Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 10/08/2016
Ngày cập nhật:
11/8/2016
Bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh, mở mang dịch vụ, thời gian qua chính quyền thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) còn định hướng cho người dân khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai để phát triển kinh tế hiệu quả. Thời gian gần đây, mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại được nhiều hộ dân Lao Bảo đầu tư có quy mô, mang lại thu nhập cao.
Nhiều năm về trước, phần lớn người dân ở Lao Bảo sống bằng nghề buôn bán, trao đổi hàng hóa qua về Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Chỉ có một số hộ chăn nuôi mang tính nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp là chủ yếu, giá trị kinh tế không cao. Trước chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện về vay vốn ưu đãi, hướng dẫn khoa học kỹ thuật chăn nuôi của các cấp, các ngành ở địa phương, nhiều hộ dân ở Lao Bảo đã đầu tư xây dựng trang trại, gia trại để chăn nuôi tổng hợp. Tính đến nay toàn thị trấn có gần 40 trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp (trong đó có 17 gia trại). Phần lớn các trang trại, gia trại đầu tư chăn nuôi lợn siêu nạc, bò vỗ béo, gà và dê…Theo thống kê của UBND thị trấn Lao Bảo, thu nhập bình quân của mỗi trang trại, gia trại ở đây đạt từ 200 - 400 triệu đồng/năm. Việc phát triển các trang trại, gia trại đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn.
Nhiều hộ dân ở Lao Bảo đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi hiệu quả
Gia đình ông Trần Bình Khải, ở khóm Tân Kim là một trong những hộ đi đầu trong xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn hơn 2 năm nay ở Lao Bảo. Ông đã khai hoang, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại có quy mô trên diện tích đất 500m2. Trước khi tiến hành, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi cách thức, quy trình làm chuồng, chọn con giống, chăm sóc lợn, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi; tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Hội Nông dân tổ chức; tham quan các mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả trong và ngoài huyện. Hiện trong chuồng trại nhà ông thường xuyên nuôi 160 con lợn thịt (xuất 3 lứa hơn 400 con/ năm) và 30 lợn nái, tổng thu nhập của gia đình ông đạt gần 420 triệu đồng/năm.
Ông Khải chia sẻ: “Qua hơn 2 năm đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, tôi thấy đây là mô hình kinh tế phù hợp với gia đình mình. Kinh phí đầu tư chuồng trại và con giống ban đầu khá tốn kém nhưng về sau khi chăn nuôi thuận lợi sẽ sớm thu hồi vốn và lãi ròng. Thị trường tiêu thụ lợn cũng khá ổn định, đến thời điểm xuất chuồng thương lái đưa xe đến tận trang trại thu mua. Từ ngày làm trang trại này, chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học, đời sống được nâng cao hơn”.
Gần 4 năm nay, bà Nguyễn Thị Lợi ở khóm Tân Kim đầu tư trang trại chăn nuôi bò vỗ béo với 20 con, 1 năm xuất bán 1 lứa. Thức ăn chủ yếu bà Lợi cho bò ăn là chuối, cám, gạo... Trung bình mỗi năm, trừ chi phí về thức ăn, công chăm sóc, gia đình bà Lợi thu lợi nhuận trên 140 triệu đồng. Bên cạnh đó, bà và ông Lê Bá Ánh cùng ở khóm Tân Kim đầu tư trang trại chăn nuôi 1.000 con gà hơn 1 năm nay. Bình quân mỗi năm, bà Lợi và ông Ánh xuất bán 3 lứa gà, trừ chi phí thức ăn... lợi nhuận thu được gần 150 triệu đồng/năm... Ngoài ra, còn nhiều hộ đầu tư trang trại, gia trại chăn nuôi hiệu quả như hộ các ông: Nguyễn Ngọc Hương, khóm Tân Kim chăn nuôi dê 80 con; Hồ Biên Năng, khóm Ka Tăng chăn nuôi dê 42 con; Trương Sỹ Hướng, khóm Đông Chính chăn nuôi lợn 170 con; Nguyễn Văn Quỳnh, khóm Trung Chính chăn nuôi dê 150 con…
Xác định đầu tư chăn nuôi là phải đảm bảo được tính hiệu quả lâu dài nên đa số các hộ xây dựng trang trại, gia trại ở Lao Bảo đầu tư theo hướng tập trung, chăn nuôi có hệ thống, bài bản. Đặc biệt, họ luôn hướng đến mục tiêu sản phẩm đưa ra thị trường phải sạch, không cho vật nuôi ăn những thức ăn tăng trọng nhanh hay thức ăn không rõ nguồn gốc. Đa số người nuôi tận dụng các thức ăn có sẵn tại địa phương như chuối cây, cám gạo, rau cỏ… để cho bò, lợn, dê, gà ăn.
Ông Lê Bá Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết: “Để nhân rộng và phát triển bền vững các mô hình kinh tế trang trại và gia trại chăn nuôi, chính quyền địa phương đã có những chiến lược cụ thể, lâu dài. Trong thời gian tới, UBND thị trấn sẽ tổ chức rà soát, đánh giá lại các mô hình trang trại, gia trại trên địa bàn. Đối với trang trại, gia trại nào hiệu quả thì khuyến khích người dân duy trì và phát triển. Đối với các trang trại, gia trại nào chưa hiệu quả thì đề ra hướng khắc phục và làm tốt hơn. Mở rộng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống các dịch bệnh gia súc, gia cầm để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.
KÔ KĂN SƯƠNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.