Nguồn tin: Báo Tây Ninh, 18/07/2016
Ngày cập nhật:
20/7/2016
Nghề chăn trâu bò ven hồ Dầu Tiếng thu hút khá nhiều lao động tham gia với đàn trâu, bò lên đến hàng trăm con. Những người làm nghề này, gần như quanh năm cùng với đàn trâu, bò cứ từ sáng tới tối rong ruổi qua những đồng cỏ ở Phước Ninh, Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) cho tới tận khu vực thượng nguồn ở Tân Thành, Suối Ngô, Tha La (huyện Tân Châu)…
Ven hồ Dầu Tiếng mênh mông.
Được coi là hồ nhân tạo lớn nhất vùng Đông Nam Á, hồ Dầu Tiếng được bao bọc bởi một hệ thống đê bao rộng lớn, lấy trung tâm là vùng thượng nguồn sông Sài Gòn trước đây. Khác với những hồ nước tự nhiên, hồ Dầu Tiếng có địa thế ven bờ khá bằng phẳng. Mùa khô người ta có thể trồng khoai mì, mía dọc bờ hồ tạo thành những cánh đồng mênh mông. Mùa tích nước, cỏ và những cây thân mỏng mọc hoang rất nhiều, đây là thế giới không thể tốt hơn cho loài trâu. Nơi đây hiện trở thành “thế giới” mưu sinh của hàng trăm người dân cư ngụ quanh lòng hồ, trong đó có những người làm nghề chăn thả trâu bò.
“Màn trời chiếu đất” cùng trâu
Nghề chăn trâu bò ven hồ Dầu Tiếng thu hút khá nhiều lao động tham gia với đàn trâu, bò lên đến hàng trăm con. Những người làm nghề này, gần như quanh năm cùng với đàn trâu, bò cứ từ sáng tới tối rong ruổi qua những đồng cỏ ở Phước Ninh, Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) cho tới tận khu vực thượng nguồn ở Tân Thành, Suối Ngô, Tha La (huyện Tân Châu)…
Ông Nguyễn Văn Thuận, 56 tuổi, ngụ tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu- một người chăn trâu khá lâu năm ở ven hồ cho biết, đất bán ngập khu vực ven hồ rất thích hợp với loài trâu. Nhìn đàn trâu hơn 40 con, ông cười hiền lành: “Mình cũng là chăn thuê thôi. Chủ đàn ở bên thị trấn Dương Minh Châu.
Trâu đây hầu hết là trâu bên Campuchia đưa về. Lúc mới đem về, chúng rất gầy gò, phải nuôi từ nửa năm đến một năm mới béo tốt lên. Trâu nuôi thịt thường bán cho các nhà hàng, quán ăn dưới thành phố. Mình chăn thuê và tiền công được trả theo tháng. Mỗi con trâu được trả 100.000 đồng/tháng với điều kiện trâu phải béo, có tăng trọng lượng. Nếu để trâu chết hay trâu đi lạc thì phải đền cho chủ. Còn nếu trâu trong đàn sinh con thì người chăn sẽ được chia phân nửa giá trị của con nghé.
Nghề chăn trâu khá vất vả, vì người chăn thường phải sống kiểu “màn trời chiếu đất”, quanh năm bám lấy lòng hồ”. Bù lại, cũng theo ông Thuận, khoản thu nhập từ nghề chăn trâu đủ giúp ông nuôi hai đứa con đang ăn học dưới thành phố. Thông thường, cứ chừng vài tháng hoặc cứ khi có khách mua trâu, người chủ lại đến thăm đàn. Ngã giá xong, trâu được trao tay, đưa đi luôn. Giờ, thịt trâu đang được ưa chuộng nhiều tại các nhà hàng, quán ăn ở thành thị nên nghề nuôi trâu cũng khá phát triển.
Kể về cái nghề chăn trâu rong ruổi như du mục của mình, anh Thiết, 44 tuổi ở Suối Ngô (huyện Tân Châu) cho biết, hồ Dầu Tiếng có chu vi rộng hàng trăm cây số, nên với công việc của mình, anh chỉ cần đi giáp một vòng quanh lòng hồ là đủ… hết năm! Trước kia, anh từng có hơn chục năm làm nghề đánh cá trên lòng hồ nhưng về sau, việc khai thác thuỷ sản trở nên khó khăn. Ba năm trước, có người chị ở xã bên nhờ trông giùm đàn trâu mới dắt bên Campuchia về, thấy ven hồ Dầu Tiếng nhiều bãi cỏ tốt, rộng rinh nên cứ sáng anh lùa đàn trâu ra, tối lùa về. Lâu dần, quen việc, anh ở hẳn luôn khu bờ hồ. Đàn trâu chả gây hại gì cho ai nên anh không sợ xảy ra điều phiền toái.
