Nguồn tin: Báo Bình Phước, 28/07/2016
Ngày cập nhật:
1/8/2016
Vì dành hết tâm huyết cho đàn heo mà vợ chồng anh Trần Như Thái (1971) ở xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đang được trả công xứng đáng với cuộc sống đầm ấm, kinh tế dư dả và danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Tích lũy kinh nghiệm từ làm công
Thân trai tráng từ vùng đất Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi vào Bình Thắng lập nghiệp năm 1993, anh Thái (tên thường gọi là Hiệp) chỉ có sức khỏe. Sau 2 năm cần mẫn làm thuê, anh đã có hơn 1,5 ha đất trồng mì, trỉa bắp trong vườn cà phê non và nên duyên với chị Võ Thị Mỹ Nương cùng “gốc” Quảng Ngãi. Nhưng sau 4 năm, cà phê bắt đầu cho thu thì lại rớt giá, 1kg cà phê không đổi được 1kg cà pháo. Vợ chồng anh Thái đành bỏ lại vườn rẫy, khăn gói xuống thành phố Hồ Chí Minh làm thuê. Đến khi chị của vợ anh Thái có trang trại nuôi heo ở Long Thành (Đồng Nai) thì họ về đó làm công. “Ở Đồng Nai, nuôi heo rất phát triển. Tôi được tham gia rất nhiều khóa tập huấn nuôi heo nái, heo thịt, cách trị bệnh và ngày càng thấy thích vì càng làm càng học hỏi lại càng biết thêm nhiều điều thú vị” - anh Thái cho biết.
Người dân thăm trang trại nuôi heo của gia đình anh Thái
Sau nhiều năm làm công cũng đã “mỏi gối chồn chân”, năm 2008, vợ chồng anh bàn nhau quay lại Bình Thắng sống ổn định vì tương lai con cái.
Động viên các em về lại vùng đất Bình Thắng, chị gái chị Nương cho vợ chồng em chọn heo về gây đàn. Chị Nương cười sảng khoái khi nhớ lại việc nhận tiền công bằng heo: “Vợ chồng tôi tính toán phải có tất cả loại heo từ nái, thịt đến heo con để khi về gây đàn sớm có heo xuất chuồng nhằm trang trải cuộc sống ban đầu. Sự nhanh nhạy ấy đã giúp chúng tôi bám trụ đến hôm nay”.
Heo không phụ công người
Về lại Bình Thắng, vợ chồng anh Thái cất nhà, làm chuồng trại và gây giống tiêu. “Gọi là nhà nhưng cũng chỉ là nhà tạm để che mưa, che nắng chứ không ngăn phòng. Vợ chồng còn phải chắt bóp làm chuồng nuôi heo và trồng tiêu” - anh Thái nhớ lại.
Cần mẫn “lấy ngắn nuôi dài” đã giúp anh chị từng bước vượt qua khó khăn. Nhưng có của ăn của để như hôm nay vợ chồng anh gặp không ít phen lao đao tưởng có lúc bị phá sản, phải quay lại với nghề làm thuê...
Năm 2010-2011, dịch tai xanh bùng phát, heo của gia đình không bị bệnh nhưng tính toán găm hàng chờ hết dịch bán sẽ thu lãi cao nên anh chị không xuất heo khi đủ ký mà cứ nuôi cầm chừng. Không ngờ, thị trường sau dịch càng ảm đạm, người tiêu dùng quay lưng với thịt heo. Trong khi đó, heo được cho ăn cầm chừng nên không lên ký, thậm chí sụt đi. Vậy là sau vài tháng, giá chẳng nhích lên anh chị đành phải bán lỗ và lỗ luôn cả mấy tháng chi tiền cám...
Yên ổn được 1 năm thì đến 2013, thông tin nhiều hộ chăn nuôi heo sử dụng chất cấm lại khiến giá heo giảm mạnh. Anh Thái phân trần: “Mình ở vùng sâu, vùng xa, làm gì có sử dụng chất cấm nhưng cũng bị vạ lây, bao nhiêu công sức đổ ra coi như mất trắng. Lao đao nhiều phen nên rất sợ nghe phải tin xấu. Mỗi khi nghe đâu đó làm ăn gian dối là mình vừa giận vừa lo. Mừng là đến nay, gia đình mình vẫn trụ được với nghề nuôi heo. Vì mình làm ăn đàng hoàng mà”.
Vẫn nặng nỗi lo vốn
Cũng vì quan tâm đến heo nên cứ 5 giờ 30 phút mỗi ngày, anh Thái đều đặn xem tin thời sự trên Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTV1. Bản tin nhà nông và thông tin thời sự mỗi sáng giúp anh có thêm niềm tin đầu tư nuôi heo và chủ động đối phó khi tình huống không hay xảy ra. “Tôi phải cập nhật tình hình biến động heo vì liên quan trực tiếp đến miếng cơm của mình. Khi nghe tin phát hiện các hộ chăn nuôi heo ở tỉnh Đồng Nai sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tôi buồn lắm! Nghe xong tôi thở dài nói với vợ: Rồi, vậy là mình lại bị vạ lây cho xem! Và đúng như tôi cảnh báo, giá heo giảm không ngờ, đã thế còn khó bán khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng. Không ít hộ ở đây bỏ nghề. Còn vợ chồng tôi, vì thích và hiểu nên vẫn biết cách trụ được” - anh Thái nói.
Heo hiện được gia đình anh Thái phân theo từng khu để nuôi: heo con, nái, thịt với tổng đàn khoảng 500 con. Xuất thân từ dân lao động lam lũ, chịu thương, chịu khó nên dù đã khá giả nhưng họ vẫn cần mẫn với đàn heo và chỉ thuê thêm 1 nhân công. Có hàng chục năm kinh nghiệm nuôi heo, phối giống đến cả phòng trị bệnh nên giờ anh Thái rất tự tin lo cho heo từ A đến Z. Anh Thái hiện là hội viên nông dân và chị Nương là hội viên phụ nữ nên khi biết hội viên nào khó khăn, anh chị liền vui vẻ “cho mượn” heo giống về tăng đàn, khi nào có điều kiện mới trả lại. Nhờ cách làm này mà nhiều hộ đã vượt qua khó khăn, thoát nghèo.
Điều anh Thái trăn trở nhất là thiếu vốn để mở rộng quy mô đàn. Với đàn heo 500 con và 600 nọc tiêu nhưng anh cũng chỉ được ngân hàng thẩm định cho vay tối đa 150 triệu đồng. Chị Nương nhẩm tính: “150 triệu đồng chỉ đủ trang trải cho đàn heo chừng nửa tháng. Vì thế, vợ chồng tôi phải vay lãi bên ngoài giá cao hơn nhiều. Mỗi năm thu nhập khoảng 700 triệu đồng nhưng trả lãi cao gần một nửa. Nếu được ngân hàng cho vay vốn nhiều hơn, chúng tôi sẽ mở rộng chuồng trại và đầu tư nuôi thêm gà. Ở đây vườn rộng, lại nắm vững kỹ thuật về chăn nuôi an toàn sinh học, chúng tôi tin sẽ thành công. Tiếc nhưng “cái khó bó cái khôn”, chúng tôi đành chấp nhận chịu thiệt”.
Ngọc Tú
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.