Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 30/03/2016
Ngày cập nhật:
1/4/2016
Thời tiết đang giao mùa, mưa nhiều, độ ẩm cao nên sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm mạnh. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tuy chưa xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng đã xuất hiện rải rác vật nuôi ốm, chết, nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
Nhiều hộ dân ở xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) phun hóa chất tiêu độc khử trùng mầm bệnh tại trang trại chăn nuôi.
Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp
Mấy ngày nay, gia đình bà Ngô Thị Hoa, thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) như đang “ngồi trên lửa” bởi đàn lợn sắp đến kỳ xuất chuồng đột ngột bị bệnh tụ huyết trùng cấp. Từ 1 - 2 con ban đầu sau đó lây ra gần cả đàn với các triệu chứng sốt cao, sưng mí mắt, phù hầu, di chuyển mất định hướng rồi lăn ra chết, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Nhiều hộ dân ở các huyện Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên, Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Lục Nam cũng có lợn bị ốm, chết. Ông Vũ Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Không chỉ đàn lợn, từ đầu năm đến nay, đàn gà và trâu bò ở nhiều huyện cũng bị nhiễm bệnh với số lượng hơn 10 nghìn con, phổ biến là tụ huyết trùng, phó thương hàn, tiêu chảy, E.coli, viêm phổi…Trong đó ốm chết hơn 2 nghìn con, thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.
Vật nuôi ốm chết không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn gây ô nhiễm môi trường, gia tăng nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng. Lo ngại hơn, vừa qua bệnh dại cũng xuất hiện trên đàn chó ở huyện Yên Dũng. Đầu năm nay, tại thôn Cao, xã Yên Lư (Yên Dũng) có một người tử vong vì bị chó dại cắn. Đây là bệnh nguy hiểm, lây từ động vật sang người nhưng công tác phòng bệnh chưa được chú trọng.
Vật nuôi mắc bệnh, thậm chí gây tử vong cho người là do công tác phòng bệnh ở nhiều nơi trong tỉnh còn có “lỗ hổng”. Hiện nay, người dân đang tập trung tái đàn với số lượng lớn nhưng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh đạt thấp, nhất là bệnh cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, dại.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 10 triệu con gia cầm, gần 1,2 triệu con lợn và trâu, bò nhưng tỷ lệ tiêm vắc-xin mới được 20% tổng đàn các loại; vắc-xin dại chưa đạt 30%. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều hộ dân có tư tưởng trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Cán bộ thú y, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch động vật ở một số nơi chưa thực sự vào cuộc. Một số xã chậm triển khai tiêm phòng.
Huyện Yên Thế hiện có gần 3 triệu con gà nhưng các hộ mới tiêm 600 nghìn liều vắc-xin H5N1, chưa bảo đảm an toàn cho vật nuôi. Hiện nay, UBND huyện chỉ đạo Trạm Thú y tăng cường phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân sớm tiêm đầy đủ vắc-xin cho đàn gia cầm. Các huyện Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang chỉ tiêm được 5 - 20% tổng đàn, thậm chí nhiều xã “bỏ trắng”.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, mang mầm bệnh qua địa bàn tỉnh cũng làm tăng nguy cơ lây lan dịch. Ví như đầu tháng 3 năm nay, lực lượng chức năng của tỉnh bắt giữ xe tô tô vận chuyển 140 con lợn bị lở mồm long móng qua địa bàn TP Bắc Giang. Toàn bộ số lợn này đã bị tiêu hủy theo quy định.
Phòng hơn chống
Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trên diện rộng, nhất là điều kiện thời tiết hiện gây bất lợi cho chăn nuôi nên để bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, UBND tỉnh đã bố trí 1,8 tỷ đồng giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT mua gần 1,2 triệu liều vắc-xin H5N1, tai xanh, dịch tả và 4 nghìn lít hóa chất để hỗ trợ các hộ dân tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng mầm bệnh.
Ông Hoàng Đăng Huyến, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Hiện nay, đơn vị đã hoàn tất các thủ tục đấu thầu với các công ty, dự kiến cung ứng vắc-xin, hóa chất cho các huyện, TP vào đầu tháng 4 để nâng cao hiệu quả phòng bệnh. Đồng thời, Chi cục thường xuyên chủ động cung ứng vắc-xin dịch vụ và tăng cường cử cán bộ kiểm tra các cửa hàng bán vắc-xin để người dân tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng”.
Bên cạnh hỗ trợ của tỉnh, các huyện, TP cũng bố trí kinh phí hỗ trợ người dân mua 3 loại vắc-xin trên. Tuy nhiên, số lượng hỗ trợ có hạn nên các hộ dân cần khẩn trương mua đầy đủ các loại vắc-xin tiêm phòng cho vật nuôi bảo đảm liều lượng và thời gian theo quy định, tránh ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Cùng đó, hộ chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun hoá chất diệt mầm bệnh. UBND các huyện, thành phố chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, cán bộ kỹ thuật phục vụ cho công tác tiêm phòng, xử lý nghiêm đối với cơ sở không tổ chức tiêm và tiêm phòng đạt kết quả thấp.
Xem xét quy trách nhiệm người đứng đầu đối với xã để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên diện rộng, không báo cáo kịp thời. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Công thương và UBND các huyện, TP tăng cường tuyên truyền tác hại của dịch bệnh; chỉ đạo hệ thống thú y, quản lý thị trường, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch động vật… thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch và ngăn chặn gia súc nhập lậu vào địa bàn.
Hải Minh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.