Nguồn tin: Báo Đồng Tháp, 09/03/2016
Ngày cập nhật:
10/3/2016
Từ những thách thức mới trong sản xuất và thị trường, một số nông dân đã mạnh dạn chọn cách làm mới. Điều đáng trân trọng là họ đã biết “ngồi lại” và cùng nhau vượt qua khó khăn.
Chăn nuôi bán công nghiệp, hướng đi triển vọng cho ngành hàng vịt
“Trong cái khó ló cái khôn”
Đôi khi, khó khăn lại là động lực thúc đẩy khả năng tư duy sáng tạo, giúp nông dân có thể mạnh dạn chuyển đổi sang những cách làm mới. Với nghề nuôi vịt hiện nay, bên cạnh phương thức chăn nuôi truyền thống, một số nông dân bắt đầu chuyển đổi sang hình thức “nuôi rọ” hay còn gọi là hình thức thả nuôi bán công nghiệp. Thay vì từ trước đến giờ, người nuôi vịt cứ phải đưa đàn vịt rong ruổi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác thì bây giờ đàn vịt được chăn thả cố định tại chỗ. Trước đây, thức ăn chủ yếu của đàn vịt là cua, ốc và lúa còn vương vãi trên đồng thì bây giờ nguồn dinh dưỡng chính của đàn vịt là thức ăn công nghiệp. Nuôi vịt theo phương thức nằm rọ có nhiều ưu điểm hơn và được nông dân đánh giá cao.
Ông Phạm Cao Sơn ngụ xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười phân tích: “So với hình thức nuôi chạy đồng thì nuôi vịt nằm rọ thuận tiện hơn nhiều. Do được kiểm soát tốt về dinh dưỡng cũng như dịch bệnh nên tỷ lệ hao hụt rất thấp, vịt đẻ trứng sai, kích cỡ trứng cũng đồng đều hơn so với chạy đồng. Tuy nhiên, không phải hộ chăn nuôi nào cũng có điều kiện để nuôi rọ dễ dàng, bởi hình thức chăn nuôi này đòi hỏi người nuôi phải có vốn đầu tư cao. Nếu giá trứng vịt thị trường ổn định thì đây là hướng đi có nhiều triển vọng. Ngược lại, giá trứng lên xuống bấp bênh thì người nuôi sẽ lỗ rất nặng”.
Cùng nhau vượt khó
Nhận thấy tiềm năng, triển vọng cũng như những thách thức mới trong nghề nuôi vịt chạy đồng hiện nay, một số nông dân ở huyện Tháp Mười đã hình thành ý tưởng liên kết lại thành một tổ chức để san sẻ, cùng nhau vượt qua khó khăn.
Từ ý tưởng đó và được sự động viên của các ngành chức năng địa phương, ngày 9/12/2015, Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt đầu tiên của huyện Tháp Mười ra đời, với 13 thành viên. Hiện THT đã kết nối được với Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May trong việc cung cấp thức ăn đầu vào với mức giá ưu đãi như đại lý cấp I. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm cũng như tiến tới “mần ăn” lớn với các doanh nghiệp khác.
Song song đó, một số thành viên trong THT bắt đầu chuyển dần từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang hình thức bán công nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Mới - Tổ trưởng THT chăn nuôi vịt ấp 10, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười cho biết: “Khó khăn lớn nhất của THT hiện nay là giải quyết sản phẩm đầu ra cho các thành viên. Do nhiều anh em chưa có điều kiện kinh tế nên vẫn còn cho vịt chạy đồng, THT lại không có đủ điều kiện để thu gom hết sản phẩm cho anh em nên vẫn chưa kết nối được với doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Để đi vào hoạt động ổn định hơn, hướng tới, THT sẽ vận động chuyển đổi sang hình thức “nuôi rọ” nhằm đảm bảo sản lượng liên kết với doanh nghiệp. Song song đó, tổ cũng đang nhờ ngành nông nghiệp hướng dẫn thực hiện nuôi vịt theo quy trình VietGAP. Chúng tôi mong muốn với những cách làm mới, những thay đổi trong sản xuất sẽ giúp cho sản phẩm trứng vịt của THT đến được với nhiều kênh tiêu thụ hơn, để không còn lệ thuộc và bị động như hiện nay”.
Nhận định về xu hướng phát triển mới này, ông Nguyễn Thành Hưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú Y tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Với những thay đổi trong canh tác lúa cũng như tác động của biến đổi khí hậu như hiện nay, người nuôi vịt đang đứng trước nhiều khó khăn khi phương thức chăn nuôi truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế. Nuôi vịt theo hình thức nhốt rọ hay còn gọi là chăn thả bán công nghiệp được xem là giải pháp “gỡ rối”hữu hiệu cho người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay. Hình thức chuyển đổi này giúp nông dân kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nông dân có thể chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra. Và đây cũng là hướng đi phù hợp với tinh thần của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, để ngành hàng này thích ứng và có những đột phá trong tương lai thì người chăn nuôi cần có nhiều giải pháp điều tiết phù hợp hơn”.
Chia sẻ về định hướng xây dựng và phát triển ngành hàng vịt tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn con vịt là 1 trong 5 đối tượng ưu tiên phát triển trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành hàng này cũng bộc lộ không ít khó khăn, nhất là trong giai đoạn hội nhập và cánh cửa TPP đang mở rộng như hiện nay.
Cần đẩy mạnh phát triển ngành hàng vịt theo chiều sâu
Trong bối cảnh hội nhập, làn sóng TPP sẽ làm “tổn thương” không nhỏ đến ngành hàng vịt của tỉnh, song tỉnh xác định đây lại là “nồi cơm” của nhiều nông dân. Do đó, bằng nhiều giải pháp, tỉnh Đồng Tháp sẽ vực dậy ngành hàng này, giúp sức cho nông dân vượt qua khó khăn. Trước mắt, vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra và hạ giá thành sản xuất là hai mục tiêu lớn mà ngành nông nghiệp tỉnh hướng tới. Hiện tại, ngành đang hướng dẫn người chăn nuôi chuyển đổi sang những mô hình sản xuất bền vững, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm như: chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sản xuất theo hướng VietGAP. Song song đó, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cũng đang thực hiện thí điểm và vận động nông dân sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi, cùng gắn kết với nhau trong THT, hợp tác xã và có liên kết, đầu tư với doanh nghiệp. Hướng đi này sẽ giúp người nông dân giảm được giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, để từ đó, sản phẩm chăn nuôi của nông dân có thể đến được với nhiều kênh tiêu thụ cũng như hợp tác với doanh nghiệp chế biến.
Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, để phát triển bền vững ngành hàng vịt cần có những định hướng dài hơi, đi vào chiều sâu hơn. Hiện tại, Đồng Tháp là một trong những tỉnh thành có tổng đàn vịt lớn nhất nhì ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm thịt vịt thương phẩm và trứng hiện nay chỉ được tiêu thụ qua hình thức thô, vì vậy giá trị gia tăng mang lại cho nông dân từ ngành hàng này còn khá khiêm tốn. Do đó, để thu nhập tăng thêm của người nông dân từ ngành chăn nuôi được cải thiện, ngành hàng vịt cần có sự hỗ trợ chung tay từ các doanh nghiệp, nhằm tiếp sức cho nông dân trong việc đa dạng hóa các sản phẩm chế biến. Đây là tiền đề để sản phẩm thế mạnh này có những bước tiến xa hơn ở đấu trường thế giới.
Mỹ Lý
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.