Nguồn tin: Báo Đồng Tháp, 09/05/2016
Ngày cập nhật:
10/5/2016
Với mục tiêu đưa Đồng Tháp trở thành địa phương “nói không với chất cấm trong chăn nuôi”, thời gian qua, các ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.
Người chăn nuôi nên kiên quyết “nói không với chất cấm” để nâng cao hiệu quả sản xuất
Chất cấm trong chăn nuôi còn được gọi là chất tạo nạc thuộc nhóm Beta - Agonist với 3 loại chất là Clenbuterol, Salbutamol và Ractoppamine (đây là các chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi). Các chất này sẽ làm heo tăng trọng nhanh và tiêu biến mỡ, tăng tỷ lệ thịt nạc. Theo các nhà khoa học, nhóm chất này sẽ gây nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2016 đến nay, Chi cục phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức nhiều Đoàn liên ngành thanh, kiểm tra tại nhiều cơ sở giết mổ, hộ chăn nuôi, lấy hơn 36 mẫu nước tiểu, thịt để xét nghiệm. Qua kiểm tra phát hiện 1 trường hợp dương tính với chất Salbutamol - nguồn gốc xuất phát ở đàn heo 29 con được nhập về từ tỉnh Tiền Giang, Đoàn tiến hành xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng và yêu cầu chủ hộ không được giết mổ cho đến khi tái kiểm tra.
Theo ông Võ Trọng Phước - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp: “Chất cấm trong thức ăn chăn nuôi có khả năng gây ảnh hưởng đến tim mạch của người tiêu dùng khi sử dụng trong thời gian dài (chất Salbutamol được sử dụng phổ biến nhất). Để ngăn chặn và xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các Đoàn thanh, kiểm tra việc sử dụng chất cấm tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt heo, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh”.
Theo Chi Cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 11.800 hộ chăn nuôi heo, với gần 200.000 con; việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn ra rất tinh vi, không dễ dàng phát hiện. Vì vậy, công tác thanh, kiểm tra phải thường xuyên bám sát địa bàn và lập nhiều phương án kiểm tra tại các cơ sở chăn nuôi.
Ông Ngô Phi Dũng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi heo Phú Bình cho biết: “Nạn sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi gây ra tác hại khôn lường cho người tiêu dùng và ngành chăn nuôi. Để công tác quản lý đạt hiệu quả, Ban lãnh đạo HTX thường xuyên mở các lớp chuyên đề để tuyên truyền, vận động xã viên HTX không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và phổ biến mức phạt nếu sử dụng. Qua đó, ý thức của các xã viên ngày càng được nâng cao”.
Ông Bùi Văn Út Lớn - hộ chăn nuôi ngụ ấp Phú Bình, xã Phú Long, huyện Châu Thành bày tỏ: “Tôi mong muốn các cơ quan chức năng siết chặt quản lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để những hộ chăn nuôi như chúng tôi không bị thiệt hại. Đồng thời, tạo môi trường chăn nuôi lành mạnh và sản phẩm an toàn cho người sử dụng”.
Nhằm ngăn chặn, tiến tới giải quyết triệt để các hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Võ Trọng Phước cho biết: “Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước trong chăn nuôi và kinh doanh thức ăn chăn nuôi; thanh, kiểm tra dưới nhiều hình thức để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Song song đó, các ngành liên quan sẽ thu mua những mẫu test nhanh phân bổ cho các lò giết mổ để thường xuyên kiểm tra khi có nghi ngờ. Đồng thời, vận động các địa phương tích cực vào cuộc, tăng cường tuyên truyền về những tác hại của việc sử dụng chất cấm”.
Theo quy định tại Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, những tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể phải lĩnh mức án 20 năm tù, bị phạt tiền tới 1 tỷ đồng và bị cấm sản xuất, kinh doanh. Người chăn nuôi heo sử dụng chất cấm, đàn heo sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn. Như vậy, cùng với nỗ lực của các đơn vị chức năng trên địa bàn, quy định mới này sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Khánh Phan
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.