Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng, 13/01/2016
Ngày cập nhật:
15/1/2016
Cùng thời điểm này năm ngoái, trong tỉnh Sóc Trăng đã phát hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Long Phú, tiếp sau đó là 2 ổ dịch nữa tại huyện Kế Sách và Mỹ Xuyên, với tổng đàn gần 3.000 con. Theo đánh giá, nguyên nhân chủ yếu là do thời điểm cận Tết, người chăn nuôi trong tỉnh tăng nhanh số lượng đàn, cộng thêm điều kiện thời tiết thích hợp cho virus gây bệnh cúm trên gia cầm lây lan.
Công tác tiêm phòng, phòng chống cúm gia cầm cho vật nuôi.
Tổng đàn gia cầm tỉnh Sóc Trăng năm 2015 trên 5,9 triệu con, cao hơn cùng kỳ năm 2014 là 11,8%, và thời gian tới số lượng gà vịt xuất nhập tỉnh sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm. Do đó trong khoảng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nguy cơ dịch cúm gia cầm đe dọa các vùng chăn nuôi trong tỉnh rất cao.
Bệnh cúm trên gia cầm chủ yếu do virus gây ra, chủng virus gây thiệt hại nặng cho các vùng chăn nuôi thời gian qua nhiều nhất là H5N1, được xếp vào nhóm A là nhóm bệnh lây lan rất nhanh, rất rộng và gây thiệt hại nghiêm trọng nhất. Đặc điểm của chủng virus này là có thể sống trong phân gia cầm, nước, đất... từ 2 đến 4 tuần, chủ yếu chết ở 700 độ C trở lên và có thể sống trong nhiệt độ lạnh hàng tháng. Virus có thể lây lan qua con đường gián tiếp hoặc trực tiếp:
- Lây gián tiếp: từ gia cầm mắc bệnh, chết khi nhốt chung một chuồng hay thả cùng sân, tiếp xúc với chim hoang dã đã bị nhiễm bệnh.
- Lây trực tiếp qua tiếp xúc với phân, chất độn chuồng (rơm, trấu...) hoặc lông gia cầm bị nhiễm virus; tiếp xúc với giầy dép, quần áo, dụng cụ phương tiện bị nhiễm virus do con người sử dụng mang từ nơi có bệnh về; Gia cầm có thể nhiễm bệnh từ gia cầm mới mua về từ các vùng khác có dịch; Chim hoang dã bị nhiễm virus cúm có thể truyền virus sang gia cầm thông qua lông, phân... của chúng rơi xuống ao, hồ, chuồng trại;
Bệnh cúm A/H5N1 là loại bệnh cấp tính, diễn tiến và lây lan rất nhanh, do đó người chăn nuôi cần phải biết những triệu chứng cơ bản khi gia cầm bị nhiễm bệnh, để có hướng xử lý và điều trị kịp thời. Thạc sĩ Lê Văn Quan – Phó Phòng Dịch tễ - Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Khi gia cầm bị nhiễm virus cúm sẽ sốt cao từ 41 đến 42 độ C, gia cầm bị khó thở, chảy nước dãi, phân có màu trắng hoặc xanh, có hiện tượng xuất huyết ở cơ ngực và đùi, mắt bị đục…Khi phát hiện những biểu hiện này trên vật nuôi bà con phải tách đàn, báo ngay cho cán bộ Thú y để có cách điều trị và phòng ngừa lây lan cho cả đàn”
Hướng dẫn phòng chống dịch cúm gia cầm
Đối với những vùng chưa phát hiện ổ dịch, ngành chức năng khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần tuân thủ một số biện pháp để bảo bệ tốt đàn vật nuôi như: nhập mới đàn phải có nguồn gốc rõ ràng, nên chọn con giống từ những cơ sở chăn nuôi an toàn, sạch bệnh và tốt nhất chọn từ đàn bố mẹ có tiêm phòng vacxin cúm gia cầm. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng những bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro, tụ huyết trùng, dịch tả vịt. Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn gia cầm như: chăn nuôi gia cầm với mật độ nuôi phù hợp, nuôi riêng biệt theo từng lứa tuổi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, tiêu độc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi thường xuyên nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh lưu hành ngoài môi trường; đồng thời, cung cấp đủ nước sạch và thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, chủ nuôi khi phát hiện có gia cầm mắc bệnh, chết bất thường không rõ nguyên nhân, phải báo ngay với Thú y xã hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời, nhanh chóng dập tắt dịch, tránh lây lan diện rộng. Tuyệt đối không bán chạy gia cầm mắc bệnh, không vứt xác gia cầm bệnh, chết xuống kênh rạch, ao hồ làm ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh. Chị Triệu Vương RiNa ở xã Long Phú, huyện Long Phú, cho biết: “Tôi nuôi gà được trên 5 năm, kinh nghiệm của tôi là trước khi nhập đàn mới thì phải vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng, rồi để chuồng khô ráo khoảng 4 đến 5 ngày. Về con giống, trước khi mua phải tìm hiểu rõ nguồn gốc bố mẹ của con giống, kiểm tra giấy xác nhận tiêm ngừa của cơ sở… nếu thấy con giống tốt thì mới chọn mua. Khi nhập đàn về, những ngày đầu phải xông đèn giữ ấm cho gà, tăng cường kháng sinh trong thức ăn, báo cho Trạm Thú y để lên lịch tiêm ngừa, ít cho người ngoài tiếp xúc với chuồng trại trong quá trình nuôi”.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng quản lý chặc đàn vịt chạy động nhằm ngăn ngừa cúm gia cầm.
