Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 19/05/2016
Ngày cập nhật:
20/5/2016
Sau nhiều ngày trăn trở, anh Phương đã tìm ra được cách vô cùng độc đáo là bắc thang cho dê vượt núi cao vào lũng.
Anh Phương quyết tâm phát triển đàn dê ngày một lớn
Để có kinh phí, anh bán 2 chú dê cụ trong đàn đi được hơn 20 triệu đồng. Anh thuê thợ hàn vào núi khảo sát để làm đường vượt núi cho dê, anh này nghe qua ý tưởng của anh Phương là bắn cột sắt vào núi để tạo đường cho dê đi, đã sợ xanh mắt mèo khi đứng trước dãy núi đá cao chất ngất đó.
Sinh ra và lớn lên ở xứ Mường, Bùi Văn Phương (SN 1984) ở xóm Sáng, xã Cao Dăm, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình từng vật lộn kiếm tìm việc làm.
Anh đã bán trâu, bán bò, lo tiền đi xuất khẩu lao động, nuôi mộng đổi đời. Tất cả sự cố gắng đó không giúp được anh thoát nghèo. Trong lúc khó khăn nhất, anh mới giật mình, tại sao mình lại không tự làm giàu trên quê hương?
Ý tưởng không giống ai
Mặt trời khuất núi, tiếng chuông trong thung lũng khua lên đều đều. Leo dốc núi đá khoảng mươi phút, tôi gặp phải hàng rào chắn ngang thung lũng. Hàng rào được làm chắc chắn, cao hơn mét, dựng lên chắn ngang thung để ngăn đám dê rời thung xuống phá hoa màu của bà con. Trong thung tiếng dê kêu làm vang cả một vùng. Anh Phương đang chặt đám cây bụi cho dê ăn.
Đàn dê hơn 70 con, con nào con nấy lông mượt mà, đua nhau chạy quanh ông chủ. Con đen, con trắng, con màu hung tạo nên đàn dê đa màu. Anh Phương chặt được cành cây nào xuống là chúng đổ xô đến chén cho hết sạch hết lá. Nhìn đám dê tranh nhau ăn, anh Phương ra chiều ưng ý lắm.
Khi anh Phương dừng chặt cây, tôi mới có dịp nhìn kĩ chàng trai người Mường đã mạnh dạn mở đường lên núi nuôi dê. Chàng trai người Mường vóc dáng to đậm, khỏe khoắn, khuôn mặt nhuộm màu nắng gió và anh rất tự tin khi chăm sóc đàn dê của mình.
Mấy chục con dê quây lấy anh như những đứa trẻ xúm lại khi mẹ đi chợ về. Nhất cử, nhất động của anh Phương chúng đều hiểu ý. Chúng ăn chán lá cây, con nào con nấy ngẩng cổ nhìn chủ như chờ đợi một điều gì đó. Quả nhiên, khi anh Phương đưa nắm muối ra, chúng lại đổ xô nhau dồn về phía anh để được ăn muối. Chúng nghiện muối như người bị nghiện thuốc phiện vậy.
“Muốn quản lý bọn dê này cứ cho ăn muối đúng giờ là chúng nhớ. Chúng nghiện món này lắm, cứ đến giờ là nó mò về”, anh Phương cho biết.
Nhìn đám dê khỏe mạnh, con nào con nấy cũng rất háu ăn, chứng tỏ sự chăm sóc đàn dê của anh Phương rất kì công. Một lát sau có thêm mấy mẹ con nhà dê từ trên núi trở về. Hóa ra sau cái đỉnh núi cao sừng sững kia, anh Phương còn có thêm một lũng nữa để thả dê.
Khi đám dê đã yên dạ, anh Phương mới chuẩn bị đồ nghề của mình để xuống núi. Anh bảo, đêm chúng tự ở trong khe đá, khe núi tránh mưa, tránh nắng; chỉ cần làm cái hàng rào chắn ngang cái thung lũng là chúng chỉ ăn quanh núi, chứ không xuống phá nương, phá rẫy của bà con được.
Anh Phương bên bậc thang bắc riêng cho đàn dê
Trước lúc rời thung, anh Phương dẫn tôi tới thăm cái công trình mà anh gọi là “độc nhất vô nhị” ở xứ Mường này là bắc thang cho dê qua núi. Vượt qua lối mòn quanh co, lởm chởm đá tai mèo và chỉ có đám cây bụi mọc được, anh cho biết, nơi này trước đây làm bãi thả trâu, thả bò của bà con xóm Sáng.
Nhưng rồi, đám cỏ cũng không mọc được, nên ít người lên thung này thả trâu. Cả một thung lũng rộng rãi bỏ hoang nên anh đã nghĩ đến chuyện nuôi dê. Thung lũng rộng, nhưng dê ăn mãi cũng hết. Trong khi đó số lượng đàn dê không ngừng tăng lên, anh đau đầu không tìm ra được nơi nào thả dê.
“Bọn này ham ăn, nó mà sổng khỏi thung lũng là chén hết ngô, hết cây trồng của bà con. Mình đền ốm”, anh Phương nhớ lại.
Trong lúc đàn dê không ngừng tăng lên, anh Phương nghĩ mãi không sao tìm được địa điểm mới để thả dê. Một hôm lang thang trong lũng, anh mạnh dạn bám theo đám dây leo bám vào dãy núi đá dựng đứng chắn ngang thung.
Sau nửa tiếng trèo núi, lên tới đỉnh núi, anh giật mình khi phía sau đỉnh núi án ngữ sừng sững trước nhà là cả một cái thung lũng rộng có rất nhiều thức ăn cho dê. Anh Phương mừng như bắt được vàng, vì cái thung đó bốn bề núi đá tạo thành quách. Nơi này mà thả dê thì không gì hiệu quả bằng. Vấn đề bây giờ là làm cách nào để anh đưa dê vượt qua được dãy núi đá cao này.
Sau nhiều ngày trăn trở, anh đã tìm ra được cách vô cùng độc đáo là bắc thang cho dê vượt núi cao vào lũng. Để có kinh phí, anh bán 2 chú dê cụ trong đàn đi được hơn 20 triệu đồng. Anh thuê thợ hàn vào núi khảo sát để làm đường vượt núi cho dê.
Bắc thang cho đàn dê vượt núi cao vào thung lũng
Đến giờ anh Phương vẫn còn nhớ câu chuyện khi đưa người thợ hàn vào núi, anh này nghe qua ý tưởng của anh Phương là bắn cột sắt vào núi để tạo đường cho dê đi, đã sợ xanh mắt mèo khi đứng trước dãy núi đá cao chất ngất đó. Tuy nhiên, sau khi anh Phương trình bày phương án và cách làm, người thợ hàn cũng dần hiểu ra việc bắc thang vượt núi.
Ngày ngày anh cùng đám thợ vác cột sắt, vác máy hàn lên núi làm việc. Sau nửa tháng kiên trì thi công từng bậc một, anh Phương cũng đã hoàn thành con đường dài cả 100m vượt núi. Với những người yếu tim, chẳng ai dám đi lên cái thang dựng ngược đó. Nó bám vào vách núi như đường vượt cung mây vậy.
Làm đường xong, ngay bản thân anh Phương cũng chưa nghĩ làm cách gì để lùa lũ dê đi theo con đường đó vượt đỉnh núi để vào thung lũng. Vốn là người hay nghĩ và sau thời gian dài nuôi dê, anh rút ra được kinh nghiệm là muốn lũ dê đi theo cái thang lưng chừng núi này phải nhử chúng bằng thức ăn.
Ngày nào anh cũng kì công cắt các loại lá có nhiều nhựa như lá mít, lá dớn và nhúng qua nước muối, sau đó anh treo vào lan can nhử lũ dê lên. Ngày đầu anh chỉ treo khoảng vài chục bó dọc thang. Ngày hôm sau anh lại treo nhiều hơn. Sau thời gian, lũ dê ăn quen lá bên lan can, chúng dần đi lên cao. Và rồi chúng ăn đến bậc thang cuối cùng thì anh Phương đã thành công khi nhử chúng vào lũng.
Lợi nhuận cao
Kế hoạch bắc thang cho dê vượt núi thành công ngoài mong đợi. Nguồn thức ăn dồi dào, đàn dê phát triển nhanh chóng, từ 3 con dê cái ban đầu, đến giờ anh Phương đã có trên 70 con. Với đà phát triển như hiện nay, hơn 40 con dê mẹ mỗi năm sẽ sin sản ra cả trăm con dê con.
Kế hoạch bắc thang cho dê vượt núi thành công ngoài mong đợi
Anh Phương tính toán, so với các con vật nuôi ở nông thôn, con dê mang lại lợi nhuận cao nhất và ít tốn chi phí nhất. Chúng ít bệnh, không mất tiền mua thức ăn, chỉ mất khoảng 1 nghìn đồng mua muối cho chúng ăn mỗi ngày.
Trong khi đó 1 con dê mẹ, 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Từ lúc dê con lọt lòng, nuôi khoảng 1 năm, đạt trọng lượng 30 - 35kg. Với giá bán hiện tại là 140 nghìn đồng/kg, như vậy một con dê thu được ít nhất là 5 triệu đồng. Một con dê mẹ cho 3 dê con, một năm thu được trên chục triệu đồng ngon ơ.
“Cái đám dê này mắn đẻ lắm. Lứa đầu tiên nó đẻ 1 con. Bắt đầu từ lần sinh sản thứ hai, chúng cứ đẻ sòn sòn 2 con một. Cho chúng ăn đủ, ăn đúng là chúng sinh sản theo cấp số nhân”, anh Phương chia sẻ.
Sau 2 năm nuôi dê, anh Phương cũng tích góp cho mình được kinh nghiệm kha khá. Điều quan trọng nhất đối với người chăn dê là phải có bãi thả và nguồn thức ăn đảm bảo cho chúng. Nghĩa là thức ăn không bị bẩn, không nhiễm thuốc trừ sâu và nguồn nước uống cũng phải sạch. Nếu hội tụ đủ yếu tố đó, không có lý gì mà việc nuôi dê không thành công. Theo tính toán của anh Phương, chỉ một năm nữa thôi đàn dê của anh sẽ lên đến 200 con.
Từ nếp nghĩ, cách làm thay đổi cộng với quyết tâm cao hơn núi của mình, anh Phương đã trở thành "vua nuôi dê" ở Lương Sơn.
LINH NHI
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.