Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị, 24/06/2016
Ngày cập nhật:
25/6/2016
Cùng với chất cấm, vấn nạn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đang trở thành mối lo ngại của cơ quan quản lý trong nỗ lực đảm bảo ATTP hiện nay.
Diễn biến phức tạp
Lâu nay, việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã trở nên khá phổ biến với 2 mục đích chính là phòng trị bệnh và phụ gia kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Do mang lại những lợi ích thiết thực nên tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi có xu hướng ngày càng tăng. Kết quả điều tra của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tại 94 nhà máy sản xuất, kinh doanh TĂCN công nghiệp trên địa bàn 18 tỉnh, TP cả nước cho thấy, nhiều cơ sở sử dụng hàm lượng kháng sinh trong sản xuất TĂCN gà, lợn cao hơn mức quy định. Điều này dẫn tới nguy cơ làm tăng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm và “nhờn” kháng sinh đối với vật nuôi.
Chăn nuôi an toàn sinh học tại trang trại Bảo Châu, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
Đối với các trang trại, qua đánh giá thực tế của Cục Chăn nuôi, hầu hết các trại nuôi gà có sử dụng kháng sinh đều dùng cao hơn quy định. Còn trang trại lợn sử dụng kháng sinh trong TĂCN với hàm lượng cao hơn 2 - 4 lần so với quy định. Ông Chu Đình Khu – Trưởng phòng TĂCN (Cục Chăn nuôi) nhìn nhận, việc quản lý sử dụng kháng sinh trong trại chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng sử dụng các loại kháng sinh không có trong danh mục, sai mục đích hoặc dùng không theo đúng hướng dẫn.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản kém chất lượng, nhập lậu đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và thực sự trở thành vấn nạn trong đời sống xã hội. Theo GS Vũ Duy Giảng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), mặc dù đã có quy định cụ thể về danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong chăn nuôi, song việc thực hiện những quy định này thường không được nhà sản xuất thức ăn công nghiệp và người chăn nuôi tuân thủ một cách nghiêm túc. Một số kháng sinh cấm sử dụng trong điều trị thú y như Eprofloxacin, Ciprofloxacin, Ofloxacin, Carbodox, Olaquidox… vẫn được lén lút nhập khẩu vào Việt Nam và sử dụng trái phép.
Từng bước loại trừ
Do nảy sinh nhiều lo ngại đến ATTP cũng như sức khỏe con người, từ những năm 1980, một số nước phát triển đã bắt đầu xây dựng lộ trình kiểm soát và tiến tới cấm sử dụng kháng sinh như chất kích thích sinh trưởng trong TĂCN. Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã ban hành danh mục cấm sử dụng một số loại kháng sinh trong TĂCN quy định tại Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT và Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2015. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chấp hành các quy định vẫn còn rất nhiều hạn chế. Bởi vậy, cuối tháng 5 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 06 quy định danh mục, hàm lượng 15 loại kháng sinh được phép sử dụng trong TĂCN gia súc, gia cầm với mục đích kích thích sinh trưởng tại Việt Nam. Quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 15/7 tới đây.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, cần thiết phải quy định cụ thể về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, chỉ sử dụng khi vật nuôi có bệnh và tuân thủ thời gian ngừng thuốc trước khi xuất bán. Đồng thời, tổ chức sản xuất theo chuỗi để có thể truy xuất được sản phẩm có tồn dư kháng sinh và có biện pháp xử lý theo quy định. Đặc biệt, các địa phương cần thành lập nhóm công tác kiểm tra đột xuất việc lạm dụng sử dụng kháng sinh ngay tại các cơ sở chăn nuôi, nhất là nhóm hộ tự phối trộn TĂCN hay tận dụng thức ăn thừa của các nhà hàng, bếp ăn tập thể.
Thời gian qua, liên tiếp nhiều lô hàng thủy sản bị cảnh báo chất lượng ATTP liên quan tới tình trạng lạm dụng kháng sinh gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây là bài học vô cùng đắt giá cho ngành chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Để ngăn chặn vấn nạn này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng khẳng định, phải tuyên chiến với tình trạng lạm dụng kháng sinh giống như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Bộ NN&PTNT cũng cam kết từ nay đến hết năm 2016 sẽ kiểm soát cơ bản việc lạm dụng kháng sinh trong TĂCN. Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch, hành động cụ thể và quyết liệt thì mục tiêu này khó có thể hoàn thành.
Thiện Quang
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.