Rong ruổi quen rồi
Trâu vốn là loài gia súc quen thuộc của con người. Thông thường chúng tương đối hiền lành, dễ điều khiển. Tuy nhiên, nhiều con trâu được mua từ bên Campuchia về, ít tiếp xúc với người nên khá hung hãn. Chỉ cần trong đàn có vài con trâu như vậy người chăn đủ vất vả, nhất là khi chúng có nhu cầu “tìm bạn tình”. Vì thế, với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nghề chăn trâu, ông Thuận cho rằng điều quan trọng nhất cần làm trong những tình huống như vậy là phải tìm ra và điều khiển con trâu đầu đàn. Thường trâu đầu đàn là trâu đực, to khoẻ, sừng dài nhất. Nếu con đầu đàn uống nước thì cả đàn cũng sẽ uống theo. Tương tự, con đầu đàn đi ăn cỏ hay đi ngủ, cả đàn cũng sẽ ăn, sẽ ngủ theo. “Tuy nhiên, do mình chăn thuê nên phải tuỳ theo ý chủ. Nhiều khi có khách hỏi mua đúng con trâu đầu đàn, chủ đồng ý bán đi thì mình phải tìm con trâu khác để dẫn đàn”- ông Thuận chia sẻ.
Công việc vất vả chưa phải là điều người chăn trâu thuê e ngại nhất, mà cái khiến họ lo lắng nhất chính là sự thất thường của thiên nhiên. Cả khu vực ven hồ mênh mông đồng cỏ, bàu nước nhưng mỗi khi trời mưa to gió lớn, hầu như không có chỗ nào an toàn cho họ trú ẩn. “Đêm phải chất củi đốt để neo đàn và phải căng bạt làm lều ngủ. Mùa mưa đến, người chăn trâu cực khổ vô cùng. Nhiều đêm mưa gió mạnh, trâu sợ sấm chạy lung tung là coi như mất ngủ cả đêm, bụng nơm nớp sợ bị lạc mất trâu. Mỗi con trâu mấy chục triệu đồng, nếu để lạc mất con nào thì coi như cả năm làm công cốc”- ông Thuận vừa nhìn xa xăm ra phía lòng hồ, vừa tư lự kể.
Ông Thuận với công việc chăn trâu hằng ngày.
Trong số những người chăn thuê ở khu vực hồ Dầu Tiếng, có cả phụ nữ. Chúng tôi đã gặp chị Viễn, 42 tuổi quê ở Định Thành, thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương- người có thâm niên hơn 5 năm gắn bó cùng đàn trâu ven hồ. Chị Viễn kể, hồi trước hai vợ chồng chị nhận chăn 18 con trâu của một người ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Nhờ được chăm sóc kỹ, trâu béo nhanh, mới đợt đầu đã đẻ thêm hai con nữa. Cuối năm, cả tiền công lẫn tiền được chia trâu, chị thu được vài chục triệu đồng.
Năm sau, cứ tưởng sẽ dư dả hơn, nào ngờ trời chẳng thương người khó, vào đầu mùa mưa anh Bảo- chồng chị bị bệnh, nằm liệt giường mấy tháng. Anh giữ được tính mạng nhưng đôi chân không còn khoẻ mạnh như trước nữa. Thấy vậy, chị Viễn tính trả đàn trâu lại cho chủ thì anh bảo: thôi cứ cố đeo bám công việc để nuôi hai đứa con, anh ở nhà sẽ tự chăm lo cho bản thân. Thế là chị Viễn lại tiếp tục công việc của mình, đã hơn 3 năm rồi chị một mình rong ruổi, lặn lội cùng đàn trâu ven hồ, đêm hôm mưa gió cũng không quản ngại. “Nghề này cơ cực và cả nguy hiểm, nhưng nó nuôi sống cả nhà. Giờ chồng tôi cũng khoẻ lại, thỉnh thoảng vẫn ra canh đàn, bầu bạn cùng vợ cho đỡ buồn nhưng không còn rong ruổi theo đàn được nữa”- chị Viễn tâm sự.
Hàng chục người chăn trâu ven hồ Dầu Tiếng, mỗi người một cảnh đời, một nỗi niềm riêng. Điểm chung của họ là hoàn cảnh gia đình khó khăn và họ luôn biết kiên trì, chịu khó, rất bền bỉ với công việc của mình. Với họ, đàn trâu không chỉ là những con vật hữu ích, giúp họ có cơ hội việc làm, cơ hội kiếm tiền giải quyết chuyện áo cơm hằng ngày, mà chúng còn là những người bạn luôn song hành trong cuộc sống rày đây mai đó.
ĐOÀN ĐẠI TRÍ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.