Con đường lưu tồn và lây lan của virus gây bệnh cúm trên gia cầm rất đa dạng và phức tạp. Hiện tại số lượng đàn gia cầm trong tỉnh đang có xu hướng tăng nhanh, cộng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết thay đổi bất thường, mật độ chăn nuôi cao, môi trường chăn nuôi ô nhiễm, các ổ dịch cũ đang là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Năm 2015, trong 4 ổ dịch cúm gia cầm được phát hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 ổ dịch được phát hiện ở xã Tân Hưng và Long Đức của huyện Long Phú, kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1, với tổng đàn 1.720 con. Cán bộ Thú y địa phương đã nhanh chóng khoanh vùng tiêu hủy ổ dịch, phun khử trùng xung quanh khu vực có dịch tránh mầm bệnh lây lan, đồng thời tăng cường tiêm phòng cho đàn gia cầm khác. Nhờ vậy từ giữa tháng 2/2015 đến nay, trên địa bàn huyện không phát hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm nào. Ông Nguyễn Hữu Hùng – Trưởng Trạm Thú y huyện Long Phú, cho biết: “Ngay từ đầu năm, chung tôi đã xây dựng kế hoạch khung cho công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi và có kế hoạch phòng chống dịch cúm cụ thể để chủ động thuốc, hóa chất, vacxin, luôn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân tự giác trong việc ngăn ngừa dịch bệnh, giảm thiệt hại trong chăn nuôi”.
Trong năm 2016, Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng sẽ huy động toàn bộ lực lượng cán bộ từ tỉnh đến cơ sở thực hiện thông tin tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi hưởng ứng phòng, chống bệnh cúm trên gia cầm. Kiểm soát giết mổ, kiểm soát số lượng và chất lượng gia cầm xuất nhập tỉnh, đồng thời cấp sổ theo dõi đàn vịt chạy đồng tại các địa phương. Đặc biệt, công tác tiêm phòng và phun khử trùng chuồng trại gia cầm được tổ chức nhiều đợt trong năm, giúp bà con yên tâm sản xuất. Thạc sĩ Lê Văn Quan - Phó Phòng Dịch tễ - Chi Cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: “Với thời tiết hiện nay, chúng tôi đã chỉ đạo cho hệ thống Thú y trong tỉnh luôn giám sát chặt chẽ tình hình nhập gia cầm từ nơi khác đến, cũng như tình hình nuôi mới của bà con. Tiến hành tiêm phòng định kỳ đợt 2 và tiêm phòng bổ sung hằng tháng. Tăng cường kiểm sát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; Triển khai tiêu độc khử trùng trên diện rộng”.
Cúm gia cầm không chỉ gây thành dịch ở gia cầm mà còn có thể lây bệnh cho người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế- xã hội. Để phòng lây nhiễm bệnh cúm gia cầm cho người, khuyến cáo người dân khi tiếp xúc với gia cầm, đặc biệt là gia cầm bệnh, người tiếp xúc phải sử dụng bảo hộ lao động, tối thiểu phải đeo khẩu trang, găng tay. Tuyệt đối không giết mổ gia cầm bệnh, chết làm thực phẩm, không ăn tiết canh gia cầm./.
Ngọc Khuê
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.