• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Theo ong đi tìm mật

Nguồn tin: Báo Nam Định, 17/06/2016
Ngày cập nhật: 20/6/2016

Để có những dòng mật ngọt tự nhiên, người nuôi ong phải vất vả “lang thang” theo đàn ong đến khắp các vùng từ đồng bằng đến rừng núi hay cao nguyên nắng cháy... “không khác gì dân du mục tìm đồng cỏ và hồ nước trên thảo nguyên” như lời của những chủ đàn ong. Với người nuôi ong, đất trời, rừng núi là nhà, ong là tri kỷ, những dòng mật ngọt là quà tặng thiên nhiên!

Thú vị nghề nuôi ong

Tháng 6, Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Nam Định) đang vào mùa hoa sú, vẹt. Giữa bạt ngàn sóng nước, cỏ cây và hàng trăm loài động, thực vật, VQG Xuân Thủy đón thêm hàng nghìn đàn ong mật từ khắp mọi miền đất nước về đây hội tụ, cần mẫn tìm dòng mật ngọt. Riêng với anh Phạm Quang Hưng, xã Giao Thiện (Giao Thủy) đây lại là khoảng thời gian hiếm hoi anh được chăm sóc đàn ong ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình. Mới ngoài 30 tuổi nhưng anh đã có thâm niên gần 20 năm theo nghề nuôi ong. Trò chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ những vất vả, gian truân khi đã trót “bén duyên” với con ong. Nghề nuôi ong ở quê anh đã có từ rất lâu nhưng trước đây do tư tưởng coi là nghề phụ nên chủ yếu nuôi nội đồng. Mỗi nhà nuôi dăm chục đàn ong tận dụng các mùa hoa cây cối quanh vùng lấy mật phục vụ tiêu dùng, dư thì bán quanh cho người quen cần. Năm 2002, anh quyết định theo nghề nuôi ong mật sau một thời gian dài học hỏi, phụ việc cho các chủ ong trong làng bởi anh thấy tiềm năng kinh tế của nghề nuôi ong lấy mật nhờ khai thác nguồn hoa tự nhiên ở ngay quê nhà. Từ thực tế công việc anh đã trải qua cho thấy nghề nuôi ong đã được đúc rút đầu tư ít mà làm giàu nhanh nhờ lấy công làm lãi. Theo đó mỗi gia đình nuôi 1 thùng ong thì có đủ mật sử dụng quanh năm, nuôi đến thùng thứ 2 thì có mật để biếu anh em, bạn bè, còn khi nuôi đến thùng thứ 3 thì đã có mật để bán… Bắt đầu từ đó, hành trình du mục cùng ong đeo đuổi anh cho đến tận hôm nay. Ban đầu chỉ vài đàn ong, rồi phát triển vài chục đàn, vài trăm đàn, đến 1.000 đàn lúc nào không hay. Không giống với bất cứ nghề nào khác, để trụ được với nghề nuôi ong, người làm nghề này cũng phải cần mẫn, có kỷ luật, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho ong. Nghề nuôi ong lắm công phu, để đưa ong đi tìm mật, người nuôi thường phải tìm những vùng hoa có diện tích tương đương hoặc hơn số lượng đàn ong. Đồng thời chọn chỗ đặt đàn ong phải tương đối kín gió. Khi di chuyển đàn ong cũng phải tuân thủ những điều kiện khắt khe, cẩn trọng như di chuyển vào ban đêm, thật nhanh chóng, không được gây ra chấn động lớn làm ảnh hưởng đến đàn. Sau khi đã định vị được đàn ong, sáng sớm ong đi tìm mật, thợ ong phải kiểm tra thùng để biết ong có lấy đủ phấn, có khỏe mạnh không và thường xuyên đảo cầu để mật lên đều cũng như phát hiện loài ong lạ tấn công ong nhà hoặc những con vật thích ăn ong thợ như cóc, thằn lằn, tắc kè, rắn, mối… Anh Hưng bộc bạch, nghề nuôi ong giống như “đánh bạc với trời”. Tìm được nơi nhiều hoa, gặp thời tiết tốt thì chẳng mấy chốc thành tỷ phú. Có những vụ hoa nhãn xum xuê, trời nắng đẹp, mùa hoa kéo dài, lại nhiều mật, cứ hai đến ba ngày là được thu mật. 1.000 đàn ong của anh Hưng, mỗi lần quay mật được hàng tấn mật. Có năm may mắn người nuôi ong thu nhập tiền tỷ. Tuy nhiên, không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ. Loài ong rất mẫn cảm với thời tiết, môi trường, nếu “đen đủi” gặp vựa hoa có thuốc trừ sâu, hoặc thuốc kích thích đậu quả, lập tức ong sẽ chết như ngả rạ. Lúc đó, nếu người thợ không kịp di chuyển thì phải làm lại từ đầu. “Nhìn hoa, canh thời tiết” là nhiệm vụ quan trọng nhất của những người nuôi ong. Nếu gặp trời quá nóng, đàn ong sẽ bỏ đi, nếu quá lạnh ong cũng không bay đi được, sẽ tự ăn mật của mình rồi chết dần.

Chăm sóc đàn ong mật tại VQG Xuân Thủy.

Ngược xuôi theo ong tìm mật

Đưa ong đi tìm mật theo những mùa hoa không chỉ giảm chi phí nuôi dưỡng đàn ong mà năng suất, chất lượng mật lại cao hơn. Vậy nên đã chọn nghề nuôi ong làm kế sinh nhai thì việc ngược xuôi theo ong đi tìm mật là đương nhiên. Đây là thử thách lớn nhất với người muốn theo nghề ong mật. Một năm, bình quân người nuôi ong phải di chuyển đàn ong qua các vùng miền trong cả nước từ 5 đến 7 lần. Với anh Hưng, thông thường, bắt đầu từ tháng giêng đến tháng ba, anh di chuyển đàn ong về vùng Lục Ngạn (Bắc Giang), Ngọc Lũ (Hà Nam), Hưng Yên, sông Mã (Sơn La) để ong lấy mật hoa nhãn, vải; tháng 3 đến tháng 6, anh đưa ong về khu vực VQG Xuân Thủy để ong hút mật hoa sú vẹt; sang tháng 7, tháng 8, anh lại di chuyển đàn ong vào Đắc Lắc, Đắc Nông vừa tránh nóng, dưỡng ong vừa cho ong sinh sản tăng đàn, chuẩn bị cho một mùa đánh mật mới. Sang tháng 11, 12 anh cùng đàn ong đi Bình Phước theo vụ hoa điều, cao su, cà phê… Cứ thế, 4 mùa, 8 tiết, xoay trần cùng đàn ong, người nuôi ong không biết đến ngày nghỉ, ngày lễ, Tết và cũng không ở đâu lâu quá 2 tháng. Sống cùng đàn ong nơi rừng rú, đồi nương nên điều kiện sinh hoạt hết sức giản tiện. Tất cả tư trang hành lý chỉ gói gọn trong một chiếc lều nhỏ dựng chông chênh trên mặt đầm hay đám đất nhỏ. Suốt cả ngày lẫn đêm một mình lụi cụi, đêm không được bật đèn, ngày nấu ăn không được gây khói vì loài ong sợ ánh sáng, sợ khói sẽ bay đi mất. Rồi phải tìm hiểu nắm chắc phong tục tập quán của địa phương để tránh không phạm những điều kiêng kị của người dân bản địa. Cả năm, hầu như các anh chẳng biết đến truyền hình. Cũng may bây giờ phương tiện thông tin hiện đại, điện thoại thông minh kết nối internet, 3G nên các anh còn cập nhật được thông tin, liên lạc với gia đình và học hỏi kinh nghiệm qua mạng. Cứ khoảng 1 tuần, các thành viên trong đoàn lại thay phiên nhau đi vào khu dân cư để mua lương thực, thực phẩm, các dụng cụ cần thiết; nhiều nơi chưa có điện thì còn phải thêm công đoạn sạc điện cho đầy bình ắc quy để thắp sáng, nghe đài, sử dụng điện thoại. Đó là chưa kể đến việc lo đảm bảo an ninh, xây dựng mối quan hệ với chính quyền và người dân địa phương. Rồi khi ốm đau, lúc trái gió trở trời cũng chỉ có mấy anh em trong đoàn tự lo, tự liệu. Mọi trách nhiệm công dân, nghĩa vụ với cộng đồng, gia đình, họ mạc, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái đều được phó mặc cho người ở nhà. Theo được nghề phải có sức khỏe, cũng chỉ có thời tuổi nhất định, bù lại thu nhập không có nhiều nghề đạt được như vậy. Thế nên gần 20 chủ ong có mặt tại VQG Xuân Thủy vào mùa sú, vẹt năm nay, ai cũng tâm nguyện muốn gắn bó với nghề tới khi không làm được nữa mới thôi. Các anh bảo, nghề nào chả phải có điều kiện, đòi hỏi riêng của nghề. Với trình độ, tay nghề của các anh, nghề này cho thu nhập tốt, xứng đáng để “hy sinh” trước mắt, tạo lập kinh tế vững vàng cho tương lai.

Rời VQG, bên tai tôi vẫn nghe vo vo những âm thanh của những chú ong mật hoà với tiếng sóng ì oạp vỗ bờ khi thủy triều lên trong cánh rừng ngập mặn. Chúc cho các anh “chân cứng đá mềm” có một vụ mật thắng lợi, góp thêm sản vật mật ong sú vẹt Xuân Thủy trên thị trường, những đàn ong không chỉ dâng mật cho đời mà còn góp phần đáng kể vào thành công của những vụ cây trái bội thu./.

Nguyễn Hương

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
26/12/2016
25/12/2016
25/12/2016
24/12/2016
24/12/2016
23/12/2016

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang