• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tây Ninh: Phát triển chăn nuôi bò thịt: Việc cần làm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Nguồn tin: Báo Tây Ninh, 09/05/2016
Ngày cập nhật: 10/5/2016

Cùng với đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh đã hoàn chỉnh đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2020”. Đề án này được coi như là một bước cụ thể hoá tái cơ cấu ngành nông nghiệp – một lĩnh vực đặc biệt quan trọng liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Một hộ nông dân ở xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành chăn nuôi bò cải thiện cuộc sống.

Không thể đeo bám mãi phương thức lạc hậu

Theo cơ quan chủ trì xây dựng đề án, Tây Ninh là một trong những tỉnh khu vực phía Nam có số lượng bò nhiều và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò như đất đai, đồng cỏ chăn thả rộng, nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, địa hình cao, ít mưa bão, lũ lụt. Chăn nuôi bò thịt tạo ra sản phẩm hàng hoá lớn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết tình trạng lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, sự phát triển của đàn bò còn nhiều hạn chế do việc sử dụng con giống khá tuỳ tiện, người chăn nuôi thiếu kiến thức về chăn nuôi bò thịt cao sản, năng suất, chất lượng bò thịt thấp, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, người nuôi chưa chủ động được con giống, chưa giải quyết triệt để dịch bệnh, chưa tận dụng được hết phụ phẩm nông và công nghiệp, giá thành sản phẩm cao, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập.

Phương thức chăn nuôi hiện nay vẫn là bán chăn thả, trong đó phần chăn thả để tận dụng nguồn cỏ tự nhiên là chủ yếu. Một số phụ phẩm cây trồng như rơm lúa, thân đậu phộng, thân bắp… tuy có được khai thác sử dụng nhưng chủ yếu cho ăn ở dạng tươi vào mùa thu hoạch hoặc phơi khô dự trữ. Phương thức chăn nuôi thủ công truyền thống, ít đầu tư của hộ gia đình đối với bò thịt, bò sinh sản có nhiều nhược điểm và sẽ giảm dần theo thời gian vì hiệu quả kinh tế thấp và luôn gánh chịu rủi ro, không còn nơi chăn thả do diện tích đồng cỏ tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, không đủ cỏ tươi cho bò ăn vào mùa khô. Một số hộ cũng bắt đầu trồng cỏ nuôi bò nhưng diện tích không đáng kể nên vẫn còn tình trạng thiếu cỏ cho bò, nhất là vào mùa khô.

Về quy mô, chăn nuôi bò thịt chủ yếu vẫn là chăn nuôi thủ công nhỏ lẻ (chiếm 96,8%), quy mô hộ gia đình, chăn thả ở đồng cỏ tự nhiên, tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp (rơm rạ, cám, ngọn mía…). Mô hình nuôi bò thịt hiện tại đang có hiệu quả kinh tế khá do nhu cầu tiêu thụ và giá thịt bò ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, trên thực tế đa số các hộ nông dân chỉ nuôi từ 2 – 4 con, số lượng quá ít nên nguồn thu từ chăn nuôi bò chưa cao. Các hộ nuôi từ 5 – 10 con đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, một số hộ có điều kiện về vốn, trang thiết bị và đất trồng cỏ, nuôi từ 10 – 30 con bò thịt kết hợp với nuôi bò sinh sản đã trở nên khá giả. Đặc biệt, một số hộ có kinh nghiệm và hiểu biết kỹ thuật mua bò về nuôi vỗ béo, thu được lợi nhuận khá cao.

Cơ hội lẫn thách thức

Điểm lại một số dự án đã thực hiện, cơ quan chủ trì xây dựng đề án cho biết thêm: ngày 25.4.2002, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 363/QĐ-CT về việc phê duyệt dự án “Lai cải tạo đàn bò theo hướng Zêbu và hướng thịt tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2002- 2005”. Nội dung chủ yếu của dự án là cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò cái của tỉnh bằng các loại tinh bò giống như bò Red Shindi, Sahiwal. Kết quả trong 4 năm thực hiện, dự án đã đầu tư hơn 700 triệu đồng, đạt 13,76% so với chỉ tiêu dự án. Mức đầu tư từ ngân sách thấp do nhiều hạng mục như mua sắm trang thiết bị, khuyến nông... thực hiện từ kinh phí dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2001-2005. Số bò tham gia dự án là 5.218 con, số đậu thai 3.523 con (tỷ lệ 67,5%), số bê lai Zêbu sinh ra 2.283 con bê. Nhìn chung, tuy kết quả thực hiện dự án thấp nhưng việc đầu tư thực hiện dự án “Lai cải tạo đàn bò theo hướng Zebu và hướng thịt tỉnh Tây Ninh giai đọan 2002-2005” đã góp phần nâng cao chất lượng đàn bò cái của tỉnh. Do kiểm soát được chất lượng nguồn tinh giống, chất lượng bê lai Zêbu bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo cao hơn so với phối giống tự nhiên và giảm hiện tượng đồng huyết của phương pháp phối giống tự nhiên. Bê sinh ra có trọng lượng sơ sinh từ 23 - 24kg, có sức sống tốt, sinh trưởng nhanh, ngoại hình đẹp, phù hợp cho việc lai tạo hướng sữa và hướng thịt. Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt- sơ bộ ước tính trong thời gian thực hiện dự án đạt hơn 22 tỷ đồng.

Đánh giá hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: trong những năm qua, năng suất và chất lượng giống bò đã được cải thiện, tỷ lệ bò lai Zebu của tỉnh đạt khoảng 83% và được Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá là một trong những tỉnh có tỷ lệ bò lai cao. Các tiến bộ về giống, thức ăn, chuồng trại, quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng được áp dụng trong chăn nuôi trại bò thịt, vì vậy hiệu quả chăn nuôi được cải thiện. Người chăn nuôi đã bước đầu hình thành thói quen trồng cỏ thâm canh nuôi bò và ủ chua thức ăn, cung cấp cho gia súc, đặc biệt là vào mùa khô. Chăn nuôi bò thịt đã góp phần tạo ra sản phẩm hàng hoá lớn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, việc mở rộng về số lượng và quy mô chăn nuôi sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Tuy vậy, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều như thiếu bò giống, giá bò biến động thất thường làm mất tính ổn định trong chăn nuôi bò thịt. Khi có nhu cầu về giống bò thịt không có cơ sở bán và cung cấp, gây ra hiện tượng sốt giống bò, đẩy giá bò giống cao hơn giá trị thực vốn có. Tình trạng thiếu thức ăn thô xanh cho bò trong mùa khô thường xuyên xảy ra. Mặt khác, một số nơi chưa coi trọng việc trồng cỏ và sử dụng hợp lý các phụ phẩm nông nghiệp.

Khi hội nhập, bên cạnh cơ hội về hợp tác quốc tế và đầu tư thì cũng có nhiều thách thức như phải cạnh tranh một cách khốc liệt về chất lượng, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm và thị trường với thịt bò từ các nước trong khu vực và thế giới. Dù sao, chăn nuôi bò thịt ở Tây Ninh đang đứng trước những cơ hội tốt để phát triển trong thời gian tới với những thuận lợi cơ bản. Nhu cầu tiêu dùng thịt bò sẽ tăng nhanh do thu nhập của người dân tăng cao và mức sống được cải thiện. Hiện nay, giá thịt bò khoảng 200.000đ/kg- cao hơn các loại thịt khác. Thực tế cho thấy, sản xuất thịt bò trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa, đặc biệt là thịt bò chất lượng cao. Hằng năm, nước ta phải nhập bò và thịt bò chất lượng cao từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và du lịch. Trong những năm tới (2016 - 2020), xu hướng tiêu thụ thịt bò ngày càng cao, đặc biệt khi tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên.

Theo tính toán, một hecta đất trồng cỏ có năng suất 250 tấn, nuôi được 14 con bò, tạo việc làm thêm cho 2 lao động. Do vậy, phát triển chăn nuôi bò thịt thực sự góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân, đặc biệt là nông dân ở vùng sâu, vùng xa. Phát triển chăn nuôi bò còn tận dụng được sản phẩm phụ của các loại cây trồng. Hiện nay, Tây Ninh có khoảng 154 ngàn hecta lúa, gần 6 ngàn hecta bắp, 14,7 ngàn hecta đậu phộng, hơn 40 ngàn hecta khoai mì và 25,5 ngàn hecta mía. Phụ phẩm (rơm, thân bắp, dây đậu phộng, lá khoai mì, ngọn mía) của các cây trồng là khá lớn và có thể sử dụng để phát triển chăn nuôi bò hiệu quả.

Hướng tới đàn bò hơn trăm ngàn con

Bản thuyết trình của đề án cho biết mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, tổng đàn bò của Tây Ninh đạt 110.000 con. Trong đó, đàn bò nuôi trong các nông hộ là 90.000 con, trong các trang trại, doanh nghiệp là 20.000 con. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 8.500 tấn, tăng 21,4% so với năm 2016. Bằng các giải pháp kỹ thuật, cơ quan xây dựng đề án tính toán rằng đến năm 2020, ngành chăn nuôi bò sẽ giảm giá thành sản xuất 20%, nâng cao hiệu quả chăn nuôi 30%. Dự án sẽ được thực hiện tại các huyện, thành phố trong tỉnh, trọng tâm phát triển là các huyện có lượng đàn bò nhiều, có chất lượng đàn bò cái tốt, người dân có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi bò, tập trung tại các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu và Tân Biên. Đề án được thực hiện trong 5 năm từ năm 2016 đến hết năm 2020. Nếu thực hiện thành công, đề án sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, thú y cơ sở, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Đề án cũng nhằm chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng trang trại, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Về phương diện kinh tế, theo tính toán: trong 5 năm, tổng đàn bò chất lượng cao khoảng 18.520 con. Mức độ chênh lệch giữa bò thịt hiện nay và nhóm bò lai (do đề án tạo ra) ước theo hiện tại là 14.200.000 đồng/con. Như vậy, trong 5 năm lợi nhuận sẽ là: 18.520 con x 14.200.000 đồng/con = 262,984 tỷ đồng.

Đề án còn được kỳ vọng tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động, giảm dần sự cách biệt về thu nhập giữa nông thôn và thành thị.

VIỆT ĐÔNG

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang