Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 29/07/2016
Ngày cập nhật:
30/7/2016
Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân ở thôn Bắc- Triều- Vịnh, xã Phong Hiền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) vẫn duy trì nuôi heo theo cách truyền thống bằng rau, bột cám. Cũng từ điều kiện thực tế này, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phong Điền đã chọn hộ đại diện để triển khai mô hình chăn nuôi heo an toàn, hướng đến nhân rộng ra nhiều nơi khác.
Nuôi heo bằng rau, cám truyền thống đang rất được khuyến khích để tạo ra sản phẩm an toàn
Nhu cầu thực tế
Xu hướng dùng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn đang được người tiêu dùng lựa chọn. Nắm bắt tâm lý này, nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ ở thôn Bắc - Triều - Vịnh, xã Phong Hiền vẫn duy trì hình thức nuôi bằng nguồn thức ăn “tự cung tự cấp”. Gia đình chị Dương Thị Tỵ, Nguyễn Thị Xoa, Nguyễn Thị Hương… là những hộ điển hình còn duy trì cách nuôi truyền thống này. Không đầu tư nuôi nhiều, hiện mỗi hộ chỉ nuôi từ 3 đến 5 con heo nái và thịt. Ngoài thời gian cho việc đồng áng, mỗi ngày họ chỉ bỏ thêm chút công để hái rau, nấu cám và tận dụng nguồn thức ăn thừa cho heo, kết hợp chăn nuôi vài chục con gà thả vườn. Mặc dù có người cho rằng, cách nuôi này quá “lạc hậu”, khó làm giàu, nhưng theo các chị tính, thời gian bỏ ra không nhiều, heo giống đã có sẵn, nên cách nuôi truyền thống vẫn mang lại hiệu quả về kinh tế và cung cấp được thịt sạch cho bà con.
Là một trong những người có “tay” nuôi, chị Dương Thị Tỵ phấn khởi khoe: “Biết nhà tui nuôi heo cho ăn chỉ toàn rau, cám, nên tư thương cứ dặn đặt mua trước. Đến khi xuất chuồng, giá heo của tui lúc nào cũng cao hơn 4 đến 5 giá so với heo nuôi bột ngoài thị trường”. Theo kinh nghiệm của chị Tỵ, cách nuôi heo truyền thống này tuy tăng trọng chậm, nhưng bù lại ít bị nhiễm dịch bệnh và bán được giá. Nhà có làm ruộng, cộng thêm có đất trồng rau muống, môn, rau khoai, nên chỉ cần bỏ chút công là có thức ăn vừa tươi, an toàn, mà lại rẻ tiền.
Khác với kiểu nuôi trước đây, để đảm bảo vệ sinh môi trường, gia đình chị Tỵ và nhiều hộ nuôi khác cũng đã đầu tư xây chuồng gia súc tách riêng với chuồng nuôi gia cầm và nằm tách biệt nhà ở, cách xa các hộ xung quanh. Do quy mô nuôi ít, phần lớn các chủ nuôi đều xây hố ủ phân để tận dụng bón lót cho cây trồng.
Xây dựng địa chỉ “heo sạch”
Chị Hà Thị Bích Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Hiền cho biết, Bắc Triều Vịnh là thôn phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng trọt. Cả thôn có 127 hội viên hội phụ nữ, đa phần làm nghề nông. Do đó, tận dụng nông sản tự làm ra và thời gian nông nhàn, nhiều chị em kết hợp vừa làm lúa và chăn nuôi heo, gà, vịt, kiếm thêm nguồn thu đáng kể.
Từ khi rộ lên tình trạng nuôi heo có sử dụng hóa chất gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng, một số hộ nuôi heo “bột” cũng đã chuyển sang nuôi heo cho ăn bằng rau, cám truyền thống.
Chị Hương, một người dân trong thôn chia sẻ, heo nuôi theo cách truyền thống thịt thơm ngon, chất lượng và rất an tâm được người tiêu dùng, ưa chuộng. Tuy nhiên, do số lượng nuôi còn ít, nên hễ nhà nào có heo đến kỳ xuất chuồng là người thân, bà con trong xóm đều đã đặt hàng. Gặp dịp trong làng có đám giỗ, cưới, hỏi hay lễ tết thì thịt heo “sạch” càng “cháy hàng”.
Nhận thấy đây là hướng nuôi phù hợp với điều kiện ở địa phương và đang là nhu cầu thực tế của người tiêu dùng về nguồn thịt sạch, Hội LHPN huyện đã lên kế hoạch và chọn thôn Bắc Triều Vịnh triển khai thí điểm mô hình nuôi heo an toàn.
Theo chị Hà Thị Bích Hường, nếu tính về lợi nhuận kinh tế, phương thức chăn nuôi heo nhỏ lẻ theo cách truyền thống sẽ không bằng nuôi heo công nghiệp. Nhưng bù lại, người nuôi có thể tận dụng hết thức ăn thừa, sản phẩm tự trồng ra và là hướng phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường. Với số lượng heo giống hỗ trợ cho hội viên tham gia mô hình không nhiều, nên ngoài những hộ được xét đủ điều kiện và bốc thăm trúng, những hộ nuôi khác cũng sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi an toàn, được tạo điều kiện về đầu ra. Thông qua sự “tiếp lửa” này, nhiều bà con có tham vọng duy trì và phát triển mô hình nuôi truyền thống để tạo ra một thương hiệu “heo sạch” của xã Phong Hiền.
Hoài Thương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.