Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 29/12/2015
Ngày cập nhật:
4/1/2016
Huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) lâu nay nổi tiếng về giống trâu Ngố. Đặc điểm của giống trâu Ngố là tầm vóc to khỏe, trọng lượng trâu đực bình quân gần 500 kg/con; trâu cái trung bình gần 400 kg/con.
Trong những đợt bình tuyển trâu khỏe giống tốt để nhân đàn, Chiêm Hóa đã chọn lọc được những con trâu đực có trọng lượng lên tới 700 kg/con; trâu cái 526 kg/con. Vài năm trở lại đây, nhu cầu thực phẩm thịt trâu tăng cao đã khuyến khích nhiều hộ huy động vốn phát triển chăn nuôi từ 15 con đến 25 con trâu. Theo kết quả thống kê cuối năm 2015, tổng đàn đại gia súc của huyện Chiêm Hóa có 29.088 con, huyện phấn đấu đến năm 2020 tổng đàn đạt 32.000 con. Tuy nhiên, trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, giá bán trâu Chiêm Hóa thường bị đánh đồng với giá trâu gié (trâu nhỏ), nhất là giá trâu thương phẩm gây thua thiệt cho hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã trong huyện.
Đàn trâu Ngố tại xã Vinh Quang (Chiêm Hóa - Tuyên Quang)
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lập vùng chăn nuôi tập trung và tăng thu nhập cho người chăn nuôi trâu, đầu năm 2014 UBND tỉnh đã có Quyết định số 758/UBND-KHCN ngày 3-4-2014 về việc giao cho Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa đăng ký nhãn hiệu tập thể “Trâu Chiêm Hóa Tuyên Quang”. Theo định hướng trên, Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa phối hợp với Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Thái Nguyên do Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Đỗ Thị Thúy Phương là Chủ nhiệm dự án đăng ký nhãn hiệu tập thể. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện và hoàn thiện hồ sơ, ngày 17-12-2015 Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 79011/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Trâu Chiêm Hóa Tuyên Quang” số 255719 cho Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa. Theo đó, Nhãn hiệu tập thể đã bảo hộ độc quyền cho 3 nhóm sản phẩm, bao gồm nhóm trâu thịt đã qua chế biến; nhóm chăn nuôi trâu giống và chăn nuôi trâu thịt; nhóm mua bán trâu giống, trâu thịt và thịt trâu đã chế biến.
Có được nhãn hiệu tập thể "Trâu Chiêm Hóa Tuyên Quang" là điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng cao giá trị sản phẩm trâu, tăng sản lượng tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho người dân và giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân tại huyện Chiêm Hóa nói riêng và toàn tỉnh Tuyên Quang nói chung. Đây còn là cơ hội cung cấp nguồn giống tốt cho địa phương, cung cấp sức kéo cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao thương hiệu "Trâu Chiêm Hóa Tuyên Quang". Đối tượng sử dụng kết quả của dự án là các nhà sản xuất, các hợp tác xã, chủ nhãn hiệu tập thể (Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa) và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến Nhãn hiệu tập thể. Nhãn hiệu tập thể sẽ tạo dựng được thương hiệu của sản phẩm "Trâu Chiêm Hóa Tuyên Quang", nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo quyền lợi cho cả người sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, thúc đẩy phát triển chăn nuôi ổn định, thu hút và tạo việc làm tại chỗ có thu nhập tốt cho lao động khu vực nông thôn, góp phần tích cực vào mục tiêu xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Chiêm Hóa. Trên cơ sở đó, tăng hiệu quả cho ngành sản xuất chăn nuôi, mở ra triển vọng áp dụng rộng rãi, khai thác có hiệu quả về điều kiện tự nhiên, đất đai, lao động, kỹ thuật chăn nuôi trâu của huyện Chiêm Hóa và toàn tỉnh Tuyên Quang.
Kết quả thành công của dự án đã bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng; hình thành và nâng cao được nhận thức ở mọi người về giá trị của tài sản trí tuệ nói chung, nhãn hiệu tập thể nói riêng trong sản xuất nông nghiệp, từ đó họ gắn kết nhau cùng xây dựng, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc thù của địa phương mình; tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất và tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Sự thành công của dự án còn có thể kéo theo việc phát triển các ngành nghề khác như: ngành chế biến thực phẩm, dịch vụ… Từ đó, góp phần vào quá trình sản xuất hàng hóa và phân công lao động trong nông thôn theo cung đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm nông sản; đào tạo một hệ thống những người sản xuất, quản lý kinh doanh chuyên nghiệp về chăn nuôi trâu với kỹ thuật, kỹ năng và kiến thức trong phát triển chăn nuôi đảm bảo tính bền vững.
Duy Hùng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.