Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 08/06/2016
Ngày cập nhật:
11/6/2016
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức Hội nghị "Phát triển chăn nuôi trong điều kiện hạn, mặn ở ĐBSCL" tại TP Cần Thơ. Dịp này, các bộ ngành hữu quan và các địa phương trong vùng đã nhìn nhận lại vai trò của ngành chăn nuôi đối với phát triển kinh tế và tạo sinh kế cho người dân. Một số giống vật nuôi mới, triển vọng cũng được đề xuất nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngành chăn nuôi bền vững, đặc biệt là trong điều kiện hạn mặn diễn biến phức tạp.
* Đầu tư chưa tương xứng
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, đến nay, ngành nông nghiệp ĐBSCL vẫn chưa thống kê chính xác những thiệt hại cũng như chưa có thông tin vật nuôi bị chết do xâm nhập mặn. Đơn cử như tỉnh Trà Vinh, tuy bị xâm nhập mặn khá nặng, nhưng nhờ hệ thống cống ngăn mặn hoạt động tương đối hiệu quả nên không ảnh hưởng đáng kể đến ngành chăn nuôi. Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, xâm nhập mặn ít ảnh hưởng đến chăn nuôi vì đa phần người dân sử dụng nước ngầm và nước máy. Ở tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau xâm nhập mặn diễn biến phức tạp nhưng chăn nuôi ít bị thiệt hại do chăn nuôi trên cạn ở các địa phương này phát triển kém…
Vịt biển, dê, thỏ... được đánh giá là những giống vật nuôi thích hợp với điều kiện hạn mặn ở ĐBSCL.
Kết quả trên cho thấy, trong khi ngành trồng trọt và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn mặn thì chăn nuôi dường như không bị thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng thiếu thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm có diễn ra. Song, do chăn nuôi ở ĐBSCL còn phân tán, nhỏ lẻ và số lượng đàn ít nên khó có những con số thống kê cụ thể. Ông Nguyễn Hữu Tỉnh, Phó Giám đốc Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ, Viện Chăn nuôi Quốc gia, cho biết: "Đối với ngành chăn nuôi, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nói chung và xâm nhập mặn nói riêng có thể làm bùng phát dịch bệnh; tăng tỷ lệ chết; hạn chế khả năng sinh sản, sinh trưởng; giảm cung ứng thịt, trứng, sữa… Đặc biệt, đối với các giống vật nuôi nhập khẩu trong hệ thống chăn nuôi công nghiệp, khả năng thích ứng với hạn mặn là không thể. Ngoài ra, hạn mặn còn tác động gián tiếp qua việc giảm năng suất và chất lượng nguồn thức ăn chăn nuôi. Chính vì vậy, giá thành chăn nuôi cao là không tránh khỏi…".
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, so với trồng trọt và thủy sản, thời gian qua, chăn nuôi ở ĐBSCL vẫn chưa được đầu tư tương xứng. Khi hạn, mặn xảy ra, các địa phương trong vùng mới "giật mình" nhận thấy đây là "lỗ hổng" lớn cần nhanh chóng được khắc phục để tạo sinh kế cho người dân. "Đợt đại hạn, mặn vừa qua đã làm nhiều hộ dân thiệt hại cả về thủy sản và trồng trọt, kinh tế kiệt quệ... Vì vậy, người dân ở ĐBSCL phải thay đổi nhận thức, tư duy, phải tính đến ngành chăn nuôi. Thực tế, phát triển chăn nuôi là rất cần thiết. Việc làm này có thể bù lại thiệt hại ở các lĩnh vực khác trong giai đoạn hạn, mặn, giúp người dân có điều kiện trang trải cuộc sống"- Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.
* Nhiều giống vật nuôi triển vọng
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, người dân phải thay đổi nhận thức, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. Thay vì chỉ nuôi các vật nuôi truyền thống (gia cầm, bò, heo…), các tỉnh, thành trong vùng có thể chọn một số giống vật nuôi như vịt biển, dê, thỏ, chim yến, ong, trăn... Bởi các giống vật nuôi này có sức sống bền bỉ, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có. Theo Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ, từ năm 2014, giống vịt biển được đưa ra Trường Sa nuôi thử nghiệm và chứng minh khả năng thích nghi nước biển, lợ, ngọt và nuôi trên cạn. Đây là giống vật nuôi mới, cho năng suất trứng khá cao (khoảng 200 - 210 trứng/mái/năm). Thực tế trong năm qua, giống vịt biển cũng được nuôi thử nghiệm ở Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang cho thấy khả năng thích nghi vùng hạn, mặn. Bên cạnh đó, giống vịt Hòa Lan siêu trứng (220 - 230 trứng/năm); vịt Hòa Lan chuyên dụng nuôi thịt sau 7 tuần tuổi đạt 3,2 kg/con, có khả năng phát triển thích nghi vùng nước lợ ven biển và chạy đồng. Gần đây, nghề nuôi ong ở ĐBSCL mới phát triển với tổng số 116.000 đàn ong, sản lượng mật đạt 242 tấn/năm. Một số địa phương trong vùng tham gia dẫn dụ và gây nuôi chim yến với 484 nhà yến, chiếm 35% số nhà yến trong cả nước…
Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: Ở Cà Mau, sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào mưa nên rất khó khăn trong chủ động nguồn nước. Vì vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nuôi thí điểm 2.800 con vịt biển. Qua đánh giá sơ bộ, loại vịt này phát triển tốt trên vùng nước mặn và cho thu nhập khá, ổn định cho người dân". Theo ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tỉnh đã triển khai nuôi 1.000 con vịt biển cho kết quả khả quan và cần được nhân rộng. Trong 63 ngày, vịt biển đạt trọng lượng 2,5kg và có thể chịu được độ mặn đến 23‰ trong khi vịt thường độ mặn 4‰ đã không thể sống được. Ngoài vịt biển, trong điều kiện hạn, mặn, ĐSBCL có thể nuôi thêm dê và thỏ vì 2 loại vật nuôi này uống rất ít nước. Các loại vật nuôi trong điều kiện hạn mặn cần chịu đựng được sự kham khổ, tận dụng thức ăn từ thiên nhiên thay vì thức ăn công nghiệp để tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất…
Để ngành chăn nuôi ĐBSCL có thể phát triển bền vững trong điều kiện hạn mặn, ông Nguyễn Hữu Tỉnh, Phó Giám đốc Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ, Viện Chăn nuôi Quốc gia đề xuất Chính phủ hỗ trợ, khuyến khích người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đầu tư, tiếp cận kỹ thuật mới để cải tiến năng suất. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các quần thể giống vật nuôi bản địa thuần chủng với quy mô đủ lớn phục vụ công tác chọn tạo và cải tiến năng suất liên tục. "Phát triển chăn nuôi ở ĐBSCL cần xem là một lợi thế. Đặc biệt, ở vùng ven biển dù điều kiện hạn mặn, các địa phương hoàn toàn có tiềm năng phát triển. Do đó trong định hướng phát triển cần thay đổi nhận thức, đề xuất quy hoạch chăn nuôi vào các đề án tái cơ cấu sản xuất. Mỗi địa phương phải tiến hành rà soát nhu cầu, xác định cụ thể vùng nào phát triển được con gì, chính sách đầu tư con giống, giải pháp kết hợp giữa các vật nuôi chủ lực được chọn với cây lúa, thủy sản... Ngoài ra, việc phát triển các loại vật nuôi đề xuất như trên phải theo quy hoạch, không phát triển ồ ạt và đặc biệt phải quan tâm đến vấn đề dịch bệnh và nhu cầu thị trường…"- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
MỸ THANH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.