Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 18/04/2016
Ngày cập nhật:
21/4/2016
Nhân công thu hoạch trứng tại một trang trại nuôi gà trong chuồng lạnh tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức).
Thời gian qua, một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã từng bước ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào tất cả các khâu sản xuất. Đây là tiền đề để huyện Châu Đức mở rộng thêm diện tích, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.
Ông Đỗ Chí Khởi, Phó Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, từ nhiều năm qua, bà con nông dân của huyện đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng gắn với nhu cầu thị trường và hạ giá thành sản xuất. Cụ thể, trước đây việc chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu dùng chuồng hở (mái lá, vách ngăn bằng lưới), tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thì nay nhiều trang trại quy mô lớn chuyển sang nuôi trong chuồng lạnh (chuồng xây kín nhưng thông gió tốt, nhiệt độ luôn được giữ ổn định), tự động hóa vận hành khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn, nước uống, tiêm vắc xin phòng bệnh đến sát trùng vệ sinh chuồng trại, xử lý sấy khô chất thải… đã góp phần hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm mùi, giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi. Về trồng trọt, hầu hết cây trồng hàng năm được sử dụng giống và kỹ thuật canh tác tiên tiến theo hướng an toàn cho môi trường và người tiêu dùng.
Để minh chứng cho những điều trên, ông Đỗ Chí Khởi đưa chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi gà trong chuồng lạnh tại thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc. Thời tiết những ngày giữa tháng 4 đang cao điểm nắng nóng, nhưng tuyệt nhiên không ngửi thấy mùi hôi và tiếng ồn, dù trang trại này đang nuôi 72.000 con gà đẻ trứng. Ông Ngô Quang Sỹ, quản lý trang trại cho biết, trước đây, ông nuôi gà trong chuồng hở mái lá, cứ thời điểm giao mùa từ nắng sang mưa là ruồi giăng kín mặt đất, còn mùi hôi thối thì thường trực, công nhân phải dọn vệ sinh liên tục nhưng chẳng thấm vào đâu. Từ năm 2012, ông chuyển qua nuôi gà trong chuồng lạnh. Vốn đầu tư ban đầu của trại lạnh khép kín cao gấp 4 - 5 lần trại hở (khoảng 1 tỷ đồng/trại 10.000 con), do phải xây nhà bê tông khung thép kiên cố, trang bị máy làm mát không khí, hệ thống chăm sóc, ăn uống tự động, máy phát điện… nhưng thời gian sử dụng khá lâu, có thể lên tới 10 năm, trong khi trại lá chỉ khoảng 2 - 3 năm. “Trại nuôi khép kín, nhiệt độ ổn định nên gà ít bị bệnh, hạn chế nhiễm bệnh từ môi trường xung quanh, lại không phát tán mùi hôi và ruồi nhặng ra môi trường, tiết kiệm được chi phí và sức lao động do các khâu ăn uống, vệ sinh chuồng đều tự động hóa, nhưng tỷ lệ gà đẻ trứng cao, đạt 95% trên tổng số đàn”, ông Sỹ cho hay.
Theo ông Khởi, trên địa bàn huyện Châu Đức hiện có một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng ứng dụng nông nghiệp CNC như: trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Kim Long, trồng chuối cấy mô xen ca cao ở xã Kim Long, nuôi heo trong chuồng lạnh ở xã Suối Rao, nuôi bò Úc ở xã Quảng Thành, nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học ở xã Bình Ba… Những mô hình chăn nuôi, trồng trọt này tuy còn manh mún, nhỏ lẻ, yếu về vốn và thị trường tiêu thụ chưa ổn định, nhưng là tiền đề để huyện Châu Đức phát triển trên quy mô lớn hơn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đã xác định Châu Đức là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển nông nghiệp CNC trong giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Công Vinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, muốn phát triển nông nghiệp CNC đòi hỏi phải có quỹ đất tập trung, nhà đầu tư mạnh về vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc điểm của Châu Đức hiện nay là diện tích trồng cao su tập trung rất lớn. Vì vậy, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi khoảng 300ha đất của Công ty Cao su Bà Rịa đang cho thuê tại xã Xuân Sơn giao cho địa phương để thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC. Vừa qua, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh có ý kiến với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thu hồi diện tích đất trên giao cho huyện Châu Đức.
Ngoài ra, huyện Châu Đức cũng đề nghị UBND tỉnh thu hồi khoảng 400ha đất trồng cao su không hiệu quả ở hai xã Đá Bạc và Kim Long để huyện kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp CNC; kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển của huyện. “Nông nghiệp CNC là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Việc phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn huyện phải tập hợp, phát huy được sức mạnh liên kết của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà DN). Huyện sẽ có chính sách thu hút, đãi ngộ phù hợp để thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp” - ông Nguyễn Công Vinh khẳng định.
ĐAN CHÂU
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.