Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 01/06/2016
Ngày cập nhật:
3/6/2016
Chuẩn bị tiêm phòng vắc xin cho heo tại trang trại của ông Đoàn Thanh Lâm (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc), một trong những trang trại được Chi cục Thú y công nhận cơ sở ATDB (giai đoạn 2010-2015).
Sau 5 năm triển khai dự án “Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật giai đoạn 2010-2015”, đến nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có huyện Côn Đảo được công nhận vùng an toàn dịch bệnh (ATDB); 101 trại nuôi heo, 39 trại nuôi gia cầm được công nhận cơ sở ATDB.
Ông Nguyễn Phương Nam, chủ một cơ sở nuôi heo ở xã Sông Xoài (huyện Tân Thành) cho biết, năm 2012 dịch bệnh heo tai xanh bùng phát, trang trại của gia đình ông với tổng đàn gần 1.000 con heo dù không bị nhiễm bệnh nhưng do quy định không cho phép xuất bán nên phải giữ lại nuôi tiếp, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Năm 2013, ông đã làm các thủ tục đăng ký làm cơ sở ATDB để bảo đảm chăn nuôi có hiệu quả. Theo đó, trang trại chăn nuôi của ông Nam đã được Chi cục Thú y hỗ trợ vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, dịch tả và tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Đến cuối năm 2015, trang trại chăn nuôi heo đã được công nhận cơ sở ATDB. Khi đã được công nhận cơ sở ATDB, ông Nam không lo gặp lại sự cố giống như năm 2012, heo không nhiễm bệnh nhưng không xuất bán được.
Ông Giao Văn Sĩ, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Thú y cho biết, trong 5 năm triển khai dự án “Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật”, toàn tỉnh có 225 trang trại đăng ký tham gia (149 trang trại heo, 76 trang trại gà), tập trung tại các huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc và TP.Bà Rịa; 3 huyện Long Điền, Đất Đỏ và Côn Đảo đăng ký xây dựng vùng ATDB.
Việc xây dựng cơ sở ATDB động vật yêu cầu người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi, tạo môi trường khép kín, bảo đảm không cho dịch bệnh phát sinh và lây lan. Xây dựng cơ sở ATDB giúp người chăn nuôi kiểm soát được dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả, giảm tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh, làm tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Từ những điều kiện tích cực này, đầu ra luôn được bảo đảm bởi sản phẩm “sạch bệnh, an toàn”. Đối với cộng đồng xã hội, xây dựng cơ sở ATDB động vật góp phần làm chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, người tiêu dùng có nguồn cung cấp thực phẩm chất lượng.
Ông Sĩ cho biết thêm, xây dựng vùng, cơ sở ATDB động vật là yếu tố then chốt trong việc mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi bởi sản phẩm được bảo đảm chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, hiện khó khăn lớn nhất là chưa có sự khác biệt rõ rệt về quyền lợi của các cơ sở, vùng được công nhận ATDB nên chưa khuyến khích được các cơ sở, trang trại đăng ký. Trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại khá phổ biến hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình, đặc biệt là tình trạng chăn nuôi gia súc gia cầm tại các khu vực tập trung dân cư, nội thành. Ngoài ra, do con giống gia cầm vẫn phải nhập từ các tỉnh Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Bình Định… (những tỉnh có nguy cơ cao về dịch cúm gia cầm) nên có thể lây lan, phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh… Theo ông Sĩ, đến nay đã có 67,8% trại heo là cơ sở an toàn trước các dịch lở mồm long móng và dịch tả, 52,7% trại gà là cơ sở an toàn trước dịch cúm gia cầm. Tỉnh đang phấn đấu đến cuối năm 2020 có 90% trang trại chăn nuôi heo và 100% trang trại chăn nuôi gà được công nhận ATDB.
Để đạt được kết quả nói trên, thời gian tới đơn vị tiếp tục tổ chức nhiều buổi tư vấn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi cũng như các cơ sở buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc gia cầm. Đặc biệt là tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu biết tác hại của các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho vật nuôi có những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Đồng thời duy trì, gia hạn vùng, cơ sở ATDB, mở rộng thêm các cơ sở mới bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần cung cấp chuỗi thực phẩm an toàn. Sản phẩm chăn nuôi từ các cơ sở sau khi được cấp giấy chứng nhận sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, khiến người tiêu dùng yên tâm về chất lượng. “Thị trường tiêu thụ ổn định, người sản xuất thêm yên tâm đầu tư mở rộng quy mô, tiến tới xóa dần tình trạng chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ, xây dựng các vùng chăn nuôi quy mô tập trung theo hình thức trang trại, gia trại theo sự yêu cầu tái cơ cấu ngành chăn nuôi”- ông Sĩ nói.
NGÔ THANH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.