúp bò tiêu hóa tốt thức ăn trong dạ cỏ, giúp bò sữa cho năng suất cao hơn. Các mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp này được nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh quan tâm học hỏi kỹ thuật và làm theo, vừa giúp giải quyết được các vấn đề liên quan đến môi trường, góp phần giúp nhà nông thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Ngọc Khuê
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.