Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 01/08/2016
Ngày cập nhật:
2/8/2016
Một số bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, E.coli đang xuất hiện rải rác trên đàn gia súc ở nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang. Tuy đây là những bệnh thông thường nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Người dân cần chủ động tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc của gia đình.
Nguy cơ bùng phát dịch cao
Theo các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố Vị Thanh, mấy tháng nay việc chăm sóc vật nuôi khá vất vả bởi thời tiết nắng, mưa thất thường làm sức đề kháng trên đàn gia súc yếu, dễ nhiễm bệnh. Bà Trịnh Thị Diệu, ở ấp 4, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết sau khi mua 3 con heo về nuôi chưa đầy một tháng thì 2 con đột nhiên phát bệnh, có biểu hiện bỏ ăn, toàn thân run rẩy rồi lăn ra chết. Sự việc xảy ra trong vài giờ đồng hồ khiến bà Diệu lỗ gần 4 triệu đồng tiền mua con giống.
Bà Diệu xót xa kể: “Dù nuôi với số lượng ít nhưng tôi rất chú trọng việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. Lúc chọn mua con giống, người ta nói đã tiêm phòng đầy đủ các bệnh E.coli, dịch tả, tụ huyết trùng. Thế là tôi tin tưởng mua về nuôi. Đến khi sự việc xảy ra, tôi báo cán bộ thú y đến xác định bệnh mới biết nó bị nhiễm E.coli nhưng đã chuyển nặng, không còn cứu chữa được. Từ nay về sau, tôi không dám mua heo giống theo hình thức này nữa. Người ta nói có tiêm phòng để mình an tâm mua thôi chứ thực chất có miễn dịch hay chưa thì khó mà biết trước”.
Càng xót xa hơn khi mà mới đây, đàn heo 113 con khoảng 2 tháng tuổi của bà Trương Thị Phụng, ở ấp 3, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, bỗng nhiên chết bất thường, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Bà Phụng cho hay, heo con được đặt mua từ Kiên Giang về nuôi. Tất cả đều được nơi cung cấp con giống cho biết là tiêm phòng đầy đủ. Sau khi sự cố xảy ra, bà mới vỡ lẽ rằng đàn heo chưa từng được miễn dịch đối với bệnh dịch tả thì đã quá muộn màng. Đến nay, bà Phụng vệ sinh xong chuồng trại theo khuyến cáo để tiếp tục tái đàn mới. Nhất là bà chọn mua con giống ở những nơi đáng tin cậy, đồng thời tiêm phòng bệnh đúng lịch nhằm tránh những sự việc đáng tiếc tương tự.
Ông Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng Trạm Thú y huyện Vị Thủy, thông tin: “Ngay sau khi nhận được tin báo, chúng tôi xuống xác minh tình hình dịch bệnh, lấy mẫu gửi cơ quan thú y Vùng VII xét nghiệm. Kết quả phân tích bệnh phẩm cho thấy âm tính với bệnh tai xanh nhưng dương tính với dịch tả heo. Mặt khác, nhanh chóng cử cán bộ chuyên môn đến giúp người dân xử lý ổ dịch, tiêu hủy heo chết, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi xung quanh. Ngoài ra, khuyến cáo bà con cần có thời gian cách ly khoảng 20-30 ngày trước khi thả nuôi mới, nhằm tiêu diệt mầm bệnh, không để phát sinh trên diện rộng”.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”
Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc đang xuất hiện rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân phải chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi để quá trình nuôi được an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Bởi thời điểm mưa nắng thất thường như hiện nay là điều kiện dễ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm. Vì vậy người dân cần cẩn trọng với các loại dịch bệnh như tả, E.coli, thương hàn, tai xanh, lở mồm long móng.
Bên cạnh đó, cần quan tâm thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi đúng lịch khuyến cáo để đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất; cũng như giữ vệ sinh chuồng trại để hạn chế nguy cơ dịch bệnh phát sinh, nhất là vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão sắp tới. Cho nên mấy ngày nay, hộ ông Nguyễn Văn Thắng, ở ấp 4, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đã tiến hành kiểm tra lại lịch tiêm phòng cho đàn heo giống lẫn heo thịt, đảm bảo tiêm nhắc cho đầy đủ các bệnh thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng…
Ông Thắng cho rằng: “Tôi nuôi heo nhiều năm nay, nhưng lúc nào cũng quan niệm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tổng chi phí vắc-xin tiêm phòng cho mỗi con heo tiêu tốn khoảng vài trăm ngàn đồng, thấp hơn nhiều so với chi phí điều trị khi có dịch bệnh xảy ra. Thậm chí chẳng may còn bị mất trắng! Bởi thế, gần đến ngày tiêm phòng là tôi gọi điện thoại cho cán bộ thú y xã xuống hỗ trợ, rồi tiện thể nhờ tư vấn thêm trong khâu chăm sóc. Nhờ vậy, mấy năm nay đàn heo do tôi nuôi ít xảy ra dịch bệnh nguy hiểm”.
Còn đối với anh Danh Mập, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh thì điều quan trọng lúc này chính là khâu vệ sinh chuồng trại, tạo môi trường chăn nuôi sạch sẽ. “Chuồng sạch thì heo ít bệnh, kết hợp tiêm ngừa đầy đủ là cảm thấy yên tâm rồi. Dù vậy, tôi luôn cẩn trọng với các bệnh tai xanh, lở mồm long móng bằng cách thường xuyên theo dõi thể trạng và biểu hiện bên ngoài trên đàn gia súc. Bởi các bệnh này dễ tấn công khi sức đề kháng của heo yếu. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường là mình phải báo ngay cho cán bộ thú y biết để nhờ họ điều trị. Có cẩn thận như thế mới chăn nuôi được lâu dài”.
Thông tin từ Chi cục Thú y Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiêm ngừa được 86.833 mũi vắc-xin dịch tả trên heo; 11.541 mũi vắc-xin lở mồm long móng, trong đó có 11.232 mũi cho heo, còn lại là trâu, bò. Ngoài ra, các bệnh thông thường khác như phó thương hàn heo, tụ huyết trùng... cũng được người chăn nuôi chủ động tiêm cho đàn vật nuôi của gia đình mình.
NGUYỄN HẰNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.