Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 06/07/2016
Ngày cập nhật:
7/7/2016
Gần 2 tháng nay, tại khu vực Tiểu khu 604, 605 và khu vực ven bờ Bắc đập Tân Kim thuộc địa bàn xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) xuất hiện đàn trâu lạ 9 con rất hung hãn (gồm 7 con trâu cái, 2 con trâu đực), khi thấy người dân vào rừng thì chúng lập tức tấn công, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của nhân dân trên địa bàn có hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại trong rừng. Sự việc một lần nữa cảnh báo vấn nạn trâu bò thả rong trong rừng lâu ngày không đưa về nhà, trở thành trâu bò hoang quay lại tấn công người và phá hoại tài sản hoa màu, cây cối của người dân sống ven vùng rừng giáp ranh giữa các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Đakrông trong những năm vừa qua.
Nuôi bò nhốt chuồng góp phần hạn chế vấn nạn trâu bò hoang. Trong ảnh: Giới thiệu mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt ở xã Cam Tuyền, Cam Lộ - Ảnh: LÂM THANH
Từ khi xuất hiện đàn trâu hoang hung hãn kể trên, hơn 30 công nhân của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 và một số hộ dân xã Cam Tuyền hàng ngày có hoạt động sản xuất kinh doanh xung quanh vùng rừng thuộc Tiểu khu 604, 605 và khu vực bờ Bắc đập Tân Kim thường xuyên sống trong lo âu, sợ hãi. Ngày 6/5/2016, anh Phan Doanh, công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 khi đang đi kiểm tra rừng ở Tiểu khu 604 thì bị đàn trâu này tấn công gây thương tích đặc biệt nghiêm trọng ở vùng ngực, phải đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ngày 16/5/2016, đàn trâu tiếp tục tấn công anh Lê Văn Tiến và Nguyễn Văn Quy ở thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, rất may do phản ứng kịp thời trèo lên cây nên cả hai đã thoát nạn. Trước tình hình trên, ngày 17/5/2016, UBND xã Cam Tuyền đã ra Thông báo số 12/TB-UBND về việc xuất hiện đàn trâu lạ tấn công người dân và yêu cầu ai là chủ sở hữu của đàn trâu thì báo cáo với chính quyền địa phương để kịp thời xử lý; đồng thời báo cáo lãnh đạo huyện Cam Lộ xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, đến nay UBND xã Cam Tuyền vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi nào về chủ sở hữu đàn trâu trên.
Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, cho biết: “Trâu bò hoang tấn công người dân và phá hoại hoa màu trước đây đã từng xảy ra một vài lần ở địa bàn xã Cam Tuyền. Lần này đàn trâu càng ngày càng hung hãn, địa bàn hoạt động rộng, chặn đường và rượt đuổi tấn công người rất nguy hiểm đến tính mạng, gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 và người dân trên địa bàn xã Cam Tuyền. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì tính mạng của người dân có hoạt động sản xuất kinh doanh trong rừng, rồi nhiều vấn đề về an ninh trật tự phức tạp khác khó lường, ví dụ như việc quản lý sử dụng súng của các đối tượng đi săn…”.
Cũng theo ông Hoàng Liên Sơn, khó có thể biết được giữa vùng rừng giáp ranh của ba huyện Cam Lộ, Gio Linh, Đakrông còn có thêm đàn trâu bò hoang hung hãn nào quay lại tấn công người nữa hay không. Vì tập quán chăn thả rông trâu bò dài ngày trong rừng những năm trước đây của người dân các xã vùng gò đồi bán sơn địa dẫn đến nhiều đàn không đưa được về nhà, trở thành trâu bò hoang. Chỉ tính riêng thôn Ba Thung, xã Cam Tuyền những năm 2000 có khoảng 200 con bò thả rông của các hộ dân không thể đưa về nhà được, trở thành bò hoang; các thôn Bản Chùa, Tân Hiệp, Tân Quang cũng có hàng chục con trâu thả rông trở thành trâu bò hoang…
Việc tồn tại các đàn trâu, bò thả rông giữa rừng lâu ngày trở thành trâu bò hoang tạo nên “sức hấp dẫn” thu hút các tay thợ săn khắp nơi trong tỉnh lén lút về vùng rừng này sử dụng đủ các loại súng để bắn trâu, bò. Đêm đêm, tiếng súng lại vang lên đây đó, rồi hôm sau người dân vào rừng phát hiện trâu, bò chết nhưng chẳng còn cái chân nào. Các tay thợ săn khi hạ gục được con trâu hay con bò chỉ lấy thịt ở 4 chân đưa về, còn các bộ phận khác của trâu bò vứt lại giữa rừng, vì đưa cả con trâu hay bò ra khỏi rừng thì dễ bị phát hiện. Câu chuyện quản lý súng, đạn, vật liệu nổ, đặc biệt là súng tự chế của người dân để săn bắn trong rừng cũng đang làm đau đầu các cơ quan chức năng ở Cam Lộ.
Làm thế nào để giải quyết tận gốc vấn nạn trâu bò hoang trên địa bàn huyện Cam Lộ nói riêng và toàn tỉnh nói chúng là bài toán khó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành chức năng trong tỉnh và các huyện. Trước mắt là việc xử lý kịp thời đàn trâu hoang hung hãn tấn công đe dọa tính mạng con người trên địa bàn xã Cam Tuyền hiện nay: tổ chức bắn tiêu diệt hay dùng lực lượng xua đuổi đàn trâu vào rừng sâu?. Gần hai tháng trôi qua mà các cơ quan chức năng của huyện, xã vẫn loay hoay chờ xin ý kiến chỉ đạo giải quyết, trong khi tính mạng của người dân đang từng ngày bị đe dọa. Rồi vấn đề quy hoạch vùng chăn nuôi trâu bò, quy hoạch đồng cỏ chăn nuôi như thế nào cũng phải cần tính toán hợp lý và hiệu quả…
Nói như ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, khó biết được giữa rừng còn có thêm bao nhiêu đàn trâu bò hoang hung hãn có thể quay lại tấn công đe dọa tính mạng và phá hoại tài sản của người dân nữa hay không, nên các phương án xử lý cần kịp thời, có tính căn cơ, lâu dài, giải quyết tận gốc vấn đề trâu bò hoang, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đưa chăn nuôi gia súc trở thành mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
THANH HẢI
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.