Nguồn tin: Trà Vinh, 14/03/2016
Ngày cập nhật:
15/3/2016
Do điều kiện khá thuận lợi về nguồn nước và tiếp giáp với các tỉnh như Vĩnh Long, Sóc Trăng và Hậu Giang, nên mỗi khi vào mùa vụ thu hoạch lúa, địa bàn huyện Cầu Kè (Trà Vinh) là một trong những địa phương “tiếp nhận” khá lớn lượng vịt chạy đồng từ nơi khác đổ về, cùng với đó là nghề nuôi vịt của người dân tại địa phương phát triển rất mạnh. Trước tình hình dịch bệnh cúm gia cầm đang xảy ra như hiện nay, vấn đề quản lý vịt chạy đồng ở huyện Cầu Kè đang gặp nhiều khó khăn, ngoài số lượng đàn tăng đột biến, kéo theo đó là công tác tiêm phòng, khai báo trong nuôi mới, tái đàn của người dân chưa được quản lý chặt….
Thực hiện tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm sẽ góp phần đem lại hiệu quả cao cho công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi
Khó trong việc tiêm phòng
Hiện đàn gia cầm của huyện khoảng 900.000 con, trong đó đàn vịt khoảng 700.000 con, riêng số lượng vịt nuôi chạy đồng chiếm trên 80%/tổng đàn vịt của huyện. Từ cuối năm 2014, khi chính sách hỗ trợ vắc-xin cúm gia cầm miễn phí cho người chăn nuôi gia cầm của tỉnh không còn, người nuôi gia cầm phải tự bỏ tiền ra mua vắc-xin để tiêm phòng, thì tỷ lệ đàn gia cầm được tiêm phòng vắc-xin cúm ngày càng giảm dần, ý thức trông chờ của người chăn nuôi vẫn còn nên việc tiêm phòng trên đàn gia cầm gặp rất nhiều khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, bà Sử Thanh Trúc, Trưởng trạm Thú y huyện Cầu Kè cho biết: Trước đây, tỷ lệ tiêm phòng ở đàn vịt đạt trên 90%, đối với vịt chạy đồng đạt 100%. Riêng năm 2015 đến nay, tỷ lệ này chỉ đạt từ 40 - 50% so với năm 2014. Hiện cán bộ thú y và chính quyền địa phương chỉ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để hộ chăn nuôi thấy được ích lợi từ việc tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm nhằm bảo vệ tài sản của người chăn nuôi trước dịch bệnh là chính. Đối với các hộ nuôi vịt không chạy đồng thường có nhiều lý do để “từ chối” mua vắc-xin để cán bộ thú y đến tiêm, như vịt nuôi không di chuyển đàn ra nơi khác, nuôi tại gia đình, chỉ nuôi ăn…
Đối với vịt chạy đồng, do chi phí người nuôi bỏ tiền ra mua vắc-xin khá lớn so với lợi nhuận thu vào, khoảng 557.000 đồng/1.000 con (vịt dưới 25 tuần tuổi) và 914.000 đồng/1.000 con (vịt trên 25 tuần tuổi). Chu kỳ nuôi vịt đẻ phải tiêm phòng đủ 03 liều và vịt thịt thường 02 liều/chu kỳ nuôi (3,5 - 04 tháng xuất bán). Và do chưa có chế tài trong xử lý việc hộ nuôi không thực hiện tiêm phòng (đặc biệt là cúm gia cầm), nên chỉ có một số ít hộ nuôi với quy mô lớn và cần có nhu cầu di chuyển đàn, hay bảo vệ tài sản của mình… mới “hưởng ứng” cùng với cán bộ thú y và chính quyền địa phương cho tiêm phòng (người nuôi chi trả chi phí thuốc, công tiêm).
Ghi nhận về tình hình vịt nuôi chạy đồng trong những ngày này khi nông dân ở Cầu Kè vào vụ thu hoạch lúa đông-xuân, tại 02 xã nơi có số vịt chạy đồng được “tiếp nhận” nhiều nhất của huyện do các nơi khác về là xã Thạnh Phú (tiếp giáp các xã Tân An, Tân Bình huyện Càng Long; xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vinh Long), xã Thông Hòa (tiếp giáp các xã Hựu Thành, Tích Thiện tỉnh Vĩnh Long). Đây là 02 xã cửa ngõ đi vào huyện Cầu Kè với cả đường bộ lẫn đường thủy, vì vậy số lượng vịt chạy đồng từ nơi khác vào trong mỗi vụ thu hoạch lúa, chiếm từ 50 - 60%/tổng đàn vịt của địa phương.
Người nuôi “đối phó” với cán bộ thú y
Tại xã Thông Hòa có khoảng 100.000 con gia cầm, số vịt chạy đồng chiếm hơn 60% và hơn phân nửa là số vịt chạy đồng từ nơi khác đổ về. Theo bà Mai Thị Mỹ Tiên, Cán bộ Thú y của xã Thông Hòa: Hiện nay tỷ lệ tiêm phòng của địa phương đạt rất thấp, đặc biệt là trên cả vịt chạy đồng. Một số bất cập và cách người nuôi vịt chạy đồng “đối phó” với cán bộ thú y là tình trạng cho mượn sổ tiêm phòng (đã tiêm phòng xong ở đàn vịt chạy đồng khác), hay việc người nuôi “pha trộn” xen giữa vịt nuôi cũ (đã tiêm phòng) với vịt mới chuyển nhượng của hộ khác (chưa tiêm phòng), do số lượng lớn nên rất khó để cán bộ thú y kiểm tra hay đếm đầu con. Trong khi đó, sổ tiêm chỉ đăng ký (ban đầu) khoảng 500 - 700 con nhưng thực tế đàn vịt trên 1.000 con.
Theo số liệu của Trạm Thú y huyện Cầu Kè, hàng năm số lượng vắc-xin tiêm phòng trên đàn gia cầm của huyện khoảng 1,1 - 1,2 triệu liều. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay chỉ mới thực hiện tiêm được khoảng 65.400 liều vắc-xin. Việc tiêm phòng đang gặp nhiều khó khăn, do phần lớn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và chính sách hỗ trợ của tỉnh không còn nữa (miễn phí vắc-xin). Bên cạnh đó, các địa phương cũng không dám chủ động trong việc mua vắc-xin về trữ để tiêm phòng cho người chăn nuôi. Theo ông Lê Vũ Linh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú: Muốn thực hiện tiêm phòng được đến tay người chăn nuôi, trước tiên địa phương phải vận động và nhận được sự đồng ý của chủ hộ nuôi gia cầm, khi đó mới đăng ký về trên để đưa vắc-xin về tiêm và thu tiền trở lại thanh toán cho đơn vị cung cấp vắc-xin. Trong khi đó, ngân sách xã không có kinh phí mua vắc-xin trữ để tiêm phòng. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (thường dưới 100 con gia cầm) rất khó thực hiện, do số liều trong 01 lọ vắc-xin là 200 liều nên khi số lượng con gia cầm không đủ sẽ khó cho gia đình thực hiện tiêm (gây lãng phí khi sử dụng không hết).
Trước những bất cập trên, trao đổi với chúng tôi, bà Sử Thanh Trúc cho biết thêm: để đảm bảo được tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cúm trên đàn gia cầm, hiện nay tỉnh không còn hỗ trợ vắc-xin, về phía huyện cũng cần có một khoản hỗ trợ kinh phí từ công tác phòng, chống dịch để mua vắc-xin hay ra quân thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tiêm phòng cho đàn gia cầm. Có các chế tài xử lý nếu hộ chăn nuôi không đảm bảo đầy đủ việc tiêm phòng trên đàn vịt nuôi của gia đình…
HỮU HUỆ